Sáng ngày 09/01/2012, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị phổ biến nhanh Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI dưới sự chủ trì của đồng chí Vũ Huy Hoàng, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI đã cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng. Đó là: Ðề án một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay; đề án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2011; báo cáo kết quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Ðảng năm 2011; bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XI…

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ cơ bản, Trung ương Đảng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị chỉ đạo thực hiện tốt ba vấn đề cấp bách. Một là, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Ba là, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu. Trong đó, vấn đề thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt.

Ban Chấp hành Trung ương cũng đề ra các nhóm giải pháp thực hiện bao gồm: nhóm giải pháp về thực hiện gương mẫu của cấp trên; nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng; nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách và nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị tư tưởng.

Theo nhận định của BCH Trung ương Đảng, thời gian qua, chúng ta đã xây dựng được hệ thống kết cấu hạ tầng góp phần bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh; phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội; giảm nhẹ thiên tai và bảo đảm an ninh, quốc phòng; nâng cao đời sống nhân dân; rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền. Tuy nhiên, hạ tầng của nước ta còn thiếu đồng bộ, chưa hiện đại và tính kết nối chưa cao, chưa theo kịp yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; công tác quản lý, công nghệ vận hành còn lạc hậu; chất lượng dịch vụ hạ tầng còn thấp, chi phí cao, hạn chế năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; chính sách phát triển kết cấu hạ tầng chưa phù hợp với cơ chế thị trường, chưa thu hút mạnh các thành phần kinh tế tham gia; chính sách đất đai nhiều mặt không còn phù hợp, công tác giải phóng mặt bằng còn rất khó khăn, đầu tư còn dàn trải, hiệu quả thấp, chất lượng nhiều công trình chưa cao.

Với mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, BCH Trung ương Đảng chỉ đạo: Thứ nhất, quy hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phải hiện đại, đồng bộ, có phân kỳ đầu tư và thứ tự ưu tiên. Tập trung đầu tư những dự án quan trọng. Thứ hai, huy động mọi nguồn lực thu hút các nhà đầu tư vào phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; Thứ ba, làm tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư. Thứ tư, phát triển hạ tầng phải kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh; thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền; gắn với bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu.

BCH Trung ương cũng chỉ rõ định hướng phát triển kết cấu hạ tầng trên 10 lĩnh vực: Giao thông; cung cấp điện; thủy lợi và ứng phó biến đổi khí hậu; đô thị; khu công nghiệp; thương mại; thông tin; giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; y tế; văn hóa, thể thao và du lịch. Trong đó xác đinh 4 lĩnh vực ưu tiên gồm: hạ tầng giao thông, hạ tầng cung cấp điện, hạ tầng thủy lợi và ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng đô thị. Đồng thời, đề ra 4 nhóm giải pháp thực hiện gồm: nâng cao chất lượng quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng; thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; đổi mới chính sách giải phóng mặt bằng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư kết cấu hạ tầng.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Ngành Công Thương chiếm vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Vì vậy, cán bộ, đảng viên toàn ngành cần phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém, tăng cường đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ, vững chắc của đất nước những năm tiếp theo.

 

Ngọc Loan (Công thương điện tử)