Tham dự hội nghị có lãnh đạo Bộ Công Thương, lãnh đạo cơ quan đại diện của Bộ tại thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo các Cụ, vụ, viện thuộc Bộ và đại diện nhiều Tập đoàn, Tổng Công ty lớn.
Sản xuất công nghiệp đang phục hồi
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, nhưng nhờ sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, kịp thời và có hiệu quả của Chính phủ, sự nỗ lực của toàn ngành Công Thương, nên nhìn chung 10 tháng năm 2009, hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại nước ta vẫn đạt được những kết quả khả quan.
Theo đó, 10 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt gần 569 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế ngoài nhà nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất, đạt 8,9%, tiếp đến là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tằng 7,4%; khu vực kinh tế Trung ương tăng 5,7% (các doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương tăng 6,8%) và cuối cùng, khu vực kinh tế địa phương giảm 4,0%. Riêng tháng 10, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp cao hơn mức trung bình của 10 tháng và đạt mức 11,9%, điều này cho thấy ngành công nghiệp đang tiếp tục duy trì tăng trưởng và phục hồi.
Trong 10 tháng, nhiều doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng so với cùng kỳ, đáng chú ý là một số doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức trung bình toàn ngành (11,9%), như: Tập đoàn điện lực Việt Nam (tăng 16,8%); Tổng Công ty thép Việt Nam (tăng 2,4 lần); Tổng Công ty thiết bị điện (tăng 33,4%)…
Bên cạnh các doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương có mức tăng trưởng khá, nhiều địa phương cũng đạt giá trị sản xuất công nghiệp khá, trong đó mức tăng của tháng 10 tiếp tục duy trì và tăng cao hơn tháng 9. Trong đó có Hà Nội (tháng 10 tăng 11,2% so với tháng 9 và tăng 10,2% so với cùng kỳ); các con số tương tự của tỉnh Vĩnh Phúc lần lượt là 12,2% và 28,8%; của tỉnh Phú Thọ là 1,3% và 15,2% hay của tỉnh Đồng Nai là 1,4% và 15,3%...
Trong lĩnh vực công nghiệp, theo đà phục hồi kinh tế, 10 tháng đầu năm nhiều sản phẩm phục vụ sản xuất đã phục hồi và đạt tốc độ tăng trưởng khá, như: điện: tăng 12,3%; than sạch: 4,1%; khí đốt: 5,5%. Đặc biệt, một số sản phẩm phục vụ tiêu dùng đạt mức tăng trưởng cao, như: sản phẩm điều hòa nhiệt độ tăng 48,5%; tủ lạnh, tủ đá tăng 30,4%; xi măng tăng 19,3%; thép tròn các loại tăng 18,7%...
Tuy nhiên, do sự phục hồi của kinh tế thế giới chưa thực sự rõ rệt, nhu cầu tiêu dùng ở một số nước vẫn chưa được cải thiện, trong khi nhu cầu tiêu dùng cá nhân trong nước, đặc biệt là khu vực nông thôn chưa cao… nên một số sản phẩm tiêu dùng và xuất khẩu tính chung trong 10 tháng giảm so với cùng kỳ. Trong đó, các mặt hàng có tỷ lệ giảm khá lớn là quần áo người lớn (17,0%); sữa bột (12,0%) và con số giảm tương ứng của các sản phẩm vải dệt từ sợi bông, xe chở khách là 15,0% và 8,0%.
Thị trường trong nước ổn định
Theo đánh giá tại Hội nghị Giao ban sáng nay, thị trường trong nước tháng 10 đã sôi động hơn do nhiều tác động cả chủ quan và khách quan. Trong đó, ngoài dấu hiệu phục hồi kinh tế sau cuộc suy thoái và khủng hoảng kinh tế thế giới; thời tiết chuyển mùa… thì yếu tố chủ quan được chỉ ra là nguồn cung hàng hóa đa dạng, phong phú và giá cả giảm mạnh nhờ tác động của nhiều chính sách kích cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước của Chính phủ. Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ hiệu quả của nhiều chương tình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, đặc biệt là sự lan tỏa từ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hành Việt Nam” của Bộ Chính trị thông qua việc tổ chức các đợt khuyến mại, tuyên truyền, quảng bá cho hàng Việt Nam.
