Theo Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải, 3 tháng đầu năm 2012, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,1%. Đây là mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ (năm 2011 so với năm 2010 tăng 9,6%). Trong đó: ngành công nghiệp khai thác mỏ tăng 3,2%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,2% và sản xuất, phân phối điện, ga, nước tăng 13,7%. So với mức tăng cùng kỳ của năm trước, trong 3 ngành sản xuất công nghiệp, ngành sản xuất phân phối điện, ga, nước có mức tăng trưởng cao nhất, chỉ số sản xuất 3 tháng đầu năm của ngành cao hơn so với mức tăng 9% của cùng kỳ năm trước, trong đó tăng cao ở nhóm hàng sản xuất tập trung và phân phối điện tăng 14,2%. Tiếp đó đến ngành công nghiệp khai thác mỏ có chỉ số sản xuất tăng cao hơn so với mức tăng 1,3% của cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu ở khai thác dầu thô và khí tự nhiên.
Tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) quý I năm 2012 ước đạt 24,5 tỉ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2011 (tương đương với tăng 4,7 tỷ USD), trong đó KNXK của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt gần 9 tỷ USD, chiếm 36,7% tổng KNXK của cả nước, bằng cùng kỳ năm ngoái; KNXK của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 15,5 tỷ USD, chiếm 63,3% tổng KNXK của cả nước, tăng 43,1%, nếu không kể dầu thô KNXK của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 13,8 tỷ USD tăng 48,8% so với cùng kỳ năm 2011.
Tổng kim ngạch nhập khẩu (KNNK) hàng hoá quý I năm 2012 đạt 24,77 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2011. Kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 13 tỷ USD, tăng 30,3%, chiếm tỷ trọng 52,5% tổng KNNK cả nước; Kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt 11,7 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 47,5% tổng KNNK cả nước, giảm 10,9% so với cùng kỳ năm 2011.
Tháng 3 nhập siêu khoảng 150 triệu USD, tính chung cả quý I nhập siêu 251 triệu USD, giảm hơn 3 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái, với tỷ trọng nhập siêu/xuất khẩu hơn 1%.
Quý I năm 2012, thị trường hàng hóa trong nước ổn định, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được đẩy mạnh, đặc biệt là việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng xăng dầu và giá một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nhất là giá gas, giá sữa. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ 3 tháng đầu năm tăng 21,8% so với cùng kỳ (nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ 3 tháng chỉ tăng 5%), đây là mức tăng thấp so với mức tăng trên 10% trong vài năm trở lại đây tính trừ năm 2009.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 tăng 0,16% so với tháng 2 năm 2012, đây là mức tăng khá thấp sau khi giá xăng, dầu, gas được điều chỉnh tăng, nguyên nhân do nhóm lương thực và thực phẩm (nhóm chiếm tỷ trọng cao) giảm khá sâu lần lượt là 1,21% và 1,25% do nguồn cung dồi dào và giá thịt lợn giảm trước thông tin về việc lạm dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi lợn; giá xăng dầu mới chỉ tác động đến tuần cuối cùng của tháng; sức mua hàng hoá chững lại nên các mặt hàng khó điều chỉnh tăng giá.
Trong quý I năm 2012, việc tăng giá gas, giá sữa, giá xăng dầu đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức tiêu thụ của người dân, vì vậy công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được đẩy mạnh, đặc biệt là việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng xăng dầu và giá một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu: Đối với LPG: đã phối hợp kiểm tra 1193 cơ sở, xử lý 268 cơ sở với số tiền phạt hành chính là 1,036 tỷ đồng; Đối với xăng dầu: đã phối hợp kiểm tra 2228 vụ, xử lý 501 vụ vi phạm, với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính 2,561 tỷ đồng; tước giấy phép kinh doanh 14 trường hợp. Quý I, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 34.280 trường hợp, xử lý 18.049 vụ vi phạm (trong đó có 3.693 vụ buôn bán hàng lậu, hàng cấm; 2.456 vụ hàng giả, hàng kém chất lượng; 9.209 vụ kinh doanh trái phép và 2.695 vụ vi phạm trong lĩnh vực giá) với số thu trên 55 tỷ đồng (trong đó phạt vi phạm hành chính 36,28 tỷ; tiền bán hàng tịch thu là 17,64 tỷ và truy thu thuế là 1,089 tỷ đồng).
Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải cho biết Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục nghiên cứu đẩy mạnh hoạt động cải tiến công nghệ, tăng cường quản lý, nghiên cứu sử dụng nguyên liệu và các máy móc thiết bị đã sản xuất được trong nước để giảm chi phí, hạ giá thành và tăng hiệu quả đầu tư kinh doanh nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là việc tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu của những tháng tiếp theo. Bên cạnh việc tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản xuất, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách hạn chế nhập khẩu mặt hàng không thiết yếu, hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu để góp phần kiềm chế nhập siêu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phát triển mạng lưới phân phối, mở rộng hệ thống bán lẻ hàng hóa, dịch vụ; thực hiện các hoạt động triển khai chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Trung tâm Tin học