Theo Bộ Công Thương, DOC cũng chưa đưa ra bất kỳ hành động cụ thể nào như: không giảm bớt diện mặt hàng bị giám sát, không nêu các tiêu chí, điều kiện cụ thể làm cơ sở khởi kiện điều tra chống bán phá giá hàng dệt may Việt Nam. Điều này vẫn tiếp tục gây lo lắng cho các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ cũng như các nhà sản xuất dệt may Việt Nam đang chuẩn bị đơn hàng cho những tháng đầu năm 2008. Để phát triển quan hệ thương mại dệt may giữa hai nước, Bộ Công Thương yêu cầu DOC huỷ bỏ Chương trình Giám sát hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam. Trước mắt, Bộ đề nghị loại bỏ ngay việc giám sát với những chủng loại mà Hoa Kỳ không sản xuất hoặc sản xuất ít, những chủng loại không có hàng nhập khẩu từ Việt Nam và những mặt hàng có đơn giá tăng lên hoặc có mức giảm giá tương đương với mức giảm của các nước xuất khẩu khác nhập khẩu vào Hoa Kỳ trong thời gian qua. Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng lưu ý các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam cần thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn có liên quan đến xuất khẩu hàng dệt may sang Hoa Kỳ như: khai báo Hải quan đầy đủ, xuất xứ hàng hoá rõ ràng, chống chuyển tải bất hợp pháp... Bộ Công Thương cũng sẽ thành lập Tổ kiểm tra cơ động hàng dệt may xuất khẩu để kiểm tra và xử lý những doanh nghiệp có hành vi gian lận thương mại, cạnh tranh không công bằng nhằm đảm bảo uy tín và thiết lập quan hệ thương mại dệt may lâu dài với thị trường các nước./. (Nguồn: TTXVN) |
Tin tức chung
Bộ Công Thương cho biết, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ra thông báo quyết định không tiến hành tự khởi động điều tra chống bán phá giá đối với 5 nhóm hàng dệt may của Việt Nam là: quần, áo sơ mi, đồ bơi, đồ lót và áo len. Tuy nhiên, DOC vẫn duy trì Chương trình Giám sát hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam và tiếp tục đánh giá số liệu 6 tháng tiếp theo vào tháng 3 năm 2008.
Tin đã đăng