Thỏa thuận này cũng thể hiện việc hai Bộ tiên phong và nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 6/4/2010 về những giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010, trong đó có giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương và Bộ Tài chính tăng cường kiểm tra xuất xứ hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam.
Việc ký kết thỏa thuận mở ra cơ sở cho hai bên có cơ chế hợp tác, phối hợp chặt chẽ để cùng nhau thực hiện tốt nhiệm vụ được Chính phủ giao. Các nội dung hợp tác tập trung vào việc tăng cường công tác kiểm tra và điều tra xác minh xuất xứ, các biện pháp chống gian lận xuất xứ; tăng cường xây dựng năng lực, hiểu biết về quy tắc xuất xứ cho công chức hải quan; thúc đẩy sự phối hợp công việc nhanh chóng, hiệu quả, trao đổi số liệu nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác phòng chống gian lận xuất xứ.
Thứ trưởng Bộ Công ThươngNguyễn Thành Biên cho biết, hai Bộ đã nhất trí tăng cường phối hợp trong những lĩnh vực có liên quan đến xuất xứ hàng hóa như kiểm tra và điều tra xác minh xuất xứ, các biện pháp chống gian lận xuất xứ; trao đổi nghiệp vụ về xuất xứ hàng hóa để đảm bảo việc kiểm tra hiệu quả, chính xác tính xác thực C/O của hàng hóa nhập khẩu, giảm thiểu gian lận về xuất xứ hàng hoá; hợp tác, tổ chức các khóa đào tạo để nâng cao trình độ, kiến thức và kỹ năng kiểm tra C/O cho công chức hải quan; tiến hành trao đổi thông tin về C/O nhằm đảm bảo phục vụ cho công tác quản lý, hoạch định chính sách.
Trong những năm gần đây, Việt Nam ngày càng tích cực và chủ động tham gia đàm phán, ký kết và thực hiện nhiều Hiệp định khu vực thương mại tự do (FTA). Tính đến nay, Việt Nam đã chính thức tham gia và thực hiện 7 Hiệp định FTA khu vực và song phương với các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Niu dilân và Ấn Độ. Trong tương lai, Việt Nam có thể tiếp tục tham gia thêm nhiều Hiệp định FTA khác với các đối tác lớn như EU, Hoa Kỳ, Thụy Sĩ, Nga... ở những mức độ cam kết sâu, quy mô lớn hơn nhiều so với những hiệp định hiện hành. Do vậy, việc hợp tác, phối hợp chặt chẽ giữa 2 cơ quan là hết sức cần thiết để tạo thuận lợi cho việc thực hiện tốt các quy tắc xuất xứ trong các hiệp định FTA, cũng như nhằm tăng cường kiểm tra xuất xứ hàng hóa nhập khẩu, góp phần làm giảm những hiện tượng gian lận xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan đặc biệt, qua đó giảm nhập siêu.
Một trong những biện pháp trọng tâm hai Bộ mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ trong những năm tới là việc nâng cao trình độ, nghiệp vụ và kỹ năng kiểm tra C/O cho công chức hải quan. Trước khi có thỏa thuận này, Bộ Công Thương đã phối hợp với Trung tâm đào tạo cán bộ Hải quan thuộc Tổng cục Hải quan tổ chức các khóa học chuyên đề về quy tắc xuất xứ để đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ, công chức Hải quan thuộc các chi cục Hải quan tại các cửa khẩu, các Cục Hải quan tỉnh, thành phố.
Công tác trao đổi thông tin về C/O giữa Bộ Công Thương và Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) cũng được triển khai thường xuyên, hiệu quả, đặc biệt trong một số lĩnh vực liên quan đến những vụ việc nảy sinh từ việc kiểm tra, cho hưởng ưu đãi thuế quan đối với những lô hàng nhập khẩu có sử dụng C/O Mẫu D, Mẫu E và Mẫu S thời gian qua.
Về cơ chế phối hợp công tác giữa hai Bộ, Bộ Công Thương thực hiện việc thông báo cho Bộ Tài chính mẫu chữ ký, mẫu con dấu của nước xuất khẩu dưới hình thức thư điện tử (có xác nhận đã nhận được của Bộ Tài chính) hoặc công văn kèm đĩa CD. Trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Công Thương tham gia giải quyết những vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy tắc xuất xứ khi có yêu cầu của Bộ Tài chính; hướng dẫn kịp thời các quy định mới về quy tắc xuất xứ sau khi đạt được thoả thuận giữa Việt Nam với các đối tác; tham gia tập huấn các lớp đào tạo về quy tắc xuất xứ khi được Bộ Tài chính đề nghị; cung cấp số liệu cấp C/O của Việt Nam và các thông tin liên quan đến Quy tắc xuất xứ cho Bộ Tài chính khi được yêu cầu và phối hợp kiểm tra C/O của hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp cần thiết theo đề nghị của Bộ Tài chính.
