Tham dự buổi Lễ, về phía Bộ Công Thương còn có Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, Thứ Trưởng Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa; về phía Bộ Khoa học - Công nghệ có Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Phạm Đại Dương.
Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của khoa học và công nghệ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, ngành Công Thương đã chủ động gắn hoạt động của khoa học công nghệ với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững của ngành. Giai đoạn vừa qua ghi nhận sự đóng góp xứng đáng của khoa học và công nghệ vào sự phát triển chung của ngành Công Thương. Khoa học và công nghệ trở thành yếu tố then chốt góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp chủ yếu, mở rộng quy mô và tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng dần tỷ trọng nhóm hàng chế biến, chế tạo, nhóm hàng có hàm lượng công nghệ và chất xám cao.
Vai trò của khoa học và công nghệ tiếp tục được khẳng định trong hoạt động tái cơ cấu ngành Công Thương. Trong đó, phát triển khoa học và công nghệ được xác định là một trong sáu nhóm giải pháp quan trọng để thúc đẩy tái cơ cấu ngành Công Thương, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng bền vững. Đây là sự khẳng định mạnh mẽ vai trò của khoa học và công nghệ trong sự phát triển bền vững của ngành Công Thương, tuy nhiên cũng đặt ra yêu cầu đổi mới về căn bản hoạt động khoa học và công nghệ của ngành. Do vậy, để góp phần đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực thúc đẩy thực hiện tái cơ cấu ngành Công Thương cần có những giải pháp mang tính toàn diện.
Giai đoạn 2016-2020, ngành Công Thương đặt ra mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp bình quân 13,0%/năm, tăng trưởng giá trị tăng thêm công nghiệp đạt 7%/năm, tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân 13%/năm, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng chiếm 42-43% trong GDP cả nước; tăng trưởng xuất khẩu bình quân 11%/năm.
Trong bối cảnh môi trường quốc tế cạnh tranh ngày càng gay gắt, để đạt được mục tiêu này, khoa học và công nghệ phải được xem là giải pháp chiến lược trong đổi mới, tái cơ cấu ngành Công Thương. Khoa học và công nghệ phải đóng vai trò quan trọng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Công Thương, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Xuất phát từ quan điểm và định hướng nêu trên, Bộ Khoa học - Công nghệ và Bộ Công Thương thống nhất ký kết Chương trình phối hợp hoạt động về khoa học và công nghệ giai đoạn 2017 - 2020. Đây là một điểm nhấn ghi nhận sự phối hợp hiệu quả của hai Bộ, đồng thời cũng là cam kết mạnh mẽ về việc đẩy mạnh hơn nữa hoạt động khoa học và công nghệ trong ngành Công Thương.
Hai Bộ thống nhất giao Vụ Khoa học - Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ, Vụ Khoa học và Công nghệ thuộc Bộ Công Thương là hai đơn vị đầu mối xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình phối hợp.
Theo nội dung Biên bản ký kết, Bộ Công Thương và Bộ Khoa học - Công nghệ tăng cường phối hợp trong việc rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực khoa học và công nghệ và lĩnh vực công nghiệp và thương mại để đảm bảo lồng ghép hiệu quả, khả thi các chính sách phát triển ngành Công Thương với chính sách khoa học và công nghệ, trong đó tập trung xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ và một số lĩnh vực ưu tiên khác; Tổ chức xây dựng và thực hiện hiệu quả các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia trong lĩnh vực Công Thương; các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng tâm cấp Bộ Công Thương giai đoạn 2017-2020...
Phát biểu tại Buổi lễ, hai Bộ trưởng đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của khoa học và công nghệ đồng thời tin tưởng việc thực hiện thành công các nội dung trong Chương trình phối hợp được ký kết sẽ góp phần quan trọng trong việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương và Bộ Khoa học - Công nghệ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, những năm vừa qua, ngành Công Thương đã đạt được những thành tựu đáng kể, đóng góp vào sự phát triển không ngừng của đất nước. Có được thành tích đó là nhờ sự tham gia của các yếu tố khoa học và công nghệ. Vai trò của khoa học, công nghệ đã được Nghị quyết Trung ương nhấn mạnh và cũng được minh chứng qua thực tế của sự phát triển nền kinh tế hiện nay. Đây cũng là điều mà toàn ngành Công Thương nhận thức rõ nét đồng thời chú trọng phát triển nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.
Bộ trưởng cho biết, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với sự tham gia của yếu tố khoa học - công nghệ, các doanh nghiệp Việt Nam đã nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh và ngày càng khẳng định vị thế.
Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Chu Ngọc Anh về mối quan hệ gắn bó giữa hai Bộ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh, việc ký kết hôm nay sẽ giúp hai Bộ gắn bó hơn nữa, đồng thời thúc đẩy hai Bộ có sự chủ động, tích cực nhiều hơn để thực hiện nhiệm vụ được giao với hiệu quả cao nhất. Hàng năm, hai Bộ vẫn có những buổi họp định kỳ nhằm tổng kết, đánh giá hiệu quả của sự phối hợp, tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, nên rút ngắn khoảng cách, hàng quý có thể rà soát, rút kinh nghiệm để sự trao đổi diễn ra thường xuyên, kịp thời và ngày càng phát huy tính hiệu quả hơn nữa.
Nhân dịp đầu xuân năm mới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Chu Ngọc Anh đã gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến toàn thế các Lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của hai Bộ, đồng thời bày tỏ niềm tin vào sự kết nối, phối hợp giữa hai Bộ ngày một khăng khít, gắn bó hơn.
Nguồn: moit.gov.vn