Chiều 17/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội, tập trung vào vấn đề nhập siêu tăng cao, cung ứng điện và hoạt động xúc tiến thương mại.
Đi thẳng vào vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là nhập siêu tăng cao, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải trình, trong 10 tháng, cả nước đã nhập khẩu 47,9 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ. Ước tính cả năm 2007, nước ta sẽ nhập khẩu khoảng 57 tỷ USD, tăng 27% so với năm 2006. Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, nhập khẩu cũng đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế của cả nước. Nhập khẩu tăng cao chủ yếu do yêu cầu phát triển của nền kinh tế, chúng ta phải nhập khẩu máy móc thiết bị nguyên phụ liệu để phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu.
Hơn nữa, phân tích cơ cấu hàng nhập khẩu, Bộ trưởng cho biết, kim ngạch nhập khẩu cho tiêu dùng trong 10 tháng chỉ là 2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng số kim ngạch nhập khẩu 47,9 tỷ USD. Ngoài ra, nhập khẩu còn chịu tác động rất lớn của sự tăng giá trên thế giới. Hầu hết các mặt hàng nhập khẩu đều tăng giá so với cùng kỳ năm trước, như giá thép thành phẩm tăng bình quân 93 USD/tấn, giá phôi thép tăng 103 USD/tấn, giá phân bón tăng trên 20 USD/tấn, sợi các loại tăng 150 USD/tấn... Do đó, chỉ tính riêng 5 mặt hàng nhập khẩu là sắt thép, chất dẻo, xăng dầu, phân bón vải sợi đã làm cho giá trị nhập khẩu tăng trên 1 tỷ USD.
Bộ trưởng cũng thừa nhận còn nhiều hạn chế trong vấn đề dự báo thị trường, dự báo về nhu cầu của nền kinh tế nói chung và dự báo tác động 2 chiều của việc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Đây là một phần trách nhiệm của Bộ Công Thương, Bộ trưởng cũng cho biết cần phải phối hợp với các ngành để có giải pháp chủ động hơn để giảm dần mức nhập siêu trong 2 tháng cuối năm 2007 cũng như từ năm 2008 trở đi, đạt mục tiêu cân bằng cán cân thanh toán trong thời gian tới.
Bộ trưởng đã báo cáo với các đại biểu quốc hội những giải pháp để hạn chế nhập siêu trong thời gian tới. Bộ trưởng khẳng định, trước hết phải tăng cường hoạt động XK, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như dệt may, da giày, thuỷ sản và những mặt hàng có dung lượng thị trường lớn; chú trọng vào xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh. Thời gian tới sẽ nghiên cứu phát triển XK các mặt hàng mới như điện, điện tử, dây cáp điện, trước đây, những mặt hàng này chỉ được XK rất ít nhưng năm 2007 đã XK được kim ngạch lớn, gần 2 tỷ USD.
Một giải pháp quan trọng nữa là phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ để sản xuất các loại máy móc thiết bị, chi tiết, phụ tùng nguyên phụ liệu để hạn chế nhập khẩu như: sản phẩm hóa dầu, thép, linh kiện cho sản xuất ôtô, nguyên phụ liệu dệt may. Bộ trưởng thông báo một thực tế đáng buồn là nếu năm 2007 chúng ta XK được 7,8 tỷ USD kim ngạch XK hàng dệt may thì trong đó trên 5 tỷ USD là giá trị nguyên phụ liệu nhập khẩu, như vậy chúng ta chỉ làm ra được khoảng 30%. Bộ trưởng cũng cho biết, theo quy hoạch, đến năm 2015, với việc đưa vào hoạt động 3 nhà máy lọc dầu, các nhà máy sản xuất phôi thép, thực hiện chương trình sản xuất 1 tỷ mét vải... chúng ta sẽ cải thiện được đáng kể tình trạng nhập khẩu các mặt hàng trên
Một giải pháp nữa là Bộ Công Thương sẽ khẩn trương nghiên cứu các biện pháp, các rào cản kỹ thuật để đối với hàng hóa nhập khẩu, phù hợp với những quy định của tổ chức thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác mà chúng ta là thành viên, nhằm bảo vệ sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, việc tăng cường sử dụng hợp lý vật tư, tài nguyên trong nước, tiết kiệm chi phí tiêu hao nguyên vật liệu cũng là những giải pháp quan trọng để giảm thiểu nhập siêu.
Về giải pháp và hình thức để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất mà không vi phạm những quy định của Tổ chức Thương mại thế giới do đại biểu Lê Thanh Liêm (Đồng Nai) nêu lên, Bộ trưởng cho biết, thực hiện cam kết gia nhập WTO, những hình thức hỗ trợ sản xuất như thưởng xuất khẩu sẽ không còn nữa, song chúng ta vẫn đuợc hỗ trợ cho nông dân khoảng 10% giá trị sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, những hoạt động hỗ trợ về khuyến nông, giống cây trồng, vật nuôi, cung cấp khoa học kỹ thuật cho nông dân là hoàn toàn phù hợp với những quy định của WTO.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Huỳnh Thị Hoài Thu (Đồng Nai) về việc nâng cao hiệu quả của hoạt động xúc tiến thương mại để hỗ trợ cho sản xuất trong nước, Bộ trưởng cho biết, hoạt động XTTM bao gồm hoạt động XTTM quốc gia và từng địa phương. Hiện nay, Cục xúc tiến thương mại là cơ quan chủ trì về hoạt động XTTM nhưng tác dụng và hiệu quả đến từng địa phương còn hạn chế. Bộ trưởng khẳng định, thời gian tới hoạt động XTTM sẽ phải bổ sung và đối mới theo hướng bám sát đến từng hộ sản xuất chứ không chỉ dừng ở các đơn vị hoạt động XTTM. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các địa phương để phổ biến những hiệp định đa phương, các luật lệ rào cản quốc tế đến các doanh nghiệp và hộ sản xuất. Bộ cũng sẽ tăng cường tổ chức các hội chợ triển lãm để giúp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhỏ lẻ có cơ hội tiếp cận thị trường; đồng thời thúc đẩy nhanh việc ký kết một số hiệp định song phương và đa phương, tạo khung pháp lý cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Về vấn đề cung ứng điện, Bộ trưởng cho biết, sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà máy điện đưa vào hoạt động, như vậy, năm 2008, nước ta sẽ có thêm 2.000 MegaW điện. Bên cạnh đó, vẫn tiếp tục tuyên truyền cho người dân sử dụng tiết kiệm điện, đồng thời giảm thiểu tổn thất điện năng trong các khâu truyền tải điện.
Trong thời gian rất ngắn, Bộ trưởng đã trả lời được chất vấn của 6 vị đại biểu quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho rằng, tuy mới tham gia trả lời chất vấn lần đầu, nhưng Bộ trưởng Bộ Công Thương đã thỏa mãn những câu hỏi của các đại biểu quốc hội.
Kim Liên-(Báo Thương mại)
|