Đây thực sự là một tin vui đối với nông dân, đặc biệt là các chủ trang trại và hợp tác xã, vì cho đến nay còn rất nhiều người cần vốn nhưng chưa tiếp cận được chương trình cho vay kích cầu.
Quyết định 497 về việc hỗ trợ lãi suất vay vốn mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở nông thôn sẽ hết thời hạn vào ngày 31/12/2009. Song theo ông Nguyễn Văn Phượng, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp và Trang trại nông dân, nông thôn Việt Nam, đến nay mới chỉ có chưa đầy 20% tổng số trang trại cả nước tiếp cận được nguồn vốn này.
Ông Nguyễn Anh Vương, chủ một trang trại ở huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Nghe đài báo nói nhiều về gói kích cầu, tôi tìm đến Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Chính sách xã hội, nhưng đều bị từ chối.
Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Bình thì nói rằng không có đủ tiền để cho vay. Giấy chứng nhận trang trại do UBND huyện Phú Bình cấp hầu như không có giá trị, vì Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu cung cấp sổ đỏ và hồ sơ kinh doanh của trang trại. Trang trại của tôi làm trên đất thuê 50 năm từ UBND xã, chỉ có hợp đồng thuê đất. Mỗi năm, trang trại xuất bán khoảng 500 triệu đồng sản phẩm, nhưng đều không có hóa đơn nên không chứng minh được hoạt động sản xuất kinh doanh của trang trại”.
Chị Nguyễn Thị Hương, Chủ nhiệm Hợp tác xã chăn nuôi Hồ Sơn (Tam Đảo - Vĩnh Phúc), đồng thời là chủ trang trại với hơn 40 con lợn nái ngoại cho biết: “khi đi vay vốn với chức danh Chủ nhiệm hợp tác xã - chủ tài khoản doanh nghiệp, ngân hàng nói không có tài sản thế chấp nên không thể vay số tiền lớn như thế”.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn Hà Nam, chính sách vay vốn vẫn còn nhiều thủ tục rườm rà. Nhiều tổ chức dịch vụ như hợp tác xã hiện không có tài sản thế chấp nên không thể vay vốn kích cầu.
Còn ông Nguyễn Lâm Viên, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp và Trang trại nông dân, nông thôn Việt Nam thì cho rằng vướng mắc lớn nhất hiện nay là do một số quy định chưa phù hợp với thực tế. Phần lớn trang trại chưa hạch toán được sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, vì vậy ngân hàng không có cơ sở để chứng minh nông dân đã mua bán thứ gì.
Ông Nguyễn Văn Phượng cho rằng, các chính sách hạn điền, chính sách giao đất, giao rừng ở nước ta vẫn chưa rõ ràng. Bởi vậy, hầu hết trong tổng số 13.000 - 14.000 trang trại của cả nước vẫn chưa có sổ đỏ mà chỉ có giấy chứng nhận trang trại. Loại giấy này không được các ngân hàng chấp nhận khi làm thủ tục, hồ sơ vay vốn.
Trong Dự thảo về gói kích cầu mới được Bộ Công Thương trình Chính phủ, có 2 vấn đề chính đã được chú trọng, đó là những loại mặt hàng được vay vốn và thời gian vay. Thời gian vay vốn kích cầu sẽ được kéo dài thêm 6 tháng, tức là đến ngày 30/6/2010.
Về mặt hàng được vay, dự kiến sẽ có thêm 20 chủng loại máy móc được bổ sung vào danh mục cho vay vốn, như: thiết bị sạ hàng, máy phun thuốc bảo vệ thực vật, máy và thiết bị phun, tưới, máy tách vỏ lạc và đậu tương, máy thu hoạch chè, máy xay xát nông sản, máy đánh bóng gạo, máy tách vỏ cứng và xát vỏ lụa nhân điều, máy và thiết bị chế biến hồ tiêu, rau quả, máy phục vụ nghề muối, máy và thiết bị bảo quản nông sản, máy chế biến cà phê, máy nạo vét bùn, máy chế biến cao su, máy và thiết bị dùng trong chế biến thức ăn gia súc, trang thiết bị chăn nuôi, máy sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ...
Theo ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, các loại máy móc, thiết bị có nhiều chi tiết nhập khẩu cũng sẽ được hỗ trợ, thay vì phải là hàng sản xuất trong nước như hiện nay.
Bộ Công Thương cũng đề ra nhiều giải pháp để giải quyết những khó khăn của nông dân trong việc tiếp cận vốn vay kích cầu. Dân khó tiếp cận vốn vay, một phần vì khâu tuyên truyền ở cơ sở chưa tốt, Bộ đề ra việc in danh sách, bảng thông báo ở từng địa phương để người dân dễ dàng tiếp cận. Nông dân mua vật tư nhỏ lẻ, không có hóa đơn, chỉ phải lập bảng kê cũng vẫn được cho vay hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, ông Hoàng Thọ Xuân cũng nêu quan điểm, cơ bản đã mua hàng phải có hóa đơn, đó là luật, mọi người phải chấp hành, không phải vì Quyết định số 497/2009/QĐ-TTg mà dân phải đội thêm 10% giá.
Về hạn mức cho vay, Ngân hàng Nhà nước cũng đang lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành về dự thảo Nghị định của Chính phủ. Theo đó, các hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có thể vay tối đa không có đảm bảo bằng tài sản là 50 triệu đồng; hộ sản xuất ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn vay tối đa 200 triệu đồng; chủ trang trại, hợp tác xã vay tối đa 500 triệu đồng./.
Vneconomy.vn