Tham dự buổi Hội thảo có ông Lê Bá Trình – Phó Chủ tịch MTTQVN, Phó trưởng Ban chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa; lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương; đại diện một số Bộ ngành, các nhà sản xuất, bán lẻ, v.v…
Cần thiết có một Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động
Với dân số trên 90 triệu dân, thị trường Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển nhưng chưa được quan tâm khai thác đúng mức. Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được triển khai từ năm 2009 là một giải pháp quan trọng để góp phần thúc đẩy phát triển thị trường trong nước bền vững qua việc phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt, động viên doanh nghiệp sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng cao, v.v…
Sau ba năm triển khai, Cuộc vận động đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, không chỉ góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao uy tín của doanh nghiệp Việt Nam mà còn có ý nghĩa tích cực trong việc thực hiện các giải pháp để giữ vững ổn định sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, công tác phát triển thị trường trong nước thời gian qua vẫn còn những hạn chế về xây dựng hệ thống phân phối, khả năng cạnh tranh, liên kết giữa sản xuất và tiêu dùng, v.v…
Vì những lý do đó cũng như để tiếp tục tăng cường thực hiện Cuộc vận động, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Tập trung tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ
Tại Hội thảo, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã trình bày dự thảo Đề án nhằm phát triển thị trường trong nước giai đoạn 2014 – 2020. Mục tiêu tổng quát của Đề án là phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt thông qua công tác tuyên truyền, quảng bá; hỗ trợ đào tạo, tư vấn và tổ chức, quản lý phân phối hàng Việt trong nước có thế mạnh giúp doanh nghiệp và hàng Việt tiếp cận rộng hơn, sâu hơn, bền vững hơn tới người tiêu dùng cả nước.
Từ mục tiêu trên, dự thảo Đề án đã đề ra các giải pháp để phát triển thị trường trong nước. Trước hết, cần tiếp tục đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước hỗ trợ các doanh nghiệp Việt, hàng Việt hướng về thị trường trong nước và người tiêu dùng Việt. Cần xây dựng kết nối nhà sản xuất, kinh doanh với nhà phân phối trong nước cũng như có chính sách hỗ trợ cụ thể để mở rộng độ bao phủ hàng hóa, tăng hiện diện của hàng Việt trên khắp cả nước.
Nhà nước cũng cần hỗ trợ và có các chương trình hỗ trợ quảng bá thương hiệu và đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ; ưu tiên phát triển thị trường trung và dài hạn cho thị trường nội địa; khuyến khích vận động các cơ quan Nhà nước ưu tiên dùng hàng Việt trong mua sắm, v.v…
Với vai trò chủ trì xây dựng dự thảo Đề án, Bộ Công Thương đã đề xuất 12 chương trình cụ thể để thực hiện các giải pháp, như: Xây dựng kênh truyền thông về tuyên truyền quảng bá riêng về hàng Việt; Tuần hàng Việt trên khắp cả nước; Chương trình nhân rộng chuỗi cửa hàng bình ổn thị trường bán hàng tiêu dùng; Xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu dùng, v.v…
Đóng góp ý kiến cho dự thảo Đề án, hầu hết các tham luận và góp ý đều thống nhất và đồng tình với nội dung dự thảo. Song, những ý kiến đóng góp cũng nhấn mạnh đến việc tập trung xây dựng cơ chế chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì theo bà Lê Ngọc Đào – Phó GĐ Sở Công Thương TP.Hồ Chí Mình, công tác hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu còn hạn chế, trong khi đó việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp nhiều khó khăn. Đối với việc tổ chức các điểm bán hàng lưu động, bà Lê Ngọc Đào cho rằng đây chỉ là biện pháp mang tính nhất thời, điều quan trọng là việc phải đáp ứng đủ nguồn cung hàng hóa cũng như phải có cơ chế hỗ trợ để xây dựng các cửa hàng tiện lợi, hệ thống phân phối ở nông thôn.
Còn theo GĐ Sở Công Thương Tây Ninh Đỗ Thanh Hòa, dự thảo Đề án cần làm rõ thêm vai trò của doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là doanh nghiệp Nhà nước; trách nhiệm của quản lý Nhà nước trong gắn kết chuỗi liên kết sản xuất và phân phối. Ông Đỗ Thanh Hòa cũng cho rằng phải có cơ chế để xây dựng các cửa hàng lưu động đưa hàng Việt về nông thôn, cần chủ trương nhất quán về hàng bình ổn và có chính sách trong việc xây dựng hạ tầng bán lẻ.
Tổng giám đốc Phạm Đình Đoàn của Tập đoàn Phú Thái - doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về phân phối hàng hóa, cho rằng, dự thảo Đề án cần làm rõ định nghĩa thế nào là hàng Việt và nên bổ sung chương trình hành động quyết liệt chống hàng gian, hàng giả, hàng lậu.
Ông Lê Bá Trình – Phó Chủ tịch MTTQVN hoan nghênh những ý kiến đóng góp của đại biểu tại Hội thảo đã góp phần để dự thảo Đề án thiết thực và hiệu quả. Đối với dự thảo Đề án, ông Lê Bá Trình cũng cho rằng cần có một số điều của Đề án cần được sắp xếp và bổ sung lại cho hợp lý hơn.
Tiếp thu những ý kiến tại Hội thảo, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhất trí với quan điểm phát triển và yêu cầu cần thiết phải có Đề án này. Theo Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, những ý kiến đóng góp của các đại biểu cho 12 giải pháp được đưa ra là hết sức quan trọng. Đây là xương sống của Đề án, do đó Tổ soạn thảo cần định lượng được cụ thể các giải pháp. Tinh thần chung của Đề án là phát triển thị trường trong nước nhưng vấn đề quan trọng nhất ở đây chính là tập trung phát triển hệ thống phân phối hàng hóa. Là đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo Đề án, Bộ Công Thương sẽ tiếp thu ý kiến để lựa chọn, bổ sung, sắp xếp cho phù hợp với mục tiêu của Đề án, để dự án sớm được phê duyệt và triển khai.
Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương