Tham dự hội nghị còn có đại diện Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương; Văn phòng Chính phủ; các Thứ trưởng Bộ Công Thương; đại diện các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam VCCI; Ngân hàng Nhà nước; Liên minh HTX Việt Nam… cùng lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Bộ Công Thương và các cơ quan thông tấn, báo chí đến đưa tin.
Trong 6 tháng đầu năm 2011, tình hình trong nước và quốc tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và đã xuất hiện những nhân tố bất lợi mới, tuy nhiên dưới sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và sự nỗ lực của toàn Ngành Công Thương trong việc triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 09 tháng 1 năm 2011 và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011, nền kinh tế nước ta tiếp tục giữ được sự ổn định và có những chuyển biến tích cực.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2011 ước tính tăng 5,57% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,08%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,49% và khu vực dịch vụ tăng 6,12%.
Kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu 6 tháng đầu năm của Ngành tăng trưởng khá so cùng kỳ: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2011 ước tăng 9,7% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp cả nước 6 tháng đầu năm (theo giá cố định 1994) ước đạt 418,47 nghìn tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn kế hoạch cả năm. Một số địa phương có mức tăng trưởng về công nghiệp khá so với cùng kỳ là: Bắc Ninh tăng 84,4%; Ninh Bình tăng 48,6%, Điện Biên tăng 28,19%, Tuyên Quang tăng 27,1%, v.v...
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt 42,3 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó yếu tố tăng do giá ước đạt 15,6% và yếu tố tăng do lượng ước đạt 14,7%, đạt 53% kế hoạch năm.
Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 49 tỷ USD, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng chủ yếu là các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất, tốc độ tăng trưởng của nhóm hàng này đạt mức cao 25,5%. Trong khi đó, nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu tăng 13,6% và nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu chỉ tăng 0,7%.
Tốc độ tăng trường nhập khẩu 6 tháng đầu năm tăng thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đã góp phần cải thiện cán cân thương mại, giảm nhập siêu. Cụ thể tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu đã giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2010 (6 tháng năm 2010, tỷ lệ này là 21,8%) và đạt mục tiêu Chính phủ đề ra là không quá 16%.
Nhập siêu 6 tháng đầu năm 2011 ước khoảng 6,65 tỷ USD, bằng 15,7% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn mức phấn đấu của Chính phủ (là 16%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt 912 nghìn tỷ đồng, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2010.
Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm so với tháng 12 năm 2010, tăng 13,29%. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, việc thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 11/NQ-CP của các Bộ ngành Trung ương và địa phương nên hiện nay, giá cả một số mặt hàng trong nước đã có chiều hướng ổn định và giảm nhẹ, góp phần làm giảm dần mức tăng chỉ số giá tiêu dùng.
Về công tác quản lý thị trường, với chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã chỉ đạo quyết liệt lực lượng Quản lý thị trường trong cả nước tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đặc biệt trong lĩnh vực giá và chống đầu cơ găm hàng, góp phần ổn định thị trường.
Trong 6 tháng đầu năm 2011, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 79.692 vụ, xử lý 43.694 vụ vi phạm, trong đó 7.365 vụ buôn lậu, 5.699 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, 6.307 vụ vi phạm trong lĩnh vực giá, 24.323 vụ vi phạm khác; với tổng số thu trên 140,6 tỷ đồng, trong đó phạt hành chính trên 60 tỷ đồng, phạt và truy thu thuế gần 1,5 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm gần 79,13 tỷ đồng.
Trong công tác đầu tư, tổng vốn đầu tư xây dựng ước 6 tháng năm 2011 của các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty và các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Công Thương thực hiện 81.316 tỷ đồng bằng 33,4 % kế hoạch năm. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, theo ước tính, tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong 6 tháng đầu năm 2011, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 5,2 tỷ USD, bằng 52% so với cùng kỳ 2010. Một số dự án lớn được cấp phép trong 6 tháng đầu năm 2011 là: dự án Công ty TNHH sản xuất First Solar Việt nam, thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo do Singapore đầu tư tại TP Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD; dự án Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam do Malaysia đầu tư, tổng vốn đầu tư 322,2 triệu USD với mục tiêu thiết kế, xây dựng và lắp đặt các hạng mục công trình xử lý nước thải tại Hà Nội; v.v... Về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, trong 6 tháng đầu năm 2011, có 35 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 2,5 tỷ USD; trong đó có 4 dự án đầu tư quy mô lớn, chiếm trên 90% tổng vốn đầu tư đăng ký, tập trung chủ yếu ở địa bàn Lào, Campuchia và Peru và vào lĩnh vực công nghiệp năng lượng.
Phát biểu kết luận Hội nghị, trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, cũng như tình hình công nghiệp và thương mại 6 tháng đầu năm, để hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác trong năm 2011, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh đã chỉ đạo toàn Ngành Công Thương cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 02/ NQ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2011, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 và các văn bản chỉ đạo khác của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Thứ trưởng chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, các Sở Công Thương, Tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường sử dụng nguyên liệu (đối với hoạt động sản xuất) và các máy móc thiết bị (đối với các dự án đầu tư) đã sản xuất được trong nước để giảm chi phí, hạ giá thành và tăng hiệu quả đầu tư kinh doanh, góp phần giảm nhập siêu. Đối với Sở Công Thương các địa phương, cần làm tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh, có kế hoạch cụ thể bình ổn thị trường, bảo đảm thị trường thông suốt, chống đầu cơ, tăng giá bất hợp lý; chỉ đạo, phối hợp với lực lượng quản lý thị trường kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm thương mại, v.v...
Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ tiếp tục chỉ đạo và cùng với các địa phương thực hiện các giải pháp phát triển hạ tầng thương mại, mở rộng mạng lưới kinh doanh, điểm bán hàng, đặc biệt chú trọng phát triển hệ thống hạ tầng thương mại ở khu vực nông thôn theo Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ. Thứ trưởng đề nghị các Tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất để đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu. Riêng Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục tích cực phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất điện huy động tối đa công suất các nhà máy điện để đáp ứng đủ cho nhu cầu phụ tải điện trong 6 tháng cuối năm, kiểm tra các hồ chứa thủy điện đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Thứ trưởng cũng yêu cầu các Vụ, Cục chức năng thuộc Bộ Tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá. Đồng thời, các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, lưu thông, bảo đảm cân đối cung cầu, góp phần kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Các đơn vị thuộc Bộ, các Tập đoàn, Tổng Công ty chủ động cung cấp thông tin về hoạt động của Ngành cho các cơ quan thông tấn báo chí để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến người dân, góp phần định hướng đúng đắn cho dư luận.
Trung tâm Tin học