Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực
Báo cáo với Lãnh đạo Bộ Công Thương về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI của tỉnh Quảng Ninh, ông Phạm Minh Chính - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết: từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Tỉnh ủy đã ban hành 21 nghị quyết, 29 chỉ thị, 28 chương trình hành động, 104 kế hoạch, 66 kết luận và gần 900 thông báo để lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ công tác; lãnh đạo tổ chức thực hiện công tác hàng năm theo chủ đề để tập trung chỉ đạo và tập trung nguồn lực (năm 2012 là xây dựng chiến lược, quy hoạch và phát triển khoa học công nghệ; năm 2013 là cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực; năm 2014 là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tinh giản bộ máy biên chế và đồng hành cùng doanh nghiệp).
Về nội dung đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết: trên cơ sở phân bổ lại nguồn lực một cách hợp lý và tuân thủ theo nguyên tắc thị trường, Tỉnh đã xây dựng cơ chế huy động các nguồn lực thông qua hợp tác công - tư (PPP), đồng thời cơ cấu lại đầu tư và tiết kiệm chi thường xuyên để dành cho chi đầu tư phát triển; cân đối tập trung vào các lĩnh vực phát triển bền vững như du lịch, dịch vụ, biên mậu, thu hút FDI vào các ngành dịch vụ và công nghiệp công nghệ cao, v.v... Kết quả là cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực và đúng hướng. Tỷ trọng công nghiệp giảm từ 59% năm 2011 đến 2013 là 50%, trong khi dịch vụ tăng từ 34% năm 2011 đến 2013 là 44%. Thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ ”nâu” sang ”xanh” có hiệu quả, cụ thể: Tỷ trọng đóng góp của ngành than trong GDP đã giảm từ mức chiếm 24% năm 2011 xuống còn 17%; thu ngân sách nội địa dựa vào than giảm từ tỷ lệ chiếm đến 60% năm 2011 đến nay chỉ còn 47% trong khi thu từ lĩnh vực du lịch từ 2,6% tăng lên chiếm 5,2% tổng thu nội địa; sản xuất điện từ 1,6% năm 2011 lên 5% tổng thu nội địa năm 2014.
Đến nay, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập quốc tế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp như cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng và cạnh tranh bình đẳng, thành lập Ban Xúc tiến đầu tư thuộc UBND tỉnh theo mô hình chuẩn quốc tế (là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng mô hình này), thay đổi quy trình cấp phép đầu tư để khắc phục tình trạng lòng vòng hành chính, tổ chức các hội thảo quy mô quốc tế và trong nước, hội nghị xúc tiến đầu tư cấp quốc gia, tổ chức xúc tiến đầu tư nước ngoài đối với các đối tác chiến lược cụ thể, đặc biệt đã đổi mới và tạo chuyển biến về tư duy, hành động của các ngành, các cấp, cả hệ thống chính trị cùng làm xúc tiến đầu tư, v.v... Kết quả là môi trường kinh doanh được cải thiện, thu hút vốn đầu tư có hiệu quả. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2013 trong tốp 4 cả nước, dẫn đầu khu vực miền Bắc, tăng 16 bậc so với năm 2012. Từ Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2012 đến nay, Quảng Ninh đã thu hút được 1,081 tỷ USD từ vốn FDI và hơn 116.000 tỷ đồng vốn trong nước, tương đương hàng tỷ USD. Bên cạnh đó, hiệu quả đầu tư cũng tăng lên (chỉ số ICOR năm 2011 là 8,5 đến năm 2014 đã xuống dưới 7).
Ông Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh: "Những năm qua, được sự quan tâm, ủng hộ của Bộ Công Thương, công tác đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần không nhỏ cho sự nghiệp phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung".
