Phát triển địa phương
Không được nhiều người biết đến, nhưng những ai đã từng sử dụng thì mỗi khi qua Nghệ An đều không quên mang theo về một cây chổi đót. Chổi đót Nghệ An vừa chắc, vừa bền rất phù hợp cho những người nội trợ gia đình.

 

Cứ vào khoảng tháng 12 đến tháng 2 âm lịch hàng năm là mùa đót trổ hoa, người dân lại đi thu mua hoa đót về phơi khô rồi cất giữ để làm quanh năm. Với 3 tấn đót tươi sau khi phơi sẽ được 1 tấn đót khô, qua bàn tay khéo léo của người thợ sẽ làm ra được khoảng gần 2 ngàn cây chổi.

 

Cách làm chổi đót không khó, sau khi chẻ tuốt mây, lựa chọn và sắp xếp các nhánh đót bằng nhau thành từng bó rồi tiến hành quấn cổ trước, sau đó buộc chặt vào cán chổi rồi đan 2 đường chân rết thành thân chổi và hoàn thiện. Tuy nhiên để có được một cây chổi đót vừa bền, chắc và đẹp thì cần phải có đôi bàn tay khéo léo và chắc chắn ở mỗi công đoạn, đặc biệt là công đoạn vào cán và bện. Bông đót để làm chổi cũng yêu cầu phải được nắng, có màu trắng xanh, dài thì chổi mới bền. Cây chổi đót thường có màu vàng rơm xen lẫn xanh cốm, thân chổi dày, dẻo và có độ đan hồi tốt, và được kết chặt vào cán chổi bằng các sợi mây hoặc có sợi dây ni lông bọc bên ngoài.

 

Giá đót vào mùa dao động từ 2 triệu - 2,2 triệu/tạ tuỳ vào chất lượng của đót, tuy nhiên cũng có lúc giá đót tăng cao lên 4 triệu/tạ. Thường thì các thương lái thu gom đót từ các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông… về bán tận nơi sản xuất nhưng cũng có một số hộ lại tự đi lấy đót. Mỗi cây chổi đót có giá từ 25 – 30 ngàn đồng/cái tuỳ theo lượng đót và phụ liệu (dây mây, thép hay dây cước… ) và mặc dù mẫu mã các loại chổi đót vẫn còn chủ yếu theo truyền thống, nhưng chổi đót được bện bằng mây vẫn là loại chổi bền đẹp và có giá cao hơn cả.

 

Nghề làm chổi đót không quá vất vả, đòi hỏi nhiều sức khỏe nên chỉ trừ những ngày mùa bận rộn, còn lại ai cũng có thể tham gia kết chổi đót. Người dân có thể lấy nguyên liệu từ các cơ sở về làm tại nhà, tranh thủ làm vào ban đêm, buổi trưa… Thu nhập từ nghề làm chổi đót không cao, trung bình từ 1,3 - 1,5 triệu đồng/người/tháng nhưng tính ra cũng bằng thu nhập của cả 1 sào lúa khi được mùa, hơn nữa lại luôn ổn định và đầu tư chi phí sản xuất thấp. Nhiều gia đình ở Nghệ An nhờ làm chổi đót mà có thu nhập ổn định, có tiền lo cho con cái ăn học. Tuy vậy, công việc này không phải lúc nào cũng thuận lợi, vào những ngày mưa to, gió lớn, chổi không bán được thì phải cất giữ, bảo quản cẩn thận nếu không nguyên liệu và sản phẩm dễ bị mốc, ẩm ướt, sau mất giá hoặc không bán được, nguy cơ mất cả vốn lẫn lãi...

 

Nghệ An có nhiều địa phương sản xuất chổi đót nổi tiếng như làng nghề chổi đót Thanh Lương, Thanh Chương; chổi đót Diễn Đoài, Diễn Châu. Trước kia ở nhiều địa phương chỉ xem việc làm chổi đót là nghề phụ, nhưng nay nó đã trở thành nghề chính, một số huyện đã tập trung đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất và đứng ra thu gom chổi ở địa phương để đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội...

 

Nghề làm chổi ở nhiều địa phương của Nghệ An đang trên đà phát triển, nhưng chủ yếu kinh tế hộ, lại phụ thuộc phần lớn vào thị trường trung gian, do đó lợi nhuận cũng như quy mô sản xuất còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, bài toán mở rộng thị trường và quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm là điều kiện để chổi đót Nghệ An trở thành thương hiệu có tiếng cho khách hàng tìm đến.

 

CTV. Hải Triều