- Là người nắm rõ tình hình sản xuất kinh doanh trong nước, Bộ trưởng đánh giá thế nào về khó khăn hiện nay của doanh nghiệp?
Theo Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu thụ trong nước gặp khó khăn nhất. Ảnh: Tiến Dũng
- Báo cáo của tất cả các bộ ngành tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng tư đều cho thấy 4 tháng đầu năm, mặc dù Chính phủ đã có nhiều biện pháp tháo gỡ nhưng nhìn chung doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân thì nhân dân và báo chí cũng đã đề cập nhiều, đó là câu chuyện lãi suất ngân hàng, khả năng tiếp cận nguồn tài chính, chi phí đầu vào tăng cao, kể cả các yếu tố bên ngoài như giá cả bấp bênh, tiêu thụ khó khăn.
Vì thế tại phiên họp thường kỳ vừa qua, Chính phủ đã nghiên cứu, xem xét rất kỹ và quyết định tiếp tục đưa thêm các giải pháp, trong đó tập trung vào nhóm giải pháp về ngân hàng và thuế. Ngoài hai nhóm chính như vậy, sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Bản thân các bộ ngành cũng phải xúm vào cùng với doanh nghiệp, xem doanh nghiệp vướng cái gì, có thể gỡ cho họ được gì thì phải tập trung hết sức.
- Bộ Công Thương đánh giá lĩnh vực sản xuất nào đang gặp nhiều khó khăn nhất?
- Khó khăn nhất hiện nay chính là lĩnh vực sản xuất hàng hóa để tiêu thụ trong nước, như giấy, thép, đồ may mặc, giày dép, nhựa. Ngay như mặt hàng điện tử, cũng tồn đọng khá nhiều. Doanh nghiệp sản xuất phục vụ cho xuất khẩu thì đỡ hơn. Chính vì thế giải pháp của Chính phủ trong Nghị quyết 13 cũng tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
- Theo Bộ trưởng, các giải pháp như vậy đã đủ chưa hay cần bổ sung, điều chỉnh?
- Tôi cho rằng đó là các giải pháp hết sức cần thiết và kịp thời của Chính phủ. Tuy là mới ban hành theo Nghị quyết 13, nhưng tôi tin các giải pháp sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Nhưng để biết các giải pháp đó đã đủ hay chưa, cần một thời gian nữa mới đánh giá được hết. Bởi để làm bật dậy hoạt động của nền kinh tế không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của Chính phủ, cũng không chỉ của riêng doanh nghiệp mà phải nhận được sự hưởng ứng và phối hợp chặt chẽ của toàn xã hội. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải tiếp tục tìm hiểu và tận dụng tốt cơ hội thị trường bên ngoài mang lại, có như vậy mới hiệu quả đồng bộ.
Các giải pháp hiện nay của Chính phủ đang tập trung trước hết vào các doanh nghiệp khu vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp chế biến hàng xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Nhưng tới đây, có thể nới thêm cho một số đối tượng như các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng, cũng có thể có những cái nới hơn cho thị trường bất động sản. Hy vọng cùng với các giải pháp trước đây đã ban hành, nhóm giải pháp trong Nghị quyết 13 sẽ giúp doanh nghiệp tháo gỡ một phần khó khăn.
- Doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng vào giải pháp tín dụng, nhưng họ vẫn rất khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. Ngành công thương có tiếng nói gì để giúp họ?
- Chúng tôi cũng được nghe phản ánh, mặc dù ngân hàng đã có các giải pháp tạo thuận lợi nhưng trên thực tế việc tiếp cận vốn của một số doanh nghiệp còn khó khăn, chủ yếu liên quan tới điều kiện được vay, điều kiện được giải ngân. Vì thế, một mặt chúng tôi làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để phối hợp đưa các giải pháp của Chính phủ đi vào thực tiễn, đồng thời tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận với nguồn tín dụng. Bản thân Ngân hàng Trung ương cũng có những hỗ trợ nhất định.
Thực ra lâu nay ngành công thương đã triển khai một số chương trình như chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chương trình phát triển thương hiệu vừa và nhỏ, thông qua đó đã có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp với các điều kiện tương đối thuận lợi kể cả ưu đãi về lãi suất, thời gian và điều kiện tiếp cận vốn. Nhưng nói chung quy mô dự án cho vay từ các chương trình này rất nhỏ, trong nhiều trường hợp chưa đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp. Vì thế chúng tôi sẽ tiếp tục tìm các biện pháp khác nữa.
Nguồn: Vnexpress.net