Đây là một trong những định hướng phát triển quy định tại Quyết định số 1092/QĐ-BCT ngày 12/03/2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

 

Mục tiêu phát triển:

Tốc độ tăng trưởng giá trị thêm công nghiệp giai đoạn 2011-2015 đạt 15,12%; giai đoạn 2016-2020 đạt 14,18%; Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2011-2015 đạt 17,55%; giai đoạn 2016-2020 là 15,86%; Ngành công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 38,79% năm 2015 và 42,61% năm 2020 trong cơ cấu kinh tế. Trong đó riêng ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng 31,79% và 37,10% năm 2020.

Cụ thể, đến năm 2020, triển khai dự án đóng và sửa chữa tàu đến 10 nghìn tấn ở Cần Thơ và Cà Mau, đầu tư trung tâm dệt may cao cấp xuất khẩu và cơ sở sản xuất thực phẩm đóng hộp tại Cần Thơ…

Để có thể thực hiện được những nội dung định hướng trên, Nhà nước cần phải tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ liên tỉnh, một số cảng biển và cảng hàng không đạt đẳng cấp quốc tế theo quy hoạch giao thông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngoài ra, cũng cần tập trung phát triển nguồn nhân lực song song với việc tái cơ cấu các ngành công nghiệp VKTTĐ đông bằng sông Cửu Long theo hướng hiệu quả, bền vững; tập trung phát triển lĩnh vực dịch vụ công nghiệp, tín dụng ngân hàng, vận tải kho bãi, thông tin liên lạc nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính, lưu thông hàng hóa, thông tin cho các doanh nghiệp…

Giải pháp trước mắt: Tập trung đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, chú trọng phát triển công nghiệp gắn với tăng trưởng bền vững; Thu hút đầu tư có chọn lọc theo hướng ưu tiên các dự án mang tính liên vùng, các dự án hướng về xuất khẩu, các dự án có quy mô lớn nhằm tạo sự đột phá là hạt nhân tăng trưởng, các dự án tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và thân thiện môi trường; Khuyến khích và tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp, ưu tiên các lĩnh vực tạo sản phẩm chế biến tinh có giá trị gia tăng cao.

Giải pháp lâu dài: Tập trung phát triển nguồn nhân lực song song với việc cơ cấu các ngành công nghiệp Vùng Kinh tế trọng điểm Đồng bằng Sông Cửu Long theo hướng hiệu quả, bền vững; Tập trung phát triển lĩnh vực dịch vụ công nghiệp, tín dụng ngân hàng, vận tải kho bãi, thông tin liên lạc nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính, lưu thông hàng hóa, thông tin cho các doanh nghiệp; Quan tâm phát triển các loại hình doanh nghiệp công nghiệp sạch, công nghiệp vừa và nhỏ với mô hình quản lý, liên kết kinh tế hiệu quả, bền vững trên địa bàn nông thôn, thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 12/03/2012.
 

 

 

 

Vụ Pháp chế