Ngày 08 tháng 6 năm 2010, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp giao ban trực tuyến công tác tháng 5 năm 2010. Cuộc họp đã đánh giá hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại tháng 5 và 5 tháng đầu năm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho 7 tháng còn lại trong năm 2010.


Tham dự cuộc họp giao ban trực tuyến có lãnh đạo Bộ Công Thương, lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, cơ quan đại diện của Bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện một số Sở Công Thương và đại diện các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty trực thuộc Bộ.


Theo báo cáo của Bộ Công Thương, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 5 ước đạt 64,7 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% so với tháng 4 và tăng 13,8% so với tháng 5 năm 2009. Tính chung 5 tháng ước đạt 301,8 nghìn tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2009. Tuy giá trị sản xuất công nghiệp tăng nhưng nhìn chung, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào và giá nguyên liệu nhập khẩu tăng, khả năng tiếp cận nguồn vốn vay hạn chế, lãi suất cho vay các ngân hàng mặc dù giảm nhưng vẫn ở mức cao.


Một số tỉnh, thành phố trọng điểm có tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng so với cùng kỳ như: Vĩnh Phúc tăng 38,4%, Hải Dương 20,0%, thành phố Đà Nẵng tăng 16,2%, thành phố Hồ Chí Minh tăng 13,7%, Đồng Nai tăng 15,6%, Cần Thơ tăng 16,2%. Tính chung 5 tháng so với cùng kỳ, một số tỉnh, thành phố tăng cao như: Hải Phòng tăng 14,1%, Vĩnh Phúc tăng 41,9%, Hải Dương 18,9%, Phú Thọ tăng 24,1%, Quảng Ninh 17,2%, Thanh Hóa tăng 18,5%, thành phố Đà Nẵng tăng 20,1%, thành phố Hồ Chí Minh tăng 13,8%, Bình Dương tăng 17,1%, Đồng Nai tăng 17,3%.


Về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu tháng 5 ước đạt 6,1 tỷ USD, tăng 14,4% so với tháng 4 năm 2010 và tăng 37,5% so với tháng 5 năm 2009. Xuất khẩu tháng 5 tăng cao do yếu tố đột biến của xuất khẩu vàng, nếu loại trừ vàng thì xuất khẩu tháng 5 chỉ tăng 0,53% so với tháng 4. Tính chung 5 tháng đầu năm ước đạt 25,8 tỷ USD, bằng 42,7% kế hoạch năm và tăng 12,6% so với cùng kỳ. Tình hình xuất khẩu của Việt Nam đang diễn biến theo chiều hướng tích cực. Xuất khẩu nhiều mặt hàng công nghiệp đã có mức tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ 2009 là tín hiệu đáng mừng và là cơ sở để dự báo xuất khẩu năm nay sẽ tăng trưởng khá và bù đắp lại phần giảm giá trị xuất khẩu của nhóm nhiên liệu khoáng sản và vàng. Giá cả một số mặt hàng đã có sự hồi phục ở mức khá làm cho kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2009. Giá hầu hết các mặt hàng nông sản đều tăng (chỉ trừ cà phê), giá dầu thô và than đá cũng tăng cao so với cùng kỳ năm 2009.


Kim ngạch nhập khẩu tháng 5 ước đạt 6,85 tỷ USD, tăng 5,5% so với tháng 4 và tăng 19,0% so với tháng 5/2009; Tính chung 5 tháng ước đạt 31,2 tỷ USD, tăng 29,8% so với cùng kỳ, trong đó, doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt 18,2 tỷ USD, tăng 18,1%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 13,0 tỷ USD, tăng 50,5% so với cùng kỳ. Nhập khẩu của khối FDI tăng mạnh, cụ thể so với cùng kỳ 2009 tăng 4,36 tỷ USD, trong khi doanh nghiệp trong nước chỉ tăng 2,79 tỷ USU. Thời gian gần đây, nhập khẩu nhiều mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất tăng mạnh về lượng cho thấy sản xuất hàng xuất khẩu đang trên đà tăng trưởng.


Nhập siêu tháng 5 ở mức 750 triệu USD, bằng 12,3% kim ngạch xuất khẩu, đây là mức nhập siêu thấp nhất kể từ đầu năm đến nay. Tính đến tháng 5, nhập siêu là 5,38 tỷ USD, bằng 20,8% kim ngạch xuất khẩu.


Về thị trường trong nước, nhìn chung do nguồn cung hàng hóa phong phú về mẫu mã và chất lượng sản phẩm đảm bảo nên giá cả hàng hoá có xu hướng ổn định. Trong tháng 5 có nhiều ngày nghỉ lễ nên giá cả khu vực dịch vụ, du lịch tăng cao; khu vực nhà ở và vật liệu xây dựng tăng đáng kể làm chỉ số giá các mặt hàng nói chung tăng 0,27% so với tháng 4 và tăng 8,76% so với bình quân 5 tháng đầu năm 2009.

Trong tháng, tuy lương cơ bản được điều chỉnh tăng nhưng chưa có biểu hiện ảnh hưởng đến giá cả các mặt hàng cho thấy thời điểm điều chỉnh là hợp lý khi nhu cầu chưa tăng cao. Tháng 5 nhiều ngày nghỉ lễ nên thị trường hàng hóa, dịch vụ phục vụ đầu hè sôi động. Đặc biệt, nhu cầu mua sắm, vui chơi giải trí, dịch vụ vận chuyển phục vụ những ngày nghỉ dài tăng mạnh. Tuy nhiên, nguồn cung hàng hóa đa dạng và phong phú về chất lượng và xuất xứ, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của đại bộ phận dân cư. Vì vậy, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ xã hội tháng 5 ước đạt 127,7 nghìn tỷ đồng tăng 2,0% so với tháng 4; tính chung 5 tháng ước đạt 621,4 nghìn tỷ đồng tăng 27,1% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất từ đầu năm.


Kết luận tại cuộc họp giao ban tháng 5, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ tăng cường đôn đốc đẩy mạnh sản xuất công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm; chủ động đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động xuất khẩu; khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường để đáp ứng một cách tốt nhất các sản phẩm thiết yếu của nền kinh tế, đồng thời, đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng và máy móc, nguyên, phụ liệu trong nước đã sản xuất được thay thế cho hàng nhập khẩu. Bên cạnh đó, các đơn vị thuộc Bộ cần phối hợp với các cơ quan liên quan tích cực tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp. Tiếp tục triển khai tích cực Quyết định 497/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 2213/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 497/QĐ-TTg.

Về tình hình đảm bảo cung ứng điện, Bộ trưởng chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục phát huy kết quả bước đầu đã đạt được trong thời gian vừa qua để khắc phục khó khăn. Các Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam đẩy nhanh rà soát, khắc phục sự cố của những nhà máy đang sản xuất cũng như những nhà máy đang chờ giai đoạn chạy thử, tập trung chỉ đạo để đưa những tổ máy này vào hoạt động. Các đơn vị thuộc bộ phối hợp với các địa phương, các hiệp hội ngành hàng tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm các thị trường tiềm năng mới; triển khai chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia. Đề xuất và thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng trong nước đã sản xuất được và hàng hóa không thiết yếu, kiềm chế nhập siêu. Theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước để đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, nhất là mặt hàng giấy, sữa. Về thị trường trong nước, các doanh nghiệp cần tiếp tục đảm bảo cân đối cung cầu, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá. Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục Quản lý thị trường phối hợp với các địa phương tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm soát công tác vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hoá lưu thông trên thị trường. Bên cạnh đó, Bộ trưởng hy vọng các cơ quan thông tin đại chúng sẽ làm tốt hơn công tác thông tin, tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân chung sức, đồng lòng, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.
 

Nguồn: moit.gov.vn