Ngày 21/2/2012, tại TP.HCM, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và Dự án Hỗ trợ Thương mại Đa biên giai đoạn III (MUTRAP III) đã tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm quản lý chuỗi cung ứng đối với một số mặt hàng thiết yếu”.

 

Tại hội thảo, các diễn giả- chủ doanh nghiệp cho rằng, trong tương lai, nếu không làm tốt chuỗi cung ứng hàng hóa từ trồng tỉa, chăn nuôi đến bàn ăn của người tiêu dùng một cách chuyên nghiệp sẽ đồng nghĩa với việc tụt hậu, thậm chí phá sản.

Ông Trần Nguyên Năm, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương- nhìn nhận: trong năm 2011 hàng thực phẩm thiết yếu biến động về lượng và giá rất mạnh. Nguyên nhân do dịch bệnh, hình thức chăn nuôi, trồng tỉa, đặc biệt là khâu phân phối lưu thông thiếu tính chuyên nghiệp. Từ những nguyên nhân gây ra bất ổn của thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu, có thể thấy rằng, nếu chúng ta tạo lập được một chuỗi cung ứng hàng hóa từ khâu sản xuất chế biến đến khâu phân phối với mối liên hệ chặt chẽ giữa các khâu thực sự lớn mạnh thì nguồn cung sẽ luôn được đảm bảo, thị trường đã không gặp phải những bất ổn. Một chuỗi cung ứng mang tính cơ bản, theo ông Năm, gồm các khâu: sản xuất (giống, thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi), chế biến và phân phối (bán buôn và bán lẻ). Tuy nhiên trong thực tế, các công đoạn này chưa thực sự gắn kết với nhau, nếu có thì còn nằm ở mức manh mún.

Mặc dù hiện TP.HCM có 3 chợ đầu mối, 244 chợ truyền thống, 140 siêu thị, 25 trung tâm thương mại, hơn 500 cửa hàng tiện ích và hơn 10 000 cửa hàng tạp hóa các loại…, nhưng theo bà Lê Hồng Đào, PGĐ Sở Công Thương TP.HCM thì chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu hiện nay của TP.HCM vẫn chưa mang tính chuyên nghiệp và thiếu tính bền vững.

Bà Đào cho biết, để chuỗi cung ứng hàng thiết yếu đủ mạnh, kiểm soát được thị trường, chính quyền thành phố đã thống nhất chủ trương phát triển mô hình liên kết chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất, phân phối, tiêu thụ với các địa phương. Cụ thể, để cung ứng nông sản thực phẩm, TP.HCM đã liên kết với các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang và Tây Ninh về thịt gia súc; liên kết với Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa- Vũng Tàu về thịt gia cầm; trứng gia cầm với Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang; liên kết với Lâm Đồng, Long An, Tiền Giang để cung ứng rau củ quả. Còn về đầu tư phát triển sản xuất trong chuỗi cung ứng, UBND TP.HCM sẽ hỗ trợ thông qua chính sách kích cầu và khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp để các địa phương lập dự án sản xuất kinh doanh để cung ứng hàng hóa cho thành phố ổn định và lâu dài.

Việt Nam hiện là quốc gia có tổng đàn nái lợn đứng thứ ba thế giới với hơn 4,4 triệu con, nhưng xếp thứ 6 về lượng thịt với khoảng 2,4 triệu tấn. Mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ khoảng 23 kg thịt/năm, trong đó thịt lợn chiếm 75% nhu cầu về thịt trong khẩu phần của người dân. Về cơ cấu chăn nuôi, lĩnh vực chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm 85%, nuôi công nghiệp 15%. Từ các yếu tố trên, ngành chăn nuôi hiện đang tồn tại những vấn đề bất lợi như không truy suất được nguồn gốc, thực hiện quy trình chăn nuôi không nhất quán, chất lượng di truyền rất khác biệt giữa các cơ sở chăn nuôi, chất lượng sản phẩm chăn nuôi thấp, không kiểm soát được dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, chuỗi cung ứng thực phẩm từ chăn nuôi đến bàn ăn đối với thịt lợn là mặt yếu nhất.

Để hàng hóa lưu thông một cách ổn định và có lợi cho người sản xuất lẫn người tiêu dùng, lâu nay, khái niệm liên kết giữa công nghiệp với nông nghiệp, liên kết giữa DN với nông dân, giữa chợ đầu mối, vựa hàng hóa với các nhà bán lẻ đã được nói rất nhiều nhưng tính hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân được các DN nhìn nhận là do cách làm chưa khoa học, đối tác liên kết liên doanh đa số đều muốn quyền lợi thuộc về mình, tính cộng đồng đôi bên cùng có lợi chưa thực thi một cách quyết liệt.

Ông Văn Đức Mười, TGĐ Công ty Vissan cho biết, mối liên kết giữa công nghiệp và nông nghiệp, giữa nhà máy và nhà nông có 4 cái lợi lớn là: chủ động được nguồn nguyên liệu, không ăn đong từng bữa; có thể giảm được giá thành hoặc chí ít có tăng thì tăng nhẹ, còn hơn là đuổi theo giá thị trường đến chóng mặt mà dễ mất khách hàng tiêu thụ; giảm thiểu được khó khăn về sản xuất kinh doanh như hiện nay và kiểm soát được an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông Mười cho rằng, trong chuỗi cung ứng hàng hóa chuyên nghiệp, dù DN có mạnh về tài chính đến đâu cũng khó lòng tự mình xây dựng hoàn thiện riêng biệt một hệ thống phân phối, mà phải hợp tác, liên kết với các DN khác, đây là vấn đề sống còn không chỉ là của riêng DN mà là của quốc gia.

Saigon Co.op là nhà bán lẻ tiên phong thực hiện liên kết với các nhà sản xuất trong chuỗi cung ứng thực phẩm và đã đạt được những thành công. Nhưng để không bị tụt hậu và đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài, siêu thị này tiếp tục liên kết với các DN, hợp tác xã, nông trại theo phương thức góp vốn, đặt hàng theo yêu cầu và cam kết bao tiêu hết sản phẩm.

Bà Bùi Hạnh Thu- Phó TGĐ Saigon Co.op cho biết, đến năm 2015, hệ thống siêu thị này sẽ có 100 siêu thị Co.op mart, 120 cửa hàng Co.opFood. Để ổn định nguồn hàng, đảm bảo chất lượng, Saigon Co.op sẽ xây dựng trung tâm phân phối thực phẩm tươi sống 6.000 m2 tại KCN Sóng Thần, đầu tư dây chuyền sơ chế đóng gói rau củ qủa đạt chuẩn VietGAP, sơ chế đóng gói rau củ quả và sắm xe đông lạnh chuyên dụng để vận chuyển hàng hóa.

Ông Đỗ Văn Nam- Cục trưởng Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối- Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn- đánh giá, liên kết chuỗi trong cung ứng nông sản là con đường tất yếu mang lại cho sản xuất và tiêu thụ sự ổn định, nâng cao chất lượng và uy tín của hàng nông sản tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu. Nhưng để chuỗi cung ứng hoạt động ổn định, bền vững, cần có những giải pháp mang tính chiến lược, cần giải quyết nhiều vấn đề. Trước mắt, phải đánh giá đúng vai trò, đồng thời có giải pháp hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia.

 

 

Thế Vĩnh (Công Thương điện tử)