Từ ngày 01 tháng 3 năm 2010, giá bán điện bình quân sẽ được điều chỉnh là 1.058 đồng/kWh, tăng 6,8% so với giá điện bình quân thực hiện năm 2009. Bên cạnh đó, giá than cho sản xuất điện năm 2010 sẽ tăng không quá 47% đối với than cám 4b và 28% đối với than cám 5 so với giá than cho điện năm 2009.
Việc điều chỉnh giá điện năm 2010 là cần thiết để thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường, điều chỉnh giá đầu ra khi các yếu tố đầu vào hình thành giá điện đều tăng cao trong năm 2009 và sẽ tiếp tục tăng trong năm 2010. Tỷ giá ngoại tệ tăng cao (tăng từ 17.000đ/USD vào thời điểm tính toán giá điện 2009 lên đến 18.470 vào tháng 12 năm 2009), làm tăng chi phí sản xuất và mua điện gần 800 tỷ đồng. Giá khí Cửu Long tăng 22% từ 2USD/triệu BTU lên 2,445 USD/triệu BTU từ 01 tháng 6 năm 2009, làm tăng chi phí mua điện 2009 là 95 tỷ đồng. Giá khí PM3 cho NMĐ Cà Mau tăng cao theo giá dầu thế giới, chi phí bảo dương vận hành của nhà máy này tăng đáng kể theo hợp đồng bảo dưỡng vận hành của nàh máy mới ký. Giá dầu DO, FO tăng 16% và 29% so với tính toán (làm tăng chi phí phát điện 156 tỷ đồng). Lương tối thiểu được điều chỉnh từ 01 tháng 5 năm 2009 từ 540 nghìn đồng lên 650 nghìn đồng (tăng 20,4%) làm tăng đáng kể chi phí ở tất cả các khâu.
Khối lượng đầu tư sửa chữa lớn lưới điện và các nhà máy điện tăng cao do nhiều công trình đã phải chậm kế hoạch sửa chữa lớn từ các năm trước tới nay bắt buộc phải thực hiện nếu không sẽ ảnh hưởng tới đảm bảo cung cấp điện.
Năm 2009, do các thông số đầu vào thay đổi, ước tính tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện cho toàn ngành tăng 2.565 tỷ đồng so với tính toán tại phương án giá điện được duyệt, trong đó khâu phát điện tăng 1.400 tỷ đồng, khâu truyền tải tăng 238 tỷ đồng, khâu phân phối và bán lẻ điện tăng 936 tỷ đồng; riêng tổng chi phí của khâu phụ trợ tiết giảm được 8,8 tỷ đồng.
Dự kiến năm 2010, các chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh điện sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa, giá các nhiên liệu chính cho điện như than, khí, dầu đều tăng. Riêng giá than cho điện tăng 47% đối với than cám 4b và tăng 28% đối với than cám 5 so với năm 2009 làm tăng chi phí phát điện năm 2010 khoảng 1.280 tỷ đồng (năm 2009 giá than cho điện đã tăng 27% so với giá than 2008). Mức lương tối thiểu cũng được điều chỉnh tăng từ 650 nghìn đồng lên 730 nghìn đồng từ 01/01/2010. Tỷ trọng các nguồn thuỷ điện giá rẻ ngày càng giảm, tỷ trọng các nguồn điện mới vào vận hành chủ yếu là than và khí có giá cao ngày càng tăng, nhu cầu vốn cho đầu tư vào nguồn và lưới điện tăng rất cao để đảm bảo điện cho nhu cầu điện tăng mới với tốc độ cao (từ 13% đến 15%/năm). Do đó, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện dự tính sẽ tăng cao. Nếu không điều chỉnh tăng giá điện thì tình hình tài chính của ngành điện sẽ ở mức rất thấp, không đảm bảo cho huy động vốn cho đầu tư để đảm bảo ổn định cung cấp điện lâu dài.
