Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương những nỗ lực của chủ đầu tư cùng nhà thầu đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy sản xuất Alumin Tân Rai- Lâm Đồng và khẩn trương nghiêm túc thẩm định xây dựng dự án Alumin Nhân Cơ, Đăk Nông theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Biểu dương Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường tích cực tìm hiểu, nghiên cứu, đánh giá trữ lượng Bauxit ở Tây Nguyên và Đăk Nông, lập Hội đồng Thẩm định Nhà nước để bảo đảm an toàn về môi trường của dự án trong quá trình khai thác, xây dựng, thẩm định dự án... Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của chủ đầu tư để báo cáo Chính phủ cho phép khởi công dự án.
Để dự án thành công, đạt các yêu cầu đề ra Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ TNMT phối hợp chặt chẽ với tỉnh Đăk Nông và chủ đầu tư tiếp tục giúp đỡ, tạo điều kiện cho chủ đầu tư trong việc kiểm tra giám sát chặt chẽ quá trình xây dựng triển khai dự án.
Ngày 27/2, Trước lễ khởi công 1 ngày đã diễn ra buổi họp báo về Dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ. Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV) khẳng định: “Sau một quá trình tiến hành các bước, đúng với quy định của pháp luật Việt Nam, ngày 28/02/2010, sẽ Khởi công Gói thầu FPC Nhà máy Alumin thuộc dự án nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ. Đây là một dự án trọng điểm của quốc gia và cũng là bước khởi đầu cho một ngành công nghiệp mới; công nghiệp Nhôm của Việt Nam…”.
Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV) được Đảng và Chính phủ giao tiến hành thử nghiệm 2 dự án đầu tiên là khai thác Bauxit, sản xuất Alumin tại tỉnh Lâm Đồng và ĐăkNông. Việt Nam là nước có nguồn tài nguyên quặng Bau xit thứ 3 thế giới với trữ lượng khoảng trên 2,5 tỷ tấn tinh quặng, tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên và đặc biệt ở Đăk Nông với trữ lượng khoảng 1,8 tỷ tấn tinh quặng. Tháng 7/2008, TKV đã khởi công gói thầu EPC, nhà máy Alumin đầu tiên (thuộc dự án tổ hợp Bauxit – nhôm Lâm Đồng) tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Gói thầu EPC nhà máy Alumin Nhân Cơ là gói thầu thứ 2 đuợc TKV khởi công tại tỉnh Đăk Nông. Dự án giao cho Công ty cổ phần Alumin Nhân Cơ – TKV (VNAC) là công ty con cả Tập đoàn làm chủ đầu tư.
Quá trình triển khai dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ
Trong quá trình thực hiện dự án (VNAC) luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Trung ương, các cấp chính quyền của địa phương và TKV. Đội ngũ CBCN thực hiện dự án là những cán bộ nòng cốt của TKV, trong đó có lực lượng của Tổng công ty Đông Bắc - Bộ Quốc phòng luôn nhiệt tình công tác, phát huy tốt phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ trên vùng đất mới, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ được xây dựng tại xã Nhân Cơ tại huyện Đăk Rlấp tỉnh Đăk Nông với mục tiêu chính là sản xuất Alumin dùng cho điện phân nhôm, phục vụ nhu cầu trong nước và XK. Bên cạnh đó, dự án thực hiện yêu cầu của Đảng và Chính phủ là: phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản Bauxit phù hợp với quy hoạch phát triển chung của Tây Nguyên và cả nước. Đảm bảo tiết kiệm tài nguyên Bauxit có hiệu quả, bảo vệ môi trường sinh thái, kết hợp phát triển kinh tế- xã hội với bảo vệ an ninh quốc phòng tại các địa bàn không có khoáng sản Bauxit, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên. Dự án gồm 2 nhà máy: Nhà máy tuyển quặng Bauxit và nhà máy sản xuất Alumin với diện tích khoảng 850ha. Nhà máy tuyển quặng Bauxit công suất thiết kế giai đoạn I là 1650.000 tấn quặng tinh khô/năm. Nhà máy sản xuất Alumin công suất thiết kế giai đoạn I là 650 tấn/năm, tổng mức đầu tư dự án là 11624 tỷ đồng (tương đương với 650 triệu USD). Dự kiến hoàn thành vào năm 2012
Môi trường- yếu tố quan trọng hàng đầu
Đây là vấn đề VNAC đặc biệt quan tâm. Công ty đã phối hợp với Công ty cổ phần Tin học công nghệ và Môi trường- TKV lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho dự án. Báo cáo đã được Bộ TNMT phê duyệt.