Vì vậy, tổng mức lưu chuyển hàng hóa tháng 10 ước đạt 105,5 nghìn tỉ đồng, tăng 2,5% so với tháng 9. Tính chung 10 tháng đạt 958,3 nghìn tỉ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa tiêu dùng khá ổn định trong liên tục những tháng gần đây. Tháng 10 chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,37% so với tháng 9 và chỉ tăng 2,99% so với cùng kỳ. Hơn nữa, giá cả chỉ tăng nhẹ, tập trung ở một số nhóm hàng hóa, như: phương tiện đi lại, bưu điện, giáo dục, nhà ở, vật liệu xây dựng…
Tại Hội nghị, Bộ Công Thương cũng như đại diện Sở Công thương các tỉnh, thành và doanh nghiệp nhất trí cho rằng, có được kết quả trên là nhờ công tác quản lý và kiểm soát giá được thực hiện quyết liệt và hiệu quả. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến lo ngại về vấn đề này nhất là sau Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, theo đó các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được chủ động giá bán, hay việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với sản phẩm than…
Xuất khẩu: còn nhiều lo ngại
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu tháng 10 tăng so với tháng 9 nhưng vẫn tiếp tục giảm so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10 ước đạt 4,75 tỉ USD, tăng 4,5% so với tháng 9. Trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng cao nhất, đạt 2,15 tỉ USD, bằng 2,5% so với tháng 9 và chiếm tới 45,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước ước đạt 2,6 tỉ USD, tăng 6,2% so với tháng 9.
Tính chung 10 tháng đầu năm 2009, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 46,3 tỉ USDD, bằng 78,5% kế hoạch năm và giảm tới 13,8% so với cùng kỳ.
Thời điểm này, giá các loại hàng hóa xuất khẩu bắt đầu tăng nhưng lượng xuất khẩu trong các đơn hàng không còn nhiều, nhất là nhóm hàng nông sản và dầu thô. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới sẽ khó tăng. Ngoài ra, nhóm hàng công nghiệp chế biến cũng được đánh giá là tăng thấp.
Về nhập khẩu, 10 tháng năm 2009, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 55,119 tỉ USD, bằng 78,74% kế hoạch năm và giảm 21,7% so với cùng kỳ, tương đương giảm 15,247 tỉ USD. Trong đó, đá quý, kim loại quý và các sản phẩm giảm 95,3%; xăng dầu giảm 47,9%; cao su giảm 33%...
Giải thích về con số sụt giảm này, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do giá bình quân của một số mặt hàng có lượng nhập khẩu lớn giảm mạnh (như phân bón giảm 59,4%; xăng dầu giảm 48,2% hay thép giảm 35,9%...)
Từ những số liệu này cho thấy, cán cân thương mại đang nghiêng về nhập khẩu với con số nhập siêu của tháng 10 là 1,9 tỉ USD, bằng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu và nếu tính chung 10 tháng, Việt Nam đang nhập siêu 8,78 tỉ USD, bằng 18,95% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, kế hoạch mà Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành Công Thương là đảm bảo nhập siêu năm 2009 không vượt quá 20%.
Ba nhiệm vụ trọng tâm cho 60 ngày còn lại
Sau những đánh giá, phân tích và nhận định nói trên, với mục tiêu đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ kế hoạch năm của ngành Công Thương, góp phần tích cực duy trì mức tăng trưởng kinh tế, phát biểu kết luận cuộc họp giao ban sáng nay, Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu nhấn mạnh, cần quyết liệt thực hiện ngay ba giải pháp trọng tâm của ngành.
Theo đó, nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất là tiếp tục triển khai các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Cụ thể, các doanh nghiệp phải duy trì và đẩy mạnh hơn nữa hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong nước để không chỉ có sản phẩm cho thị trường trong nước mà còn tham gia xuất khẩu, nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu trong năm nay.
Để thực hiện được nhiệm vụ này, Bộ Công Thương, các cơ quan thuộc Bộ cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương và doanh nghiệp cũng tháo gỡ kịp thời những khó khăn, đặc biệt quan tâm đến những nội dung các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp kiến nghị trong hội nghị như vấn đề về vốn, thủ tục hành chính, thuế…
Ngoài ra, cần khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, đẩy mạnh sản xuất những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh. Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại với các phương thức hiệu quả hơn nhằm mở rộng thị trường hiện có và tìm kiếm thị trường tiêu thụ và xuất khẩu mới.
Nhiệm vụ thứ hai, theo Thứ trưởng Bùi Xuân Khu là, thực hiện có hiệu quả các gói kích thích kinh tế của Chính phủ, nhất là gói kích cầu thị trường nội địa và việc hỗ trợ lãi suất vay vốn để tiêu thụ mý móc, thiết bị, vật tư nông nghiệp.
Bên cạnh đó, cần rà soát lại những mặt hàng cần kiểm soát nhập siêu, đặc biệt là những mặt hàng tiêu dùng, mặt hàng xa xỉ và bằng mọi cách khống chế nhập siêu không quá 20% theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ. Để thực hiện được mục tiêu này, các vụ, cục thuộc bộ phải chủ động, tích cực hơn nữa, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt là các Tập đoàn, Tổng công ty lớn, một mặt kiểm tra, rà soát chặt chẽ các mặt hàng nhập khẩu và đẩy mạnh xuất khẩu để giảm bớt sự chênh lệch trong cán cân thương mại trong xuất, nhập khẩu hiện nay.
Tăng cường hoạt động theo dõi, kiểm tra, kiểm soát, quản lý các diễn biến của thị trường hàng hóa để chủ động xử lý những phát sinh nhằm đảm bảo tốt nguồn cung ứng những mặt hàng trọng yếu với giá cả ổn định như xăng dầu, phân bón, sắt thép, gạo, dược phẩm…
Và nhiệm vụ trong tâm thứ ba là, tập trung rà soát, đẩy mạnh tiến độ các dự án đầu tư để nhanh chóng đưa các dự án đầu tư xây dựng vào sản xuất, đặc biệt là những dự án đã có kế hoạch hoàn thành trong năm 2009, như thế sẽ tăng lương hàng hóa cho thị trường, nâng cao giá trị tiêu thụ nội địa và tăng lượng hàng cho xuất khẩu.
Không chỉ có vậy, nếu các dự án này hoàn thiện trong thời gian Chính phủ đang triển khai các gói kích cầu thì sẽ là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư hưởng lợi từ chính sách kích cầu của Chính phủ.
Bổ sung vào nhóm những giải pháp quan trọng cho 2 tháng còn lại của năm 2009, tại cuộc họp sáng nay, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho rằng, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các ưu đãi về thuế trong các khung mậu dịch tự do mà chúng ta và các nước đã ký và đang thực hiện. Trong năm 2009, các CO ưu đãi tăng rất mạnh, như: xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng 32%; sang Trung Quốc tăng 37%; Lào tăng 70% và xuất sang các nước ASEAN tăng 17% về lượng…
Đặc biệt xuất khẩu sang Nhật Bản trong 9 tháng, tính riêng việc thực hiện Hiệp định tự do mậu dịch ASEAN – Nhật Bản với CO ưu đãi sang thị trường này đã đạt 1,2 tỷ USD. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với cơ quan quản lý Nhà nước để có thể tận dụng tối đa những ưu đãi này.
Nguồn: Báo CT