Triển khai Dự án Cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2014 - 2020
Tại buổi làm việc, thay mặt Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, ông Phạm Minh Chính đã đề xuất 8 nội dung kiến nghị với Bộ Công Thương: một là, sớm sửa đổi Thông tư số 05/2014/TT-BCT ngày 27/01/2014 hoặc có văn bản hướng dẫn theo hướng cho phép hàng hóa được tạm nhập qua cửa khẩu phụ, điểm thông quan theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 235/TB-VPCP ngày 18/6/2014 của Văn phòng Chính phủ; hai là, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép các mặt hàng rượu, bia, xì gà, thuốc lá điếu, xe ô tô du lịch dưới 9 chỗ ngồi và gỗ nguyên liệu gửi kho ngoại quan được tái xuất qua cửa khẩu phụ, lối mở như trước đây; hoặc chỉ hạn chế, không cho tái xuất qua cửa khẩu phụ, lối mở đối với một số chủng loại hàng hóa mà thị trường trong nước có nhu cầu cao như thuốc lá hiệu 555, Marlboro, Mild Seven, rượu Chivas... ; ba là, báo cáo Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo về việc thành lập và xây dựng Khu hợp tác kinh tế biên giới Móng Cái và sớm hoàn thiện Đề án tổng thể chung về xây dựng các Khu hợp tác kinh tế biên giới Việt - Trung báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời thống nhất với Chính phủ Trung Quốc phê duyệt làm cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện; bốn là, bổ sung vào Quy hoạch điều chỉnh điện VII nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh III công suất 1200MW vào giai đoạn trước năm 2020 và Tổ máy số 1 hoàn thành, vận hành, phát điện năm 2020; Tổ 2 phát điện vào năm 2022; năm là, bố trí nguồn vốn đầu tư cho Dự án Cấp điện lưới ra xã đảo Cái Chiên huyện Hải Hà và đảo Trần huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh để triển khai xây dựng vào năm 2015; sáu là, phân cấp về lĩnh vực An toàn thực phẩm cho UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh quản lý và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở (hộ kinh doanh) sản xuất, chế biến, kinh doanh các loại bia, rượu, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột và tinh bột, bánh kẹo, bao bì chứa đựng; quản lý toàn diện an toàn thực phẩm đối với các chợ trên địa bàn; bảy là, có cơ chế chính sách, kêu gọi đầu tư giúp đỡ các doanh nghiệp đầu tư nhà máy sản xuất bia, nhà máy sản xuất sữa và các nhà máy chế biến khác vào địa bàn tỉnh Quảng Ninh; tám là, quan tâm điều hành cân đối nguồn nhập khẩu xăng dầu về cảng xăng dầu B12 tỉnh Quảng Ninh.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đánh giá cao những thành tựu mà tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực, đoàn kết đạt được trong thời gian vừa qua. Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh: Quảng Ninh là một tỉnh năng động, rất giàu tiềm năng, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế chung của đất nước. Bộ trưởng cho biết, về những đề xuất, kiến nghị của Tỉnh, đăc biệt là các vấn đề chung mang tính lý luận, Bộ Công Thương sẽ có văn bản trả lời cụ thể sau. Trong khuôn khổ buổi làm việc, Bộ trưởng đã giao các Thứ trưởng và đại diện các đơn vị thuộc Bộ trực tiếp trả lời một số nội dung đề xuất của Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh.
Đối với Nhiệm vụ quy hoạch phân khu Khu hợp tác kinh tế biên giới Móng Cái, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho biết: Bộ Công Thương cũng đã có Công văn số 3397/BCT-KH ngày 23 tháng 4 năm 2014 góp ý cụ thể đối với Nhiệm vụ quy hoạch, trong đó nêu rõ: “việc xây dựng Nhiệm vụ quy hoạch phân khu Khu hợp tác kinh tế biên giới Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và tham khảo các nội dung của Đề án tổng thể chung Xây dựng các Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam – Trung Quốc nhằm phù hợp và thống nhất về các nội dung như quy mô diện tích, các bộ phận cấu thành của Khu, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, các chương trình, dự án đầu tư, v.v...”. Hiện nay, Vụ Kế hoạch - Bộ Công Thương đang tiếp tục trao đổi, phối hợp với Phòng tham tán Kinh tế - Thương mại Trung Quốc, các đơn vị trong Bộ và các địa phương có liên quan của cả hai nước (Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Vân Nam, Quảng Tây) để thảo luận, trao đổi thông tin, hoàn chỉnh Dự thảo Đề án tổng thể chung về xây dựng các Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt – Trung. Bộ Công Thương đã có Công văn gửi xin ý kiến các Bộ, ngành hữu quan về Dự thảo Đề án tổng thể chung. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, Vụ Kế hoạch đang tổng hợp và hoàn thiện dự thảo Đề án để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh có cặp cửa khẩu nằm trong Khu hợp tác kinh tế biên giới Việt Nam – Trung Quốc nói chung và Quảng Ninh nói riêng sẽ triển khai thực hiện Khu hợp tác kinh tế Móng Cái – Đông Hưng trên cơ sở những điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể của từng địa phương.
Về nội dung bố trí nguồn vốn đầu tư cho Dự án Cấp điện lưới ra xã đảo Cái Chiên huyện Hải Hà và đảo Trần huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh để triển khai xây dựng vào năm 2015, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh: Bộ Công Thương nhất trí đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND tỉnh Quảng Ninh triển khai Dự án Cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2014 - 2020. Theo đó, cơ chế thực hiện Dự án thực hiện theo các quy định tại Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 - 2020. Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết thêm, hiện tại, Bộ Công Thương đã có công văn đề nghị Văn phòng Chính phủ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định vấn đề này.
Nguồn: Công thông tin điện tử Bộ Công Thương