Tham gia đoàn còn có các đồng chí lãnh đạo Bộ, Đảng ủy, Công đoàn cơ quan Bộ cùng một số đơn vị trực thuộc. Phát huy vai trò và truyền thống của ngành Công Thương Việt Nam, động viên cán bộ, công nhân của ngành đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1418/QĐ-TTg ngày 2/10/2008 về việc quyết định lấy ngày 14/5 hàng năm là "Ngày truyền thống của ngành Công Thương Việt Nam".
Quyết định này dựa trên cơ sở ngành Công Thương Việt Nam đã có lịch sử hình thành và phát triển rất sớm, điển hình như: công nghiệp sản xuất than Việt Nam có từ năm 1837, Điện Việt Nam từ năm 1894, Dệt Nam Định từ năm 1890, Bia Hà Nội từ năm 1890 và một số ngành công nghiệp, thương mại khác...
Ngày 28/8/1945, Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ra tuyên cáo của Chính phủ và kèm theo có nội các Thống nhất quốc gia, với các bộ tương ứng, trong đó có Bộ Kinh tế quốc gia. Bộ Kinh tế quốc gia bao gồm nhiều ngành kinh tế, trong đó có các chuyên ngành công nghiệp và thương mại Việt Nam. Đặc biệt, ngày 14/5/1951, Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra Sắc lệnh số 21-SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương (luật sư Phan Anh làm Bộ trưởng; các ông Đặng Việt Châu, Trần Đại Nghĩa giữ chức Thứ trưởng). Trụ sở đóng tại thôn Đồng Đon, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
Sau đó, Quốc hội khoá I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trong phiên họp lần thứ 5 ngày 20/9/1955 đã ra Nghị quyết: "Bộ Công Thương nay phân ra hai bộ: Bộ Công nghiệp và Bộ Thương nghiệp". Từ đó đến năm 2007, sau các lần điều chỉnh tổ chức của Bộ Công nghiệp và Bộ Thương nghiệp thành các bộ chuyên ngành với tên gọi khác nhau. Năm 2007, Bộ Công Thương được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai Bộ: Công nghiệp và Thương mại, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực (theo Nghị quyết số 01/2007/QH12 ngày 31/7/2007 của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII, kỳ họp thứ nhất; Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ).
Tại di tích lịch sử Bộ Công Thương, thay mặt toàn thể cán bộ, công chức, doanh nghiệp ngành Công Thương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã bày tỏ sự cảm ơn đối với sự quan tâm của nhân dân trong vùng, tạo điều kiện để công trình di tích được hoàn thành đúng tiến độ, khang trang đồng thời xin hứa, ngành Công Thương sẽ phát huy truyền thống của các bậc tiền bối, đồng lòng, chung sức để cho ngành ngày càng phát triển, nhất là trong điều kiện nền kinh tế nước ta đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.
Nguyễn Hải, Báo Công Thương