Biểu giá điện 2010, về cơ bản vẫn tiếp tục thực hiện các nguyên tắc điều chỉnh cơ cấu biểu giá bán điện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 21/2009/QĐ-TTg ngày 12/02/2009. Cụ thể như sau:
- Giá bán điện cho các nhóm đối tượng khách hàng tính toán theo nguyên tắc xoá bỏ dần bù chéo từ điện sản xuất cho điện sinh hoạt. Giá bán điện bình quân cho các ngành sản xuất tăng 6,3%, thấp hơn mức tăng giá điện bình quân chung. Giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt bậc thang tăng 6,8%, bằng tỷ lệ tăng giá điện bình quân. Giá bán lẻ điện bình quân cho cơ quan hành chính sự nghiệp và kinh doanh có tỷ lệ tăng tương ứng là 6,1% và 6,3%.
- Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang cũng tiếp tục thực hiện nguyên tắc đã được Thủ tướng Chính phủ quy định, tiếp tục thực hiện chính sách của Chính phủ hỗ trợ giá điện cho các hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp và đa số cán bộ công nhân viên chức có mức sử dụng điện thấp, mức giá cho bậc thang đầu tiên (0 – 50 kWh) được giữ nguyên bằng 600 đồng/kWh; mức bù giá cho bậc thang này bằng 43% (cao hơn mức bù giá 37% của năm 2009). Mức giá của bậc thang thứ hai (51 – 100 kWh) được giữ ở mức tương đương giá thành bình quân, không có lợi nhuận. Mức giá của các bậc thang tiếp theo được điều chỉnh với tỷ lệ cao hơn tương ứng để đảm bảo bù chéo đủ cho các bậc thang thấp và đảm bảo giá bán lẻ điện bình quân sinh hoạt bậc thang tăng ở mức 6,8%.
- Để khuyến khích tiết kiệm trong sử dụng và hạn chế thiếu điện vào các giờ cao điểm của hệ thống điện giá điện theo thời gian sử dụng điện trong ngày tiếp tục được áp dụng. Giá điện các giờ trong ngày được tính toán để phản ánh đúng chi phí sản xuất điện theo các thời gian trong ngày. Năm 2009 là năm đầu tiên tách bạch giữa giá điện giờ cao điểm sáng với giá điện giờ cao điểm tối nên không tránh khỏi có những thắc mắc từ một số nhóm khách hàng sử dụng điện do chưa hiểu rõ tình hình thực tế hệ thống điện nước ta và những lợi ích đối với đất nước khi áp dụng chính sách này. Tuy nhiên, sau một thời gian áp dụng, trên cơ sở đánh giá được ảnh hướng thực tế của chính sách đối với các đối tượng khách hàng, để hỗ trợ các đơn vị sản xuất 1 ca là những đơn vị từ năm 2009 mới lần đầu tiên chịu ảnh hưởng của quy định giá điện giờ cao điểm sáng, trong những tháng cuối năm 2009 Chính phủ đã cho phép giảm một phần giá cao điểm sáng. Tuy nhiên, thống kê đến hết ngày 31/12/2009 cho thấy, sau 4 tháng thực hiện, chỉ có khoảng 1.500 đơn vị (chiếm 3,74% tổng số đơn vị sản xuất trong cả nước) thực sự bị ảnh hưởng, có chi phí tăng cao và đủ điều kiện được giảm giá. Tổng sản lượng điện được tính giảm giá trong 4 tháng vào khoảng 10,5 triệu kWh với chi phí tiền điện được giảm trừ là 3,86 tỷ đồng. Như vậy, trên thực tế số lượng các đơn vị sản xuất bị ảnh hưởng do quy định giá điện giờ cao điểm sáng là không nhiều. Để thực hiện chính sách của Chính phủ về giá điện theo cơ chế thị trường, giá điện phản ánh đúng chi phí sản xuất và có tín hiệu cho sử dụng điện hiệu quả tiết kiệm, quy định giá điện giờ cao điểm sáng sẽ tiếp tục được thực hiện, tuy nhiên để giúp giảm bớt một phần khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, giá điện giờ cao điểm sẽ có tỷ lệ tăng thấp hơn so với giá điện các giờ khác (chỉ tăng từ 2% – 4% tuỳ thuộc vào cấp điện áp sử dụng).
