Tại buổi họp báo trực tuyến, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Nguyễn Nam Hải cho biết bước sang tháng 02, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, trong nước áp lực tăng giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất và rủi ro tài chính ngân hàng chưa có dấu hiệu khả quan đã ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp. Vì vậy nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất nên giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh. So với tháng 01, tháng 02 số lượng ngày làm việc nhiều hơn nên tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp tăng 10,0%, trong đó: ngành công nghiệp khai thác mỏ tăng 0,1%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,9%; sản xuất, phân phối điện, ga, nước tăng 6,1%. So với tháng 02 năm 2011, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp tăng 22,1%.
Chỉ số sản xuất của một số ngành công nghiệp tăng nhẹ so với cùng kỳ như: sản xuất mô tô, xe máy tăng 16,9%; sản xuất bia tăng 9,0%; khai thác và thu gom than cứng tăng 6,9%, khai thác dầu thô và khí tự nhiên tăng 6,9%, sản xuất thuốc lá tăng 2,2%,... Tuy nhiên, chỉ số sản xuất của nhiều ngành công nghiệp giảm so với cùng kỳ như: sản xuất sợi và dệt vải giảm 8,5%; sản xuất bột giấy, giấy và bìa giảm 6,2%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ giảm 10,8%; sản xuất sắt thép giảm 14,3%; sản xuất xe có động cơ giảm 12,6%; sản xuất đồ uống không cồn giảm 6,1%; sản xuất giầy, dép giảm 6,8%; sản xuất cáp điện và dây điện có bọc cách điện giảm 19,9%
Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 02 tiếp tục tăng trưởng, nhất là xuất khẩu sang một số thị trường chính như EU, Nhật Bản, Mỹ..., ước đạt 8,2 tỷ USD, tăng 15,6% so với tháng 01 và tăng 66,3% so với tháng 2/2011, trong đó: xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 4,6 tỷ USD, tăng 15,4% so với tháng 01 và tăng gấp hơn 2 lần so với tháng 02/2011. Tính chung 2 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 15,3 tỷ USD, tăng 24,8% so với cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt gần 8,6 tỷ USD, tăng 49,2%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hoá tháng 02 ước đạt 9,0 tỷ USD, tăng 30,0% so với tháng 01 và tăng 47,1% so với tháng 02/2011, trong đó: kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 4,6 tỷ USD, tăng 26,9% so với tháng 1 và tăng 71,2% so với tháng 2/2011.
Tính chung 2 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt hơn 15,9 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ, trong đó: kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt gần 7,7 tỷ USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 48,3%; kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 8,2 tỷ USD, tăng 36,8% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 51,7% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Ước nhập siêu 2 tháng đầu năm là 628 triệu USD, chiếm 4,1% kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam vẫn nhập siêu chủ yếu với các nước như Trung Quốc hơn 2,3 tỷ USD, ASEAN gần 873,8 triệu USD, Hàn Quốc gần 1,6 tỷ USD, Đài Loan 801 triệu USD. Tuy nhiên, khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) xuất siêu 360 triệu USD.
Trả lời câu hỏi về những khó khăn của thị trường hiện nay, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, trong tháng vừa qua, thị trường hàng hóa trong nước ổn định. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được đẩy mạnh, đặc biệt là việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng xăng dầu và giá một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đặc biệt là mặt hàng gas và sữa. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tháng 02 ước đạt 186,5 nghìn tỷ đồng, giảm 3,8% so với tháng 01 và tăng 20,3% so với tháng 2/2011. Tính chung 2 tháng đầu năm ước đạt 380,3 nghìn tỷ đồng, tăng 22,0% so với cùng kỳ. Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Bộ đã phối hợp với Bộ Tài chính rà soát để sửa đổi và kiến nghị sửa đổi các quy định của pháp luật có liên quan đến kinh doanh xăng dầu để phù hợp với tình hình thực tế; rà soát chính sách, pháp luật về quản lý từ nhập khẩu đến sản xuất, lưu thông các hóa chất là phụ gia, dung môi hòa tan vào xăng nhằm hạn chế tối đa việc gian lận thương mại làm ảnh hưởng đến chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường. Với mặt hàng gas, Bộ đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm về giá trong kinh doanh gas để lập lại trật tự thị trường gas, đáp ứng quyền lợi người tiêu dùng.
Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết thêm, Cục đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường tổ chức kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm các đơn vị kinh doanh vi phạm quy định về chất lượng gas, xăng dầu để giải quyết dứt điểm các trường hợp bán lẻ xăng không đúng quy định. Kết quả đã xử lý 48 vụ vi phạm kinh doanh xăng dầu (trong đó: số vụ vi phạm về điều kiện kinh doanh: 14 vụ, vi phạm về giá: 07 vụ, vi phạm về đo lường: 02 vụ; vi phạm khác: 07 vụ; nhắc nhở: 06 vụ; đang chờ xử lý: 12 vụ). Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 202,5 triệu đồng.
Moit.gov.vn