Về phía mình, Bộ Tài chính thực hiện các công tác kiểm tra và điều tra xác minh xuất xứ hàng hóa nhập khẩu theo quy định. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Tài chính có thể ủy quyền cho các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài trực thuộc Bộ Công Thương xác minh xuất xứ để tiết kiệm chi phí đi lại, cũng như nhằm tận dụng nguồn lực, các mối quan hệ sẵn có của các thương vụ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước sở tại.
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Tài chính đang trong quá trình hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu hàng hoá nhập khẩu có C/O các mẫu ưu đãi chi tiết theo mã HS ít nhất ở cấp độ 6 số để phục vụ cho công tác thống kê, nghiên cứu, hoạch định chính sách thương mại. Những số liệu này hết sức quan trọng trong công tác xây dựng, hoạch định chính sách thương mại, đàm phán thương mại. Đặc biệt, việc theo dõi những số liệu này cũng góp phần tạo thuận lợi cho công tác nghiên cứu tác động của các hiệp định FTA đến tình hình nhập khẩu của Việt Nam, đánh giá cụ thể được những tác động nhập khẩu từ việc Việt Nam tham gia các Hiệp định FTA.
Bộ Tài chính cũng phối hợp với Bộ Công Thương trong công tác chống chuyển tải bất hợp pháp. Khi có nghi ngờ về xuất xứ của các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu, hoặc việc tăng đột biến lượng nhập khẩu của một hoặc nhiều chủng loại hàng hóa, Bộ Tài chính sẽ thông báo cho Bộ Công Thương để kiểm tra, ngăn chặn và tăng cường công tác cấp C/O chặt chẽ hơn, tránh gian lận xuất xứ trong chuyển tải hàng hóa.
Hiện nay, hiện tượng gian lận thương mại về xuất xứ bắt đầu nảy sinh ngày càng nhiều và điều này có thể gây ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa có xuất xứ của Việt Nam. Hiện tượng chuyển tải bất hợp pháp, giả mạo xuất xứ, nhãn hiệu của hàng hóa Việt Nam sẽ khiến cho lượng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam tăng đột biến (trong khi hàng hóa có xuất xứ thật sự của Việt Nam không tăng), dễ dẫn tới khả năng hàng hóa của Việt Nam bị nước ngoài áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế đối kháng, qua đó ảnh hưởng chung đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Do vậy, việc kiểm soát chặt chẽ hiện tượng này đòi hỏi sự hợp tác hữu hiệu từ hai Bộ.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng tham gia đóng góp ý kiến với Bộ Công Thương đối với các phương án đàm phán về quy tắc xuất xứ đối với các nội dung có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính.
Định kỳ 6 tháng một lần, Vụ Xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương và Cục Giám sát Quản lý của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính tổ chức họp để rà soát, kiểm tra, đôn đốc triển khai các hoạt động, đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện thỏa thuận, đưa ra các đề xuất thực hiện trong các thời gian tiếp theo để báo cáo lãnh đạo 2 Bộ xem xét, quyết định. Trường hợp phát sinh nhu cầu đột xuất, hoặc khi có nội dung quan trọng, Vụ Xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương và Cục Giám sát quản lý của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính kịp thời chủ động phối hợp, bàn bạc xử lý hoặc đề xuất biện pháp và thống nhất báo cáo lãnh đạo hai Bộ xem xét, quyết định. Hàng năm, lãnh đạo Bộ Công Thương và lãnh đạo Bộ Tài chính tổ chức họp tổng kết để đánh giá kết quả thực hiện thỏa thuận và đề ra chương trình, biện pháp phối hợp hoạt động cho năm tiếp theo.
Qua việc ký kết và thực hiện thỏa thuận này, hy vọng sẽ mở ra cơ chế hoạt động, hợp tác, phối hợp hữu hiệu giữa hai Bộ và sẽ là một trong những mô hình tích cực để nhân rộng cơ chế hợp tác giữa các bộ, ngành, cơ quan trực thuộc Chính phủ trong tương lai, giúp Chính phủ điều phối các hoạt động quản lý nhà nước một cách hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế Việt Nam.
Trần Bá Cường
Vụ Xuất nhập khẩu- Bộ Công Thương