Theo đó, huy động hiệu quả mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong nước và từ bên ngoài để phát triển, tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp có kỹ năng, có kỷ luật, có năng lực sáng tạo; ưu tiên phát triển và chuyển giao công nghệ đối với các ngành, các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh và công nghệ hiện đại, tiên tiến ở một số lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản, điện tử, viễn thông, năng lượng mới và tái tạo, cơ khí chế tạo và hóa dược; điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp hợp lý nhằm phát huy sức mạnh liên kết giữa các ngành, vùng, địa phương để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Các nhóm ngành công nghiệp được lựa chọn ưu tiên phát triển, gồm: Ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành Điện tử và Viễn thông và ngành Năng lượng mới và năng lượng tái tạo.Mục tiêu của Chiến lược là đến năm 2025, công nghiệp Việt Nam phát triển với cơ cấu hợp lý theo ngành và lãnh thổ, có khả năng cạnh tranh để phát triển trong hội nhập, có công nghệ hiện đại và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở một số chuyên ngành, lĩnh vực, có khả năng đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và xuất khẩu; đội ngũ lao động có đủ trình độ đáp ứng nhu cầu của nền sản xuất hiện đại.
Đến năm 2035, công nghiệp Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế; đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có kỷ luật và có năng suất cao, chủ động trong các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo.
Mục tiêu cụ thể của Chiến lược là tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm công nghiệp giai đoạn đến năm 2020 đạt 6,5-7,0%/năm, giai đoạn 2020-2025 đạt 7,0-7,5%/năm và giai đoạn 2026-2035 đạt 7,5-8,0%/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn đến năm 2020 đạt 12,5%-13%/năm, giai đoạn 2021-2025 đạt 1,0-12,5%/năm và giai đoạn 2026-2035 đạt 10,5-11,0%/năm; phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng công nghiệp và xây dựng chiếm 42-43%, năm 2025 chiến 43-44% và năm 2035 chiếm 40%-41% trong cơ cấu kinh tế cả nước; tỷ trọng hàng công nghiệp xuất khẩu/tổng kim ngạch xuất khẩu đến năm 2025 đạt 85-88%, sau năm 2025 đạt trên 90%; giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 đạt khoảng 45% tổng GDP, sau năm 2025 đạt trên 50%; Chỉ số ICOR công nghiệp giai đoạn 2011-2025 đạt 3,5-4,0%; giai đoạn 2026-2035 đạt 3,0-3,5%; hệ số đàn hồi năng lượng/GDP năm 2015 đạt 1,5; năm 2020 đạt 1,0 và đến năm 2035 duy trì ở mức 0,6-0,8, tiệm cận với các nước trong khu vực; tỷ lệ phát thải khí nhà kính ngành công nghiệp gia tăng bình quân trong khoảng 4-4,5%/năm.
Về định hướng đến năm 2025, từng bước điều chỉnh mô hình tăng trưởng công nghiệp từ chủ yếu dựa trên số lượng sang dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, đẩy mạnh phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn; gắn kết sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp; tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là nhóm sản phẩm cơ khí, hóa chất, điện tử viễn thông phục vụ sản xuất công nghiệp, đồng thời tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu; tăng cường phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; tăng cường phát triển các ngành công nghiệp theo hướng kết hợp mô hình liên kết ngang và liên kết dọc; điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp, đảm bảo phù hợp giữa các vùng trên toàn quốc, giải quyết tình trạng mật độ công nghiệp cao ở một số khu vực, bảo đảm cân đối và hài hòa giữa các vùng và địa phương; phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên tại các vùng công nghiệp lõi được hình thành từ mỗi vùng kinh tế trọng điểm và các khu kinh tế ven biển; chuyển dịch các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, công nghiệp sơ chế, công nghiệp hỗ trợ từ các vùng công nghiệp lõi sang các vùng công nghiệp đệm.
Định hướng đến năm 2035, công nghiệp Việt Nam phát triển thân thiện với môi trường, công nghiệp xanh, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất công nghiệp có công nghệ tiên tiến, các sản phẩm của công nghiệp có thương hiệu uy tín, có chất lượng và giá trị cao, mang tính khu vực và quốc tế, có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng tiêu chuẩn của các nước phát triển và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.Chiến lược cũng đề ra ba nhóm giải pháp để thực hiện: Nhóm giải pháp đột phá; nhóm giải pháp dài hạn và giải pháp phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên.
Theo đó, nhóm giải pháp đột phá, gồm: Đổi mới thể chế phát triển công nghiệp; đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; phát triển nguồn nhân lực và giải pháp về công nghệ. Nhóm giải pháp dài hạn, gồm: Xây dựng cơ chế thu hút đầu tư; giải pháp phát triển thị trường; giải pháp điều chỉnh chất lượng tăng trưởng công nghiệp; giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ; giải pháp điều chỉnh cơ cấu công nghiệp theo lãnh thổ; giải pháp phát triển hệ thống dịch vụ công nghiệp; giải pháp về môi trường.Với nhóm giải pháp phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, chú trọng đối với các ngành: Chế biến, chế tạo; nhóm ngành Dệt may, Da giày; ngành Điện tử và Viễn thông; Ngành Năng lượng mới và năng lượng tái tạo.
Nguyễn Thị Hương