Nhận định được tầm quan trọng của vấn đề này, trong giai đoạn vừa qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan trực tiếp triển khai nhiều Chương trình, đề án nhằm phát triển, ứng dụng công nghệ trong một số ngành, lĩnh vực về công nghiệp và thương mại vào sản xuất nông nghiệp. Một số đề án điển hình như: “Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020” đang được Bộ Công Thương tích cực triển khai. Trong đó, kỹ thuật gen tạo ra chủng vi sinh vật tái tổ hợp và sử dụng các chủng tái tổ hợp được ứng dụng để sản xuất được một số loại enzyme có hoạt lực cao đã giúp cho doanh nghiệp chủ động sản xuất thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, bảo quản và chế biến một số loại thực phẩm quy mô vừa và nhỏ, từng bước thay thế các sản phẩm đang phải nhập khẩu. Hay, dự án “Sản xuất collagen, gelatin từ da cá tra” của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn Collagen đang vận hành thương mại ổn định và hiệu quả.
Các cơ chế chính sách ưu đãi cho dự án đã góp phần nâng cao giá trị gia tăng đối với các sản phẩm thủy sản truyền thống cá tra. Thành công của dự án cũng là mô hình cần khuyến khích nhân rộng trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Mặt khác, các loại máy canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến các sản phẩm nông nghiệp – ngư nghiệp, các kho bảo quản phục vụ xuất khẩu và các dự án đầu tư sản xuất các thiết bị phục vụ nông nghiệp và công nghiệp chế biến được đưa vào Danh mục các ngành cơ khí trọng điểm trong Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm. Nhờ các cơ chế, chính sách ưu đãi về tín dụng, phát triển thị trường, thuế, phí và hỗ trợ ngân sách cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển, các doanh nghiệp đã dần chiếm lĩnh thị trường lĩnh vực động cơ, máy nông nghiệp với một số sản phẩm như các loại động cơ nổ (diesel, xăng), máy cày, máy phay đất, máy kéo, máy gặt, máy cấy..., các loại thiết bị nuôi trồng thủy sản. Sản phẩm động cơ và máy nông nghiệp của các doanh nghiệp trong nước không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn bắt đầu xuất khẩu đi một số nước trong khu vực và thế giới.
Ngoài những hỗ trợ về mặt khoa học công nghệ, Bộ Công Thương cũng đã triển khai các hoạt động góp phần phát triển thương mại nông thôn. Trong các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương được ký kết giai đoạn vừa qua, Bộ cũng đã chủ động, chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán thành công các nội dung liên quan đến mở cửa thị trường sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Theo đó, các sản phẩm nông, lâm, thủy sản nói chung và sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao nói riêng đã có thêm nhiều cơ hội để thâm nhập các thị trường xuất khẩu mục tiêu và tiềm năng đồng thời các doanh nghiệp và hộ nông dân Việt Nam có thêm thời gian để nâng cao năng lực cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường. Bên cạnh đó, các mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp bao gồm: Mô hình Doanh nghiệp – Hợp tác xã – Hộ nông dân ở vùng sản xuất hàng hóa tập trung và Mô hình Doanh nghiệp – Hộ kinh doanh – Hộ nông dân áp dụng ở vùng sản xuất phân tán đã được xây dựng tại 12 tỉnh (Lào Cai, Sơn La, Bắc Giang, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Bình Thuận, An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp). Việc triển khai các mô hình thí điểm này đã đạt được nhiều kết quả tích cực cả về kinh tế và xã hội. Sản phẩm nông nghiệp được sản xuất ổn định thông qua các hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp thương mại đã góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, chuyên môn hóa. Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các Hội nghị Kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tạo điều kiện cho các sản phẩm này được tham gia vào chuỗi phân phối của các nhà bán lẻ lớn.
Để phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ ưu tiên thực hiện các cơ chế chính sách phát triển các sản phẩm nông nghiệp có ưu thế cạnh tranh và nhu cầu thị trường lớn, kiến tạo môi trường phát triển doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, phát triển nông nghiệp công nghệ cao dựa trên cơ chế thị trường, áp dụng các công cụ chính sách nhằm quản lý rủi ro trong nông nghiệp tốt hơn đặc biệt là hệ thống quản lý an toàn thực phẩm và bảo vệ người tiêu dùng.
Ngọc Lam