Ngày 13/12 tại Hà Nội, Bộ Công Thương và Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) tổ chức công bố báo cáo cạnh tranh công nghiệp năm 2011. Tham dự Lễ công bố có ông Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Wilfried Luetkenhorst, Giám đốc điều hành của UNIDO.


Thay mặt Lãnh đạo Bộ Công Thương phát biểu khai mạc buổi lễ, Thứ trưởng Lê Dương Quang đã đánh giá cao và ghi nhận sự cố gắng của các chuyên gia UNIDO, nhóm tác giả thực hiện Báo cáo vì những nỗ lực của họ trong việc phân tích, soạn thảo Báo cáo; đồng thời cũng ghi nhận sự hỗ trợ nhiệt tình và những đóng góp ý kiến quý báu trong quá trình xây dựng Báo cáo của Hội đồng cố vấn bao gồm các quan chức và cố vấn cấp cao trong và ngoài nước.


Mục đích của Báo cáo là nhằm đóng góp vào các thảo luận chính sách bằng cách cung cấp khung lý thuyết về các động lực của cạnh tranh công nghiệp, định vị các ngành công nghiệp Việt Nam trong bối cảnh quốc tế, xác định hạn chế của các ngành công nghiệp có thể được giải quyết thông qua chính sách, và trình bày kiến nghị cụ thể cho các nhà lãnh đạo Việt Nam.


Báo cáo cạnh tranh công nghiệp Việt Nam năm 2011 coi công nghiệp hóa là cốt lõi trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Điều này phù hợp với các bằng chứng thực nghiệm và lịch sử cho thấy rằng một nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng cần có ngành công nghiệp mạnh mẽ. Thúc đẩy lĩnh vực sản xuất chế tạo càng có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo thêm của cải và việc làm trong tương lai. Báo cáo CTCN 2011 lập luận rằng thay đổi cơ cấu theo hướng phát triển các lĩnh vực thâm dụng công nghệ mang tính chiến lược có thể đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa và cung cấp nền tảng cần thiết cho tăng trưởng bền vững.


Báo cáo cạnh tranh công nghiệp Việt Nam 2011 được xây dựng dựa trên mô hình, phương pháp luận của UNIDO để phân tích hiệu suất công nghiệp quốc gia thông qua các chỉ số liên quan đến cạnh tranh công nghiệp. Báo cáo tập trung vào phân tích lĩnh vực sản xuất chế tạo nhằm hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách trong việc xác định các khu vực trọng điểm cần can thiệp để thúc đẩy khả năng cạnh tranh công nghiệp; đồng thời so sánh hiệu suất công nghiệp của Việt Nam với các nước trong khu vực và đưa ra những đề xuất quan trọng về lộ trình chiến lược cho tiến trình công nghiệp hóa của Việt Nam.


Báo cáo cạnh tranh công nghiệp Việt Nam 2011 đã đi sâu vào phân tích về Hiệu suất cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam; So sánh khả năng cạnh tranh công nghiệp theo ngành: ngành công nghiệp chế tạo dựa vào nguồn tài nguyên; ngành công nghiệp chế tạo với công nghệ thấp; ngành công nghiệp chế tạo với công nghệ trung bình; và ngành công nghiệp chế tạo với công nghệ cao. Trên cơ sở những phân tích này đã đưa ra các khuyến nghị chính sách công nghiệp mới theo hướng tập trung vào chuyển đổi công nghiệp theo các ngành chiến lược có đủ khả năng hỗ trợ tăng trưởng bền vững, hướng tới các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao và khả năng xây dựng những mối liên kết giữa các ngành công nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm sản xuất chế tạo.

 

AIP