Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết xác định công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của ngành, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, Bộ đã tích cực triển khai quyết liệt công tác này, tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, nghiên cứu các biện pháp tháo gỡ với các tiêu chí cải cách cụ thể như bảo đảm đồng bộ, thống nhất, đơn giản, dễ áp dụng, công khai, minh bạch, chuẩn mực và hiện đại.
Trên cơ sở những kết quả đạt được năm 2016, Bộ Công Thương sẽ thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với các giải pháp tổng thể nhằm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Cụ thể, qua kiểm tra, Bộ Công Thương đã rà soát 748 văn bản quy phạm pháp luật phục vụ đơn giản hoá các thủ tục hành chính (TTHC), điều chỉnh và bổ sung chương trình xây dựng pháp luật, bãi bỏ văn bản về điều kiện kinh doanh, cập nhật các văn bản lên cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, rà soát các văn bản phục vụ việc xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ…
Bên cạnh đó, qua rà soát đã giúp chỉ ra những nội dung liên quan khác cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu CCHC và phù hợp hơn với thực tiễn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang quản lý 28/267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, kiểm soát 130 dịch vụ hành chính công (tương đương với 447 TTHC từ cấp Trung ương đến cấp xã). Trong năm 2016, Bộ Công Thương đã bãi bỏ, đơn giản hoá 39 TTHC, cắt giảm thời gian giải quyết TTHC. Đồng thời, cũng minh bạch hoá TTHC với việc các thủ tục, điều kiện được hiểu nhất quán, tránh tình trạng một quy định được giải thích khác nhau ở các cơ quan khác nhau, trong những thời điểm, hoàn cảnh khác nhau.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã triển khai 25 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 và tiếp tục triển khai thêm nhiều dịch vụ công trực tuyến khác. Đến nay, Bộ Công Thương trở thành bộ đầu tiên hoàn thành công tác chuẩn hoá TTHC.
Tại cuộc họp, Bộ Công Thương cũng kiến nghị Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan một số nội dung trong lĩnh vực CCHC, thủ tục, điều kiện kinh doanh, giao dịch điện tử và chữ ký số…
Sau khi nghe ý kiến của các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ biểu dương và đánh giá cao những kết quả về CCHC mà Bộ Công Thương đạt được trong thời gian qua.
Đối với kiến nghị của Bộ Công Thương về công nhận tính pháp lý của giấy phép điện tử trong giao dịch điện tử, Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ, vấn đề này đã được điều chỉnh bởi Luật Giao dịch điện tử, các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và đang được các bộ, ngành triển khai theo thẩm quyền của mình như nộp thuế điện tử, khai báo hải quan điện tử... Do đó, không cần thiết ban hành thêm một văn bản chỉ đạo về nội dung này, các bộ căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn được giao để thực hiện.
Về kiến nghị của Bộ Công Thương trong việc chỉ đạo thống nhất đối với Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia, Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các bộ, ngành có các giải pháp kỹ thuật để bảo đảm sự tương tác trong công nghệ thông tin, phần mềm, đáp ứng yêu cầu kết nối thông tin trong môi trường mạng, kết nối với ASEAN, tạo sự thống nhất giữa các bộ, ngành, tránh lãng phí nguồn lực.
Đối với các vấn đề còn ý khác nhau, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các bộ, ngành thảo luận, thống nhất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Nguồn: chinhphu.vn