Hội nghị Ngành Công Thương 14 tỉnh đồng bằng Sông Hồng và Bắc Trung Bộ tổ chức ngày 18/8/2011 tại Hải Dương đã “làm nóng” chủ đề này.
Những kết quả nổi bật
Các tỉnh đồng bằng Sông Hồng vừa tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Trong đó, lĩnh vực Công Thương đạt được những kết quả tích cực.
Chủ trì Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đánh giá, ngành Công Thương khu vực đã đạt được một số kết quả nổi bật: Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 28,72% (mức trung bình cả nước 26,27%); tăng trưởng xuất khẩu bình quân 27,9% (mức trung bình cả nước 17,35%). Năm 2010, tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng đạt 366.688 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 27,3% của cả nước. Ước tính 9 tháng đầu năm 2011, con số này đã đạt 311.429 tỷ đồng, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2010.
Xuất khẩu của cả vùng chuyển biến tích cực, góp phần vào mục tiêu giảm nhập siêu cả nước và cải thiện cán cân thanh toán. Năm 2010, cả vùng xuất khẩu được 19,6 tỷ USD, tăng 35,7% so với năm 2009. Ước tính 9 tháng đầu năm 2011, bất chấp nhiều khó khăn, xuất khẩu toàn vùng đạt 16,2 tỷ USD, tăng 26,8% so với cùng kỳ nắm trước.
Cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” đã được ngành Công Thương khu vực vào cuộc tích cực với nhiều nỗ lực, sáng tạo thông qua các hoạt động rộng khắp như: thông tin tuyên truyền, hỗ trợ sản xuất và định hướng tiêu dùng, đổi mới quản lý thị trường… Qua đó góp phần mở rộng thị trường cho hàng hóa trong nước.
Liên kết để vững mạnh hơn
Sự phát triển của toàn vùng rất ấn tượng, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế cần khắc phục: giá trị gia tăng sản xuất công nghiệp thấp và công nghiệp phụ trợ chưa đáp ứng được nhu cầu; hạ tầng thương mại cũng chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất và lưu thông, xuất khẩu tăng cao nhưng nhập siêu vẫn lớn… Đây là những vấn đề riêng một tỉnh không thể giải quyết được và liên kết vùng được xem như một lựa chọn quan trọng.
Tăng cường liên kết sẽ tạo ra thị trường khu vực lớn hơn, khai thác được lợi thế và tiềm năng của từng tỉnh để bổ sung cho nhau. Sản phẩm của tỉnh này có thể làm đầu vào của tỉnh khác, qua đó hình thành nên chuỗi giá trị khu vực. Tuy được đặt ra từ lâu nhưng hiện nay, tính liên kết vẫn chưa được khởi động tích cực. Bởi vậy, không phải chủ đề chính, nhưng tại Hội nghị Ngành Công Thương 14 tỉnh đồng bằng Sông Hồng và Bắc Trung Bộ, vấn đề liên kết vùng được làm “nóng” với nhiều ý kiến khác nhau.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh: “Liên kết vùng hiệu quả sẽ thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành Công Thương khu vực trong thời gian tới”.
Ông Đào Minh Hải- Giám đốc Sở Công Thương Thái Bình- nói: “Liên kết vùng, cả trong hoạt động thương mại, giao lưu doanh nghiệp sẽ mở ra nhiều cơ hội. Tăng cường quan hệ ngành giữa địa phương với nhau tạo ra nhiều lợi ích, điều đó được kiểm chứng thực tế trong sự liên kết giữa Thái Bình và Hà Nội. Ông Trần Nhật Tân- Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh- bổ sung thêm, xây dựng mối liên kết vùng cần có sự tham gia của doanh nghiệp, cơ quan nhà nước làm quy hoạch liên vùng, không nên áp ý chí của mình mà cần nắm bắt được doanh nghiệp nghĩ gì và muốn gì.
Chia sẻ ý tưởng này, đại diện Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đề nghị, các kỳ họp ngành Công Thương khu vực cần tổ chức phiên họp cho doanh nghiệp và mỗi tỉnh đề cử một số doanh nghiệp sản xuất, thương mại tiêu biểu tham gia giao lưu tìm cơ hội kinh doanh.
Tăng cường liên kết vùng còn tạo thêm xung lực, đặc biệt là đối với phát triển thị trường nội địa và chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Ông Nguyễn Thành Dũng- Giám đốc Sở Công Thương Vĩnh Phúc- cho biết, Vĩnh Phúc làm rất thành công các chương trình đưa hàng về nông thôn, khu công nghiệp nhưng do đặc thù tỉnh không có doanh nghiệp thương mại lớn, đủ sức đảm nhận các