Những dấu hiệu lạc quan
Những năm gần đây, bên cạnh việc phát triển thị trường trong nước, thép Việt Nam bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường thế giới. Theo thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm thép năm 2010 đạt 820 triệu USD, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm trước, góp phần vào việc giảm nhập siêu, cân đối ngoại tệ. Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), lượng thép cán nguội xuất khẩu hiện chiếm khoảng 34,95% tổng sản lượng tiêu thụ; thép tôn mạ chiếm khoảng 18,5% tổng lượng tiêu thụ; thép ống chiếm khoảng 10,3% tổng lượng thép tiêu thụ; thép xây dựng chiếm khoảng 2,8% tổng lượng thép tiêu thụ. Nhiều DN đã ghi dấu ấn trên thị trường xuất khẩu như Công ty Thép Việt Đức, Công ty TNHH thép SeAH, Công ty Thép Sunsteel… Một số sản phẩm thép xuất khẩu chủ lực năm 2010: Sản phẩm thép ốnglà 58.626 tấn, chiếm khoảng 10,3% tổng lượng thép tiêu thụ; Sản phẩm thép tôn mạ là 136.556 tấn, chiếm khoảng 18,5% tổng lượng thép tiêu thụ; Thép cán nguội là 477.180 tấn, chiếm khoảng 34,95% tổng lượng thép tiêu thụ; Thép xây dựng là 135.706 tấn, chiếm khoảng 2,8% tổng lượng thép tiêu thụ.
Bên cạnh những thị trường truyền thống như Lào, Campuchia, Myanmar… một số DN Việt đã “chen chân” được vào những thị trường lớn như Mỹ, Canada, Úc… Sẽ là khập khiễng khi so sánh sản lượng và vị thế của thép Việt Nam vào các thị trường này bên cạnh những “đại gia” thép như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc… nhưng việc các thị trường lớn bước đầu chấp nhận thép Việt là một dấu hiệu đáng mừng. Theo ông Lê Phan Đức – Phó Tổng giám đốc Công ty CP thép Việt Đức: “Tâm lý tiêu dùng tại Mỹ vẫn dành ưu ái cho một số sản phẩm thép Việt Nam, đặc biệt là thép ống. Có những thời điểm, Việt Đức phải từ chối khéo những đơn hàng để tập trung cho 5 nhà phân phối chính của mình tại Mỹ và Canada”.
Bài toán giá và chất lượng
Bước đầu “đặt chân” được vào một số thị trường thép lớn trên thế giới nhưng nhìn chung, để thép Việt thực sự tạo được uy tín trên thị trường còn cần một quá trình lâu dài và một chiến lược bài bản. Bởi lẽ Việt Nam có một bất lợi khi ở gần “đại gia” thép giá rẻ là Trung Quốc. Cạnh đó, công nghệ của Việt Nam chưa đủ điều kiện để tạo ra các sản phẩm thực sự có sức cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường thế giới. “Cho nên, muốn thép xuất khẩu tiến xa hơn trên thị trường thế giới, điều quan trọng nhất DN thép Việt phải làm là giải bài toán giá và chất lượng thép” - ông Nghi chia sẻ.
Cũng theo ông Nghi, trước hết là sản xuất đảm bảo chất lượng. Vì ở thị trường của những nước phát triển, nhu cầu về sản phẩm là có thực nhưng nhu cầu về chất lượng cũng rất cao. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, công nghệ tiên tiến chính là yếu tố cốt lõi. Trong những năm gần đây, một số DN ngành thép đã có nhiều tiến bộ trong đầu tư nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm thông qua đầu tư thiết bị công nghệ như Công ty Thép Việt, Công ty TNHH Hòa Phát, Công ty CP Thép Việt – Ý, Công ty Thép Miền Nam, Công ty CP gang thép Thái Nguyên, Thép Pomina… đầu tư một phần hoặc đầu tư hoàn toàn công nghệ của Ý vào sản xuất.
Thứ hai, thép Việt cũng phải có giá cạnh tranh. Kinh nghiệm của các “đại gia” xuất khẩu thép cho thấy họ có lợi thế khi chủ yếu sản xuất thép từ quặng nên giá trị gia tăng tương đối lớn, khả năng điều chỉnh về giá cả khi cần thiết cũng dễ hơn. Trong khi đó, nếu DN thép Việt vẫn đi theo xu hướng nhập phôi, chỉ tập trung vào khâu cán thì giá trị gia tăng sẽ không cao, khả năng điều chỉnh về giá khi cần thiết còn khó. Do đó, DN cần quan tâm đầu tư từ thượng nguồn, từ khâu sản xuất phôi đến cán thép rồi ra thép thành phẩm thay vì chỉ đầu tư vào khâu cán như trước đây. Đối với một số sản phẩm thép đặc biệt như thép ống có đường kính nhỏ hơn 10 inch hiện có nhu cầu rất lớn tại Mỹ. Đây cũng là sản phẩm ít quốc gia trong khu vực châu Á sản xuất. Tại Việt Nam, do suất đầu tư cao, công nghệ hiện đại nên mới chỉ có một vài DN sản xuất, xuất khẩu sản phẩm này. Do đó, đầu tư công nghệ để sản xuất các sản phẩm riêng biệt cũng là giải pháp giúp DN tăng sức cạnh tranh khi xuất khẩu.
Nguồn: KTVN