Các giải pháp để giảm thiểu môi trường là áp dụng công nghệ tuyển quặng và sản xuất Alumin tiên tiến, hiện đại đang được sử dụng trong các nhà máy Alumin hiện đại trên thế giới, đảm bảo xử lý chất thải, khí thải, tiếng ồn, khói bụi… đạt các tiêu chuẩn môi trường Việt Nam. Cam kết đảm bảo các chỉ tiêu về môi trường đối với quá trình xây dựg và vận hành nhà máy sản xuất Alumin theo các tiêu chuẩn quy định của Việt Nam. Đầu tư thiết bị hiện đại để giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, xây dựng hệ thống quan trắc tự động, giám sát thường xuyên về khí bụi chất thải, nước mặt, nước ngầm… nhằm đánh giá chính xác và có giải pháp xử lý đối với tác nhân gây ô nhiễm trong quá trình hoạt động.
Công tác khai thác mỏ theo hình thức cuốn chiếu, mỗi năm khoảng 50- 60ha, khai thác đến đâu hoàn thổ đến đấy. Công ty đã thành lâp Trung tâm Lâm Sinh, đang lập dự án đầu tư xây dựng khu thử nghiệm về công tác hoàn thổ, nghiên cứu thổ nhưỡng nhằm tìm phương án hoàn thổ tối ưu và lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi mang hiệu quả kinh tế cao phục vụ quá trình khai thác Bauxit sau này.
Việc xử lý bùn đỏ được chú trọng, do trong bùn đỏ có chứa xút trong quá trình sản xuất Alumin nên phải xử lý để vừa đảm bảo hệ số thu hồi xút dư trong bùn thải nhằm tái sử dụng vừa đảm bảo an toàn cho nước mặt, nước ngầm; công tác hoàn nguyên đảm bảo phục hồi nhanh môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Tổ Giám sát môi trường đối với dự án do đồng chí Phó Tổng cục phụ trách. Như vậy công tác bảo vệ môi trường được quản lý tốt, Tổ đã giám sát môi trường đối với dự án ngay từ khi chuẩn bị. VNAC cam kết tuân thủ chặt chẽ các giải pháp bảo vệ môi trường của dự án.
Hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án
Hiệu quả kinh tế của dự án được phân tích, tính toán trong điều kiện cập nhật những biến động mới nhất của thị trường Alumin thế giới và các yếu tố ảnh hưởng khác. Đối với chủ đầu tư, dự án có hiệu quả kinh tế nhưng chưa cao, giá trị hiện tại là 204.444 triệu đồng, tỷ lệ hoàn vốn nội tại là 8,24%. Đối với Nhà nước dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Ngoài hiệu quả kinh tế thuần tuý, dự án có hiệu quả xã hội lớn đối với tỉnh Đăk Nông và khu vực Tây Nguyên: tạo việc làm trực tiếp cho 1.350 người và trên 12.000 lao động cho các ngành dịch vụ khác, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực từ thuần nông nông nghiệp sang kinh tế đa ngành nghề trong đó, công nghiệp - dịch vụ là thành phần kinh tế cơ bản, kéo theo sự phát triển của các ngành dịch vụ như GTVT, cơ khí, phát triển đô thị… Việc thực hiện dự án còn góp phần tái tạo đất, nâng cao chất lượng đất tại những khu vực có quặng đang bị cằn cỗi sau khi khai thác quặng và hoàn nguyên sẽ tốt lên, đồng thời tạo điều kiện phát triển văn hoá giáo dục, ổn định an ninh chính trị trên địa bàn Tây Nguyên.
Ông Lê Diễn – Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông:
Đăk Nông là tỉnh mới thành lập thuộc vùng Tây Nguyên còn nhiều khó khăn, điều kiện hạ tầng cơ sở còn thấp kém, kinh tế xã hội chưa phát triển, chủ yếu là thuần nông. Vì thế, việc đầu tư dự án khai thác, sản xuất và chế biến Bauxit trên địa bàn tỉnh là sự thúc đẩy, góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh hiện tại và đặc biệt là trong tương lai. Đồng thời đây còn là mốc quan trọng đánh dấu cho sự phát triển một nền công nghiệp ở Đăk Nông. Nhân dân và các cấp chính quyền của Đăk Nông thực sự mong chừ và vui mừng đón nhận lễ khởi công này”.
Ông Bùi Quang Tiến, Tổng Giám đốc VNAC:
Nguồn nhân lực do TKV điều động vào còn thiếu, VNAC muốn tuyển dụng nhân lực tại địa phương nhưng rất khó khăn do trình độ chưa cao, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất công nghiệp Alumin Nhôm. Công tác đền bù GPMB phức tạp do một số hộ dân phải di dời chưa ủng hộ, làm ảnh hưởng tới tiến độ. Sự chậm trễ, các trở ngại trong công tác bồi thường GPMB là yếu tố gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Tuy nhiên, được sự ủng hộ, tạo điều kiện tối đa của Chính phủ, các cơ quan quản lý và địa phương, chúng tôi tin tưởng rằng, sau khi khởi công, dự án sẽ được triển khai đúng tiến độ.
Theo báo điện tử Công Thương