- Giá bán lẻ điện tại những khu vực không nối lưới điện quốc gia được xây dựng và do UBND cấp tỉnh ban hành riêng theo nguyên tắc đảm bảo kinh doanh, có lợi nhuận hợp lý và xác định rõ nguồn bù đắp chi phí.
- Trong biểu giá điện 2010, một số tồn tại trong thực hiện giá điện năm 2010 như: giá điện nông thôn, khu tập thể cụm dân cư, giá điện khu công nghiệp có nguồn phát kết hợp, giá điện cho người thuê nhà v.v đã được nghiên cứu bổ sung để có hướng dẫn thực hiện.
Như vậy, với tỷ lệ tăng giá điện năm 2010 ở mức 6,8%, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển kinh tế đã được xem xét để giữ ở mức thấp nhất. Tổng số tiền chênh lệch do tăng giá điện trong năm 2010 bằng khoảng 0,30% GDP dự kiến cho năm 2010. Do tăng giá điện, ước tính sẽ làm giảm tốc độ tăng GDP năm 2010 khoảng 0,34%; trực tiếp làm tăng CPI khoảng 0,20 – 0,27%.
Về tác động đến các ngành sản xuất, dự kiến với giá điện cho sản xuất tăng khoảng 6,3%, năm 2010 các ngành sản xuất phải trả thêm khoảng 2.630 tỷ đồng tiền điện, bằng khoảng 0,36% giá trị gia tăng của sản xuất công nghiệp năm 2010. Một số ngành công nghiệp sản xuất 3 ca với chi phí tiền điện cao (chiếm 30-40% giá thành sản xuất) như cấp nước, điện phân… giá thành sản phẩm sẽ tăng thêm khoảng 2,83% - 3,15%%; các ngành cán thép, xi măng giá thành sẽ tăng thêm khoảng 0,20% - 0,69%. Chi phí tiền điện tăng thêm cho các ngành sản xuất phổ biến ở mức dưới 1% giá thành. Như vậy, mức ảnh hưởng của tăng giá điện đến sản xuất là không lớn.
Về ảnh hưởng đến chi tiêu của nhà nước, dự kiến giá bán điện cho khối hành chính sự nghiệp năm 2009 tăng khoảng 6,1%, tổng chi phí tiền điện tăng thêm do tăng giá điện của các cơ quan hành chính sự nghiệp trong năm 2009 khoảng 280 tỷ đồng, bằng khoảng 0,29% tiêu dùng cuối cùng của nhà nước năm 2010.
Đối với tác động đến đời sống của người dân, giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt dự kiến tăng khoảng 6,8%, sẽ làm tăng tiêu dùng cuối cùng của cá nhân năm 2010 khoảng 0,19 - 0,27%. Theo số liệu thống kê, số hộ có mức sử dụng bình quân dưới 50kWh/tháng trong năm 2009 chiếm 23,8% tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt ở các vùng do các công ty điện lực trực tiếp bán điện và chiếm trên 50% ở những vùng nông thôn miền núi do các tổ chức kinh doanh điện nông thôn bán lẻ điện. Để thực hiện chính sách bù giá cho hộ thu nhập thấp, giá điện cho 50kWh đầu tiên vẫn được giữ nguyên, không tăng; vì vậy, tất cả các hộ thuộc diện nghèo và một số lượng lớn số hộ có thu nhập thấp, cán bộ, công nhân viên, người lao động cả ở thành phố và nông thôn sẽ không chịu ảnh hưởng của việc tăng giá điện (khi dùng điện ít hơn 50kWh/tháng). Đối với các hộ sử dụng điện ở mức đến 100kWh/tháng, vì cũng là các hộ cận nghèo và có thu nhập không cao, nên giá cho bậc thang này được giữ ở mức tương đương giá thành bình quân sản xuất kinh doanh điện (ngành điện không có lãi), tiền điện phải trả thêm tối đa của các hộ này là khoảng 7.000 đồng/tháng, bằng 0,33% thu nhập của một hộ dân có thu nhập dưới trung bình; các hộ sử dụng tới 200 kWh/tháng, tiền điện phải trả thêm tối đa khoảng 16.000 đồng/tháng, bằng 0,53% thu nhập hàng tháng của một hộ dân có thu nhập trung bình; các hộ sử dụng 300 kWh/tháng, tiền điện phải trả thêm vào khoảng 26.000 đồng/tháng, bằng 0,59% thu nhập hàng tháng của một hộ dân có thu nhập cao; các hộ sử dụng 400kWh/tháng số tiền phải trả thêm sẽ là 36.500 đồng/tháng. Như vậy, mức chi tiền điện tăng thêm hàng tháng của các hộ gia đình do điều chỉnh giá điện là không lớn và ảnh hưởng tới sinh hoạt và đời sống người dân là không đáng kể.
Đối với các hàng hoá thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày như thực phẩm, hàng may mặc, nhiên liệu xăng dầu…, thực tế, tỷ trọng chi phí tiền điện trong giá thành các mặt hàng này là rất nhỏ, do đó tỷ lệ tăng giá các mặt hàng này do điều chỉnh giá điện là không đáng kể. Tuy nhiên, kinh nghiệm những đợt điều chỉnh giá điện trước kia cho thấy, nhiều đơn vị kinh doanh thường lợi dụng việc điều chỉnh giá điện để tăng giá các mặt hàng thiết yếu nhằm thu lợi nhuận. Vì vậy, công tác quản lý thị trường sẽ cần được đẩy mạnh để hạn chế hiện tượng tiêu cực, gây ảnh hưởng không tốt đến đời sống nhân dân.
Tóm lại, việc điều chỉnh giá điện năm 2010 là một bước đi trong lộ trình để thực hiện thị trường hoá giá điện và để giá điện thực sự trở thành tín hiệu cho thu hút đầu tư vào các công trình điện, đảm bảo cho hệ thống điện có đủ nguồn dự phòng hợp lý, hệ thống truyền tải và phân phối điện có đủ năng lực truyền tải, góp phần đảm bảo cung cấp điện ổn định lâu dài. Việc điều chỉnh giá điện không chỉ đảm bảo cho nhà sản xuất và kinh doanh điện phát triển ổn định, mà còn góp phần đảm bảo an toàn cung cấp điện cho xã hội, cho người tiêu dùng.
Việc điều chỉnh giá điện năm 2010 là một bước thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường; hàng năm giá điện được điều chỉnh theo biến động của các thông số đầu vào; giá phát điện, giá truyền tải, giá phân phối được xem xét để chuyển vào giá bán lẻ điện trên cơ sở tách bạch các chi phí cho từng khâu; cơ chế giá điện đảm bảo bù giá hợp lý giữa các nhóm khách hàng để từng bước xoá bỏ dần bù chéo giữa giá điện sản xuất và giá điện sinh hoạt, đồng thời thực hiện được chính sách bù giá điện cho người nghèo, người có thu nhập thấp của Chính phủ.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào bày tỏ mong muốn các cơ quan thông tin đại chúng sẽ phối hợp với các Bộ để tuyên truyền tới người dân và các doanh nghiệp về chủ trương điều chỉnh giá điện của Chính phủ, giúp cho người dân, các doanh nghiệp hiểu và thực hiện đúng chủ trương này, góp phần hạn chế tình trạng lợi dụng việc điều chỉnh giá điện để tăng giá các hàng hoá và dịch vụ một cách bất hợp lý làm ảnh hưởng tới đời sống nhân dân và phát triển kinh tế đất nước.
Nguồn: moit.gov.vn