Ngày 02/8/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký, ban hành Quyết định số 1971/QĐ-BCT về việc ban hành Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030.    

Thực hiện Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2023", Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Đề án nhằm triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Một là, tạo lập các động lực tăng trưởng mới của ngành Công Thương, tăng cường sức chống chịu trước các tác động lớn, bất thưởng từ bên ngoài và tham gia quá trình hội nhập quốc tế về kinh tế chủ động, hiệu quả.

Hai là, chú trọng nâng cấp và phát triển các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của các ngành để nâng cao giá trị gia tăng, tăng cường năng lực tự chủ của ngành Công Thương.

Ba là, hình thành hệ thống các tập đoàn, doanh nghiệp lớn có thương hiệu và có năng lực cạnh tranh toàn cầu gắn với tăng cường quản lý cạnh tranh, chống độc quyền

Bốn là, tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng trong sản xuất, xuất khẩu và sức cạnh tranh của ngành Công Thương; xanh hóa ngành Công Thương gắn với bảo vệ môi trường, giảm thiểu biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Năm là, cơ cấu lại không gian lãnh thổ phát triển của ngành Công Thương theo hướng hình thành hệ thống cụm liên kết các ngành công nghiệp chuyên môn hóa và các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn, hiệu quả cao theo lợi thế của các địa phương tại một số vùng, địa bàn trọng điểm. Tăng cường liên kết các địa phương trong vùng và liên vùng, các vùng động lực, cực tăng trưởng và các hành lang kinh té để tạo lập không gian phát triển mới đối với các ngành công nghiệp, mở rộng kết nối thị trường và tham gia có hiệu quả vào các chuỗi giá trị trong nước, khu vực và toàn cầu.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đưa ra một số giải pháp cụ thể như sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách và môi trường kinh doanh trở thành động lực cho thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và số hóa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của ngành Công Thương.

Hai là, huy động hiệu quả các nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu ngành Công Thương.

Ba là, cải cách tổ chức bộ máy theo hướng đẩy mạnh phân cấp phân quyền; thực thi chính phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành.

Bốn là, tăng cường công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng toàn diện và phát triển.

Năm là, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quản lý ngành; tăng cường công tác thông tin và chia sẻ thông tin; nâng cao năng lực và nhận thức cho các bên liên quan về tái cơ cấu ngành Công Thương.

Theo Chương trình, Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Công Thương) là đơn vị được giao đầu mối chịu trách nhiệm, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện Chương trình hành động. Các đơn vị thuộc Bộ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tổng công ty và doanh nghiệp thuộc Bộ xây dựng báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ và gửi kết quả về Vụ Kế hoạch - Tổng hợp trước ngày 15 tháng 12 hằng năm để tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình hành động./.

Chi tiết Quyết định xem tại đây.

NTB-VPC