Theo Sở Công nghiệp TP Cần Thơ: Năm 2009, thành phố phấn đấu dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về sản xuất công nghiệp với giá trị đạt 18.500 tỉ đồng, tăng gần 3.000 tỉ đồng so năm 2008.
Để đạt mục tiêu này, Cần Thơ đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu KHKT mới, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và TP Hồ Chí Minh phát triển công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, nâng cao hàm lượng khoa học, công nghệ trong các sản phẩm công nghiệp chế biến, cơ khí, đóng tàu, may mặc, giày dép, lắp ráp cơ diện, hóa chất theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng yêu cầu mới trong quá trình hội nhập đồng thời đưa thêm 10 doanh nghiệp được chứng nhận đạt chuẩn ISO 9001:2000, ISO 14000, ISO/IEC 17025, HACCP, GMP, SQF 1000 CM,SQF 2000 CM, SA 8000, nâng tổng số doanh nghiệp đạt các chuẩn nêu trên lên 46 đơn vị, dẫn đầu ĐBSCL.
Thành phố hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường tiêu thụ ngoài nước và cả trong nước; xây dựng một số cơ sở công nghiệp nặng như: dầu khí, cơ khí chế tạo, hóa chất cơ bản đồng thời tạo điều kiện cho thị trường khoa học – công nghệ phát triển thêm một bước. Cần Thơ triển khai nhiều chương trình giúp các doanh nghiệp hội nhập với thị trường thế giới gồm : hỗ trợ đào tạo nhân lực, nâng cao khả năng giao tiếp trong quan hệ ngoại thương; làm cầu nối giới thiệu các tổ chức, các nhà đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong vùng; giới thiệu các dự án đầu tư với đối tác nước ngoài; tư vấn giúp các doanh nghiệp nghiên cứu, định hướng chiến lược sản xuất kinh doanh. Thành phố cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay 4.000 tỉ đồng, trong đó, có 65 % doanh nghiệp ngoài quốc doanh để mua thiết bị, máy móc mới phục vụ mở rộng sản xuất kinh doanh các ngành chế biến lương thực thực phẩm, thủy sản, cơ khí, vật liệu xây dựng, mộc dân dụng, thương nghiệp./.
Thế Đạt
Tin đã đăng