Đến dự lễ khởi công có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, ông Lê Hồng Anh - Thường trực Ban Bí thư, ông Vũ Huy Hoàng - Bộ trưởng Bộ Công Thương, bà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công Thương, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, cùng đại diện lãnh đạo Bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Dự án Nhà máy Bia Sài Gòn – Kiên Giang được thiết kế với công suất 50 triệu lít/năm. Đây là một trong những dự án đầu tư trọng điểm lớn của Bia Sài Gòn trên toàn quốc, phục vụ cho định hướng phát triển bền vững của Bia Sài Gòn, nhằm đáp ứng nhu cầu phân phối và tiêu thụ sản phẩm tại khu vực miền Tây và phủ kín thương hiệu Bia Sài Gòn trong toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Nhà máy được xây dựng trên diện tích 3,99 hecta. Tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng. Nhà máy Bia Sài Gòn – Kiên Giang được trang bị dây chuyền thiết bị đồng bộ, hiện đại, các thiết bị chính được nhập khẩu từ EU, kết hợp với một số thiết bị chế tạo từ trong nước. Thời gian từ lúc khởi công cho đến khi nhà máy đi vào hoạt động dự kiến khoảng12 tháng.
Sản phẩm sản xuất chính của Nhà máy Bia Sài Gòn – Kiên Giang là Bia Sài Gòn các loại. Khi đi vào hoạt động, Nhà máy sẽ đóng góp nguồn ngân sách cho tỉnh khoảng hơn 250 tỷ đồng/ năm, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.
Về Dự án Nhà máy May Vinatex Kiên Giang: Hoạt động trên tổng diện tích 36.500 m2. Đây là một trong số các dự án nằm trong kế hoạch tăng tốc đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu đạt 5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của Tập đoàn vào 2016 và chuẩn bị đón bắt thời cơ từ Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP.
Sản phẩm của dự án là áo Veston và quần âu phục vụ xuất khẩu, có tổng mức đầu tư 150 tỷ và thực hiện làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1: trong năm thứ nhất đầu tư xây dựng nhà máy may gồm 8 chuyền veston và 7 chuyền quần âu, tạo 1.000 chỗ làm. Kết thúc giai đoạn 2 (vào cuối năm thứ hai) nâng quy mô lên 18 chuyền veston, 16 chuyền quần với tổng cộng 2.225 chỗ làm cho người lao động, tạo doanh thu 200 tỷ đồng/năm và dự kiến nộp ngân sách nhà nước 2,3 tỷ đồng/năm.
Nhà máy Giày TBS Kiên Giang được hình thành với ba mục tiêu: Tham gia triển khai chính sách “Ly nông không ly hương” của Đảng và Chính phủ, đưa người lao động nông thôn vào sản xuất công nghiệp ngay tại quê nhà, vừa tạo công ăn việc làm tại chỗ vừa đáp ứng nguồn nhân lực cho chiến lược sản xuất cho doanh nghiệp.
Mục tiêu của chương trình nhằm đón đầu các cơ hội lớn từ các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đang đàm phán, là Hiệp định TPP, Hiệp định FTA với EU, Hiệp định RCEP với Asean + 6 và nhiều Hiệp định khác trong các năm sắp tới. Tổng mức đầu tư: dự kiến trên 1.200 tỷ đồng, chia thành hai giai đoạn.
Giai đoạn 1: đầu tư 700 tỷ đồng chủ yếu vào san lấp, xây dựng hạ tầng, xây dựng một phần nhà xưởng, đào tạo, v.v… Theo dự kiến sẽ sản xuất chính thức năm 2015. Giai đoạn này có qui mô sản xuất khoảng 5 triệu đôi/năm.
Giai đoạn 2: đầu tư 500 tỷ dồng, dự kiến đưa vào sản xuất năm 2016, nâng tổng công suất lên 15 triệu đôi/năm. Dự kiến toàn dự án sẽ thu hút trên 10.000 lao động tại tỉnh Kiên giang. Công suất thiết kế toàn dự án là 15.000.000 đôi giày thể thao/năm. Thị trường xuất khẩu chính: Hoa Kỳ và EU.
Với tinh thần thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội - trong buổi lễ, mỗi đơn vị đã ủng hộ 200 triệu đồng (tổng cộng 600 triệu đồng) nhằm phối hợp cùng tỉnh Kiên Giang triển khai các hoạt động an sinh xã hội thiết thực tại Tỉnh. Cụ thể, Tổng công ty CP Bia Rượu NGK Sài Gòn hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách, Tập đoàn TBS ủng hộ quỹ Vì người nghèo tỉnh Kiên Giang và Tập đoàn Dệt may Việt Nam hỗ trợ xã Phi Thông - Thành phố Rạch Giá xây dựng đường giao thông nông thôn.
Nguồn: moit.gov.vn