Ngày 16/12, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã có buổi gặp mặt với các Tham tán thương mại nhân Hội nghị Tham tán thương mại năm 2013. Tham dự buổi gặp mặt có Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, lãnh đạo các Vụ thị trường cùng các Tham tán thương mại về dự Hội nghị.


Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã thông báo những nét khái quát về kết quả hoạt động của ngành Công Thương năm 2013, định hướng phát triển ngành Công Thương năm 2014 và có một số ý kiến trao đổi với các đồng chí Tham tán Công sứ, Tham tán thương mại phụ trách các Thương vụ và chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.

Thời gian qua, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp, quán triệt sâu sắc các Nghị quyết Đảng, Quốc hội và Chính phủ về các giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế, Bộ Công Thương đã tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành, đồng thời chủ động tham mưu kịp thời với Chính phủ nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội cũng như phát triển ngành. Nhờ đó, ngành Công Thương đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại.

Sản xuất công nghiệp đang trên đà phục hồi, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Năm 2013, chỉ số sản xuất công nghiệp dự kiến cả năm tăng 5,6% so với cùng kỳ, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái (năm 2012 tăng 4,8% so với năm 2011), thể hiện được sự cố gắng của toàn ngành, nhất là của đội ngũ các doanh nhân Việt Nam.

Xuất nhập khẩu của nước ta thời gian qua đã có bước phát triển đáng kể, quy mô và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá đều đạt và vượt các chỉ tiêu đặt ra. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá cả năm ước đạt khoảng 132 tỷ USD, tăng 15,3% so với năm 2012, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch của Quốc hội đề ra (là 126,1 tỷ USD, tăng 10%).

Hoạt động điều hành nhập khẩu trong thời gian vừa qua đã đảm bảo cho nhu cầu sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, hạn chế các tác động tiêu cực của biến động giá cả thế giới tới sản xuất trong nước, đồng thời tập trung kiểm soát nhập khẩu những mặt hàng không thiết yếu, góp phần từng bước giảm nhập siêu với tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá cả năm ước đạt khoảng 132,5 tỷ USD, tăng 16,5% so với năm 2012, nhập siêu cả năm ước khoảng 500 triệu, bằng 0,38% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn mục tiêu của Quốc hội giao (là 8%), có nghĩa là cán cân thương mại năm 2013 về cơ bản là cân bằng.

Đối với thị trường trong nước, cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, đáp ứng đủ các nhu cầu về sản xuất và tiêu dùng của mọi tầng lớp dân cư, không để xảy ra tình trạng sốt giá do thiếu, khan hiếm hàng hóa. Quy mô thị trường trong nước không ngừng nâng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 14% so với năm 2012.

Về hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ Công Thương đã chủ động tham mưu đề xuất với Chính phủ để Việt Nam đàm phán, ký kết nhiều Hiệp định kinh tế, thương mại với các đối tác thương mại lớn, quan trọng trên thế giới như Hiệp định TPP, Hiệp định mậu dịch tự do FTA với EU, Hàn Quốc, Liên minh Thuế quan, v.v... Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào các hoạt động hội nhập quốc tế, ngày càng có tiếng nói quan trọng với ý thức trách nhiệm cao trong các diễn đàn khu vực và thế giới, do đó đã góp phần mở rộng thị trường và tạo ra cơ hội lớn cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.


Về một số phương hướng phát triển ngành Công Thương trong năm 2014, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, sẽ phát triển công nghiệp đảm bảo tính bền vững, hiệu quả với giá trị gia tăng công nghiệp - xây dựng tăng khoảng 6,4 - 6,6%.

Phát triển thương mại Việt Nam trong giai đoạn tới cần phải gắn với tính bền vững và góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thể hiện rõ nét hơn chủ trương chuyển dịch và tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh xuất nhập khẩu, góp phần phát triển sản xuất, tham gia đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giải quyết việc làm, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa và trong một vài năm tới, tiến tới cân bằng cán cân thương mại một cách vững chắc.

Đối với xuất nhập khẩu, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trên 10%. Và duy trì nhập siêu ở mức 6% hoặc thấp hơn nữa so với tổng kim ngạch xuất khẩu.

Đối với thương mại nội địa: phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ nội địa đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 14%. Về hội nhập kinh tế quốc tế: Cần tiếp tục chủ động đẩy mạnh trên cả bình diện song phương, khu vực, đa phương; nâng cao hiệu quả hơn nữa của quá trình hội nhập quốc tế, hạn chế tối đa các thách thức do quá trình hội nhập này mang lại.

Để thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ của Ngành, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết Bộ Công Thương đã đề ra một số nhóm giải pháp thực hiện trong thời gian tới như: Đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu sản phẩm công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, an toàn trong sử dụng trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, cần khai thác mọi nguồn lực để đầu tư các dự án sản xuất hàng xuất khẩu và phát triển sản xuất sản phẩm xuất khẩu để tăng năng lực sản xuất và chủ động nguồn hàng. Tận dụng tốt hơn các lợi ích đem lại từ các Hiệp định khu vực mậu dịch tự do (FTA), các hiệp định, thỏa thuận kinh tế song phương và Hiệp định khu vực mậu dịch tự do giữa ASEAN với các nước để đẩy mạnh xuất khẩu.

Đồng thời, tập trung đầu tư sản xuất các sản phẩm có khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu để chiếm lĩnh dần thị trường trong nước. Đẩy nhanh quá trình xây dựng và sử dụng hợp lý các hàng rào kỹ thuật.

Mặt khác, cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường nội địa, nhất là vùng nông thôn, miền núi, hải đảo. Ứng dụng nhanh thương mại điện tử tạo ra các kênh phân phối văn minh, hiện đại.

Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng yêu cầu các Tham tán tiếp tục mở rộng thị trường, tìm kiếm đầu ra cho hàng hóa trong nước. Bên cạnh xúc tiến thương mại, các tham tán cũng cần đẩy mạnh xúc tiến công nghiệp nhằm triển khai các dự án công nghiệp trong nước. Bộ trưởng cũng yêu cầu các Tham tán cần thực hiện tốt Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Nhân Hội nghị Tham tán thương mại 2013, các Tham tán có thể trình bày những khó khăn vướng mắc, để Bộ Công Thương với tư cách đầu mối sẽ có những biện pháp khắc phục kịp thời, qua đó hỗ trợ hiệu quả hơn nữa đối với hoạt động của các Tham tán.
 

Nguồn: moit.gov.vn