Ngày 29/10, Bộ Công Thương đã tiến hành họp báo thường kỳ tháng 10 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải. Nhiều tín hiệu vui trong sản xuất công nghiệp, tình hình xuất khẩu và tồn kho đã được đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương công bố. Trong khi đó giá xăng, giá điện, công tác quản lý thị trường tiếp tục là chủ đề dành được nhiều quan tâm.


Sản xuất công nghiệp có chuyển biến đúng hướng

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 năm 2012 tăng 5,7% so với tháng 10/2011. So với tháng 9, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,8%. Tính chung 10 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,5%. Một số ngành có tốc độ tăng trưởng cao như: khai thác dầu thô và khí tự nhiên tăng 12,1%; chế biến, bảo quản thuỷ sản và sản phẩm từ thuỷ sản tăng 8,0%; chế biến sữa và sản phẩm từ sữa tăng 12,5%; sợi và dệt vải tăng 8,0%; sản xuất sợi và dệt vải tăng 8,3%; sản xuất phân bón và hợp chất nitơ tăng 11,3%; sản xuất linh kiện điện tử tăng 21,2%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 51,6%; sản xuất, truyền tải và phân phối điện tăng 11,3%... Ngược lại, khai thác và thu gom than cứng giảm 7,3; sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) giảm 9,9%; sản xuất giày, dép giảm 2,3%; sản xuất sơn, véc ni và các chất sơn quét tương tự; sản xuất mực in và ma tít giảm 3,6%; sản xuất xi măng, thạch cao giảm 7,1%; sản xuất sắt, thép, gang giảm 1,5%; sản xuất dây cáp, dây điện và điện tử khác giảm 4,0% v.v...


Điều này cho thấy, tình hình sản xuất công nghiệp vẫn có chuyển biến đúng hướng, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng còn rất thấp (chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2011 là 7,0%). Các doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và vốn. Tốc độ tăng trưởng của một số sản phẩm có xu hướng chậm lại. Vì vậy, các doanh nghiệp trong ngành cần phải nghiên cứu kỹ vị trí, thị phần sản phẩm của doanh nghiệp mình hiện nay trong thị trường chung để có kế hoạch điều hành sản xuất trong thời gian tới.

Báo cáo của Bộ Công Thương cũng phân tích về tình hình xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 9,9 tỷ USD, tăng 4,4% so với tháng 9 và tăng 17,4% so với tháng 10/2011, trong đó: xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 5,6 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng 9 và tăng 17,7% so với tháng 10/2011. Tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 93,45 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá ước đạt 10,4 tỷ USD, tăng 11,7% so với tháng 9 và tăng 12,6% so với tháng 10/2011. Tính chung 10 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 93,81 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ.


Về cán cân thương mại, ước nhập siêu 10 tháng là 357 triệu USD, bằng 0,4% kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam vẫn nhập siêu chủ yếu từ các thị trường Châu Á như: Trung Quốc (13 tỷ USD), ASEAN (gần 3,4 tỷ USD), Hàn Quốc (gần 8 tỷ USD), Đài Loan (hơn 5,6 tỷ USD). Phát biểu về vấn đề này tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải cho biết tốc độ tăng trưởng nhập khẩu tiếp tục thấp hơn so với tăng trưởng xuất khẩu là một tín hiệu đáng mừng, thị trường trong nước cũng diễn biến theo chiều hướng tốt hơn so với tháng trước.

Chỉ số tồn kho giảm dần qua các tháng

Tính đến ngày 01 tháng 10, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 20,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tính chung 9 tháng thì chỉ số này đã giảm 0,1 điểm % so với 8 tháng. Theo đánh giá chung, chỉ số này có xu hướng giảm dần qua các tháng, tuy nhiên vẫn còn ở mức độ cao trong bối cảnh các doanh nghiệp khó khăn tiêu thụ sảm phẩm. Một số ngành đã điều tiết sản xuất nên lượng tồn kho giảm mạnh so với tháng trước như: sản xuất đường giảm 38,4%; sản xuất thiết bị truyền thông giảm 73,2%; sản xuất điện tử dân dụng giảm 14,2%; sản xuất thiết bị dẫn điện giảm 11,1%; sản xuất xe có động cơ giảm 5,4%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 23,5% v.v....


Theo phân tích của đại diện Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương, kết quả này là do các ngành đã thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13/CT-BCT ngày 17 tháng 8 năm 2012. Nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, giải phóng hàng tồn kho, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đã được triển khai, trong đó có giải pháp ưu tiên sử dụng sản phẩm giữa các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Bộ. Các Tập đoàn, Tổng công ty đã rà soát, đánh giá, đề xuất về khả năng cung ứng và nhu cầu tiêu thụ cụ thể đối với các sản phẩm có tỷ lệ tồn kho cao và tổ chức Lễ ký thỏa thuận ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau.

Giảm giá xăng dầu phải đảm bảo lợi ích hài hòa Nhà nước – Doanh nghiệp – Người tiêu dùng

Giá xăng dầu tiếp tục là vấn đề được quan tâm đặc biệt. Trả lời các câu hỏi của báo chí, ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết: Trong tháng 10, tình hình giá xăng dầu thế giới tuy có giảm nhưng lại không liên tục mà diễn biến khá thất thường, lúc giảm, lúc tăng. Theo ông Chiến: “Bộ Công Thương và Bộ Tài chính liên tục bám sát giá xăng dầu thế giới, khi đủ điều kiện giảm theo quy định của Nghị định số 84/2009/NĐ-CP thì liên Bộ sẽ giảm ngay”. Ông nhấn mạnh thêm, việc giảm giá bán lẻ trong thời gian tới sẽ được cân nhắc đảm bảo lợi ích hài hòa của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.


Liên quan đến tình hình điều chỉnh giá điện, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Đặng Huy Cường cho biết, giá điện tháng 10 cũng như trong tháng 11 sẽ không điều chỉnh do sau khi rà soát lại Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhận thấy chi phí sản xuất, kinh doanh điện, phát điện trên thực tế thấp hơn so với chi phí trong kế hoạch ở các tháng 7, 8 và 9/2012. Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng đã tính đến khoản thua lỗ của EVN trong năm 2010 cũng như việc từ ngày 15/9, ngành than tăng giá bán than cho ngành điện, dự kiến tăng 850 tỷ đồng trong các tháng cuối năm 2012. Ông Cường cũng nhấn mạnh, Bộ Công thương đã có ý kiến đối với EVN tiếp tục tính toán chi phí thực tế của tháng 10/2012 để làm cơ sở điều chỉnh giá điện trong những tháng tiếp theo.


Về việc quản lý thị trường, đặc biệt là những tháng cuối năm, ông Đào Minh Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết, trong tháng 10, Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 12.523 trường hợp, xử lý 6.257 vụ vi phạm, trong đó có 1.295 vụ buôn bán hàng lậu, hàng cấm; 1.010 vụ hàng giả, kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ; 2.658 vụ kinh doanh trái phép và 1.294 vụ vi phạm trong lĩnh vực giá với số thu 25,6 tỷ đồng, trong đó phạt vi phạm hành chính 17,4 tỷ đồng; tiền bán hàng tịch thu 7,9 tỷ đồng và truy thu thuế 300 triệu đồng. Các lực lượng Quản lý thị trường cũng đẩy mạnh kiểm tra, giám sát hoạt động thương mại có yếu tố nước ngoài như: tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động thu mua hàng hóa của thương nhân Trung Quốc; tiếp tục kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng; kiểm tra, kiểm soát gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với các mặt hàng dự báo có mức tiêu thụ cao vào cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2013 như: thuốc lá, rượu bia, bánh, mứt, kẹo, thực phẩm.

Các biện pháp thực hiện tháng 11: Tập trung kiềm chế lạm phát

Để đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm 2012, Bộ Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc Bộ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bám sát tình hình thực tế, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau:

1. Khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước, củng cố hệ thống phân phối để sản phẩm đến tay người tiêu dùng ở mức giá thấp nhất nhằm giảm tồn kho và thúc đẩy sản xuất; chủ động đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; triển khai thực hiện tốt Thỏa thuận ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau giữa các doanh nghiệp thuộc Bộ; tiếp tục đẩy mạnh cải tiến công nghệ, sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị trong nước đã sản xuất được để giảm chi phí, đặc biệt là sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên nhằm tăng hiệu quả đầu tư và hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần giảm nhập siêu.

2. Trong những tháng cuối năm, cần tập trung kiềm chế lạm phát, theo dõi sát biến động thị trường thế giới để có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp xuất khẩu; theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để chủ động và linh hoạt trong điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường, bình ổn giá; thực hiện các chính sách kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu mặt hàng không thiết yếu, hàng tiêu dùng xa xỉ, góp phần kiềm chế nhập siêu; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, gian lận thương mại và mậu dịch biên giới; kiểm tra, xử lý vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩ; đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa, bảo đảm cân đối cung cầu, an sinh xã hội.

3. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tái đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo hướng tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh chính, thoái vốn ra khỏi các lĩnh vực ngoài ngành…; rà soát, hoàn thiện quy hoạch các ngành, lĩnh vực. Tập trung giám sát chặt chẽ tiến độ các dự án đầu tư đang thực hiện, đặc biệt là các dự án trọng điểm chậm tiến độ và các dự án có khả năng hoàn thành trong năm.

4. Tích cực và chủ động đẩy mạnh việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, nhất là xúc tiến thương mại biên giới, hải đảo.

5. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng dư luận, tạo đồng thuận giữa doanh nghiệp và nhân dân trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng, chống tham nhũng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

6. Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục tích cực phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất điện để đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và tiêu dùng dân cư trong những tháng cuối năm.

 

Nguồn: moit.gov.vn