Bắt đầu từ tháng 4/2015, nhiều quy định, chính sách mới liên quan đến ngành Công Thương sẽ có hiệu lực thi hành như: Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia; Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản và Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản; Quy định mới về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, v.v...


Ban hành quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 07/2015/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia. Quyết định có hiệu lực từ ngày 20/4/2015.

Theo đó, Bộ Công Thương là cơ quan được Chính phủ giao trách nhiệm quản lý Chương trình, chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ như chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương phổ biến định hướng phát triển thương mại điện tử theo chiến lược, quy hoạch và các kế hoạch phát triển thương mại điện tử được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Hàng năm công bố danh mục các lĩnh vực ưu tiên tập trung phát triển thương mại điện tử theo Chương trình; Hướng dẫn xây dựng đề án và thẩm định dự án theo quy định tại Quy chế này; Phê duyệt danh mục các đề án, dự án để tổng hợp vào Chương trình, v.v...

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định thành lập Hội đồng thẩm định các đề án, dự án thuộc Chương trình (sau đây gọi tắt là Hội đồng) do một lãnh đạo Bộ Công Thương làm chủ tịch; thành phần bao gồm đại diện Bộ Công Thương và đại diện các Bộ, ngành liên quan. Hội đồng có nhiệm vụ thẩm định các đề án, dự án do các Đơn vị chủ trì xây dựng. Hội đồng có thể mời và tham khảo ý kiến chuyên gia trong quá trình thẩm định. Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin là đơn vị giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý Chương trình, có nhiệm vụ hướng dẫn việc xây dựng, tiếp nhận, đánh giá sơ bộ các đề án theo quy định tại Quy chế này; tổng hợp gửi Hội đồng để thẩm định; tổ chức giám sát, kiểm tra việc thực hiện các đề án; tổ chức nghiệm thu các đề án; tổng kết, báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương; tiếp nhận và quản lý kinh phí nhà nước cấp cho Chương trình.

Điều lệ mẫu về tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Từ ngày 23/4/2015, Thông tư số 03/2015/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Điều lệ mẫu về tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hiệu lực thi hành.

Thông tư số 03/2015/TT-BKHCN quy định về điều lệ mẫu về tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Quỹ hoạt động nhằm mục đích tài trợ, cấp kinh phí, cho vay, bảo lãnh vốn vay và hỗ trợ nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia. Hoạt động của Quỹ nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của bộ hoặc tỉnh.

Đối tượng được Quỹ cấp kinh phí là các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia được phân cấp giao cho Bộ (hoặc tỉnh) trực tiếp quản lý; Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ (hoặc tỉnh); Đối tượng tài trợ là một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở do tổ chức, cá nhân đề xuất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của bộ (hoặc tỉnh); Đối tượng cho vay là các dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của bộ (hoặc tỉnh) theo yêu cầu của Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đối tượng hỗ trợ là các hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ trong phạm vi của Bộ (hoặc tỉnh), nhà khoa học trẻ tài năng không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Đối tượng bảo lãnh vốn vay: các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Bộ trưởng (hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh) giao.

Thông tư cũng nêu rõ điều kiện đăng ký tài trợ, vay vốn, hỗ trợ và bảo lãnh vốn vay phải là tổ chức, cá nhân đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ phải có đủ năng lực chuyên môn và điều kiện cơ sở vật chất – kỹ thuật phù hợp với từng loại nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Tổ chức đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ phải là tổ chức khoa học và công nghệ hoặc doanh nghiệp khoa học công nghệ; Tổ chức và cá nhân đề xuất vay vốn của Quỹ hoặc được Quỹ bảo lãnh vốn vay phải tuân theo các quy định của Quỹ và quy định của pháp luật có liên quan. Tổ chức và cá nhân đăng ký hỗ trợ nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và công nghệ phải có chuyên môn phù hợp với loại hình đề nghị hỗ trợ. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đăng ký tài trợ, vay vốn không được trùng lắp với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã hoặc đang được thực hiện bằng nguồn ngân sách Nhà nước.

Ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản và Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản

Từ 1/4/2015, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) giai đoạn 2015-2019 có hiệu lực thi hành.

Biểu thuế trên được quy định chi tiết tại Thông tư số 24/2015/TT-BTC và Thông tư số 25/2015/TT-BTC ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) giai đoạn 2015-2019.

Theo 2 thông tư này, từ thời điểm 1/4/2015, Hàng hóa nhập khẩu để được áp dụng thuế suất thuế VJEPA phải đáp ứng đủ 4 điều kiện: thứ nhất là thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo Thông tư số 25/2015/TT-BTC; thứ hai là được nhập khẩu từ Nhật Bản vào Việt Nam; thứ ba là được vận chuyển trực tiếp từ Nhật Bản đến Việt Nam, theo quy định của Bộ Công Thương; thứ tư là thỏa mãn các quy định về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa Việt Nam - Nhật Bản mẫu VJ (viết tắt là C/O - mẫu VJ) theo quy định của Bộ Công Thương.

Hàng hóa nhập khẩu để được áp dụng thuế suất thuế AJCEP phải đáp ứng đủ các điều kiện: Thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo Thông tư 24/2015/TT-BTC; Được nhập khẩu từ các nước là thành viên của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản, bao gồm các nước sau: Bru-nây Đa-ru-sa-lam, Vương quốc Cam-pu-chia, Cộng hoà In-đô-nê-xi-a, Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, Ma-lai-xi-a, Liên bang Mi-an-ma, Cộng hoà Phi-líp-pin, Cộng hoà Xinh-ga-po, Vương quốc Thái Lan, Nhật Bản, Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (Hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước); Được vận chuyển trực tiếp từ nước xuất khẩu, quy định tại khoản 2 Điều này, đến Việt Nam, theo quy định của Bộ Công Thương; Thỏa mãn các quy định về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản, có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ASEAN - Nhật Bản mẫu AJ (viết tắt là C/O - Mẫu AJ) theo quy định của Bộ Công Thương.

Quy định về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch

Nghị định số 23/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ 10/4/2015 đã quy định về thẩm quyền, thủ tục cấp bản sao từ sổ gốc; chứng thực bản sao từ bản chính; chứng thực chữ ký; chứng thực hợp đồng, giao dịch; giá trị pháp lý của bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính, chữ ký được chứng thực và hợp đồng, giao dịch được chứng thực; quản lý nhà nước về chứng thực.

Theo Nghị định, Bản sao được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Chữ ký được chứng thực theo quy định tại Nghị định này có giá trị chứng minh người yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký đó, là căn cứ để xác định trách nhiệm của người ký về nội dung của giấy tờ, văn bản. Hợp đồng, giao dịch được chứng thực theo quy định của Nghị định này có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch, v.v...

Trường hợp pháp luật quy định nộp bản sao thì cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận bản sao, không được yêu cầu bản sao có chứng thực nhưng có quyền yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu. Người đối chiếu có trách nhiệm xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính. Cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao có chứng thực thì không được yêu cầu xuất trình bản chính, trừ trường hợp có căn cứ về việc bản sao giả mạo, bất hợp pháp thì yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc tiến hành xác minh, nếu thấy cần thiết.

Thời hạn thực hiện yêu cầu chứng thực phải được bảo đảm ngay trong ngày cơ quan, tổ chức tiếp nhận yêu cầu hoặc trong ngày làm việc tiếp theo, nếu tiếp nhận yêu cầu sau 15 giờ; trừ trường hợp quy định tại các Điều 21, 33 và Điều 37 của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP. Người yêu cầu chứng thực có quyền yêu cầu chứng thực tại bất kỳ cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nào thuận tiện nhất, trừ trường hợp quy định tại Khoản 6 Điều 5 của Nghị định này. Trong trường hợp bị từ chối chứng thực thì có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức từ chối giải thích rõ lý do bằng văn bản hoặc khiếu nại theo quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp lệ, hợp pháp của giấy tờ, văn bản mà mình yêu cầu chứng thực hoặc xuất trình khi làm thủ tục chứng thực theo quy định của Nghị định này.

Quy định mới về đầu tư theo hình thức đối tác công tư

Từ ngày 10/04/2015, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ban hành ngày 14/02/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư có hiệu lực thi hành.

Đối tượng áp dụng theo Nghị định là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, bên cho vay và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Nhà đầu tư chịu trách nhiệm góp vốn chủ sở hữu và huy động các nguồn vốn khác để thực hiện dự án theo thỏa thuận tại hợp đồng dự án. Tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư. Đối với dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu được xác định theo nguyên tắc lũy tiến từng phần như: Đối với phần vốn đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 15% của phần vốn này; Đối với phần vốn trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 10% của phần vốn này.

Nghị định cũng quy định rõ đề xuất dự án bao gồm những nội dung chủ yếu như: sự cần thiết đầu tư; lợi thế của việc thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư so với các hình thức đầu tư khác; loại hợp đồng dự án; Sự phù hợp của dự án với quy hoạch, kế hoạch phát triển và các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định này; Dự kiến mục tiêu, quy mô, địa điểm thực hiện dự án; nhu cầu sử dụng đất và nguồn tài nguyên; Phân tích sơ bộ yêu cầu về kỹ thuật, tiêu chuẩn, chất lượng công trình dự án, sản phẩm hoặc dịch vụ cung cấp; Dự kiến tiến độ, thời hạn thực hiện dự án; thời gian xây dựng, khai thác công trình; phương án tổ chức quản lý, kinh doanh hoặc cung cấp dịch vụ; Dự kiến phương án tổng thể bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; Dự kiến điều kiện thực hiện Dự án khác (đối với dự án thực hiện theo hợp đồng BT), v.v...

Quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường

Ngày 14/02/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 18/2015/NĐ-CP quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/04/2015.

Theo Nghị định, Quy hoạch bảo vệ môi trường được lập phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội với kỳ đầu cho giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2040 theo hai cấp độ là quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia và quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh.

Nghị định quy định đối với quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia và quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh dưới hình thức báo cáo riêng được thực hiện thông qua hội đồng thẩm định do thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan tổ chức thẩm định quy hoạch bảo vệ môi trường quy định tại Khoản 2 Điều 11 Luật Bảo vệ môi trường thành lập. Cơ cấu hội đồng thẩm định gồm Chủ tịch hội đồng, một (01) Phó Chủ tịch hội đồng trong trường hợp cần thiết, hai (02) Ủy viên phản biện, một (01) Ủy viên thư ký và một số Ủy viên, trong đó có đại diện của các cơ quan cùng cấp với cấp độ quy hoạch từ các ngành: Tài nguyên và Môi trường; Công Thương; Xây dựng; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông vận tải; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Kế hoạch và Đầu tư và các ngành khác có liên quan; Đối với quy hoạch bảo vệ môi trường dưới hình thức lồng ghép vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) tổ chức thẩm định đồng thời với việc thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh.

Quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

Từ ngày 01/04/2015, Thông tư số 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có hiệu lực thi hành.

Theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC, đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu kê khai thuộc đối tượng không chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường hoặc miễn thuế, xét miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hoặc áp dụng thuế suất ưu đãi, ưu đãi đặc biệt, mức thuế theo hạn ngạch thuế quan và đã được xử lý theo kê khai nhưng sau đó có thay đổi về đối tượng không chịu thuế hoặc mục đích được miễn thuế, xét miễn thuế, áp dụng thuế suất ưu đãi, ưu đãi đặc biệt, mức thuế theo hạn ngạch thuế quan; hàng hóa là nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hoá xuất khẩu và hàng hóa tạm nhập - tái xuất chuyển tiêu thụ nội địa thì người nộp thuế phải thực hiện khai hải quan đối với hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa theo quy định tại Điều 21 Thông tư này.

Thông tư cũng quy định về Thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan đối với một số loại hình hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính như: Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bán tại cửa hàng miễn thuế; Bưu gửi xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua mạng bưu chính và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh; Xăng, dầu; nguyên liệu xăng, dầu xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất; Khí và khí dầu mỏ hóa lỏng xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu; nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất và pha chế khí và khí dầu mỏ hóa lỏng; nguyên liệu nhập khẩu để gia công xuất khẩu khí và khí dầu mỏ hóa lỏng.

Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan, khi thực hiện thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan và quản lý thuế theo quy định tại Thông tư này được áp dụng chế độ ưu tiên theo quy định riêng của Bộ Tài chính.

 

Nguồn: moit.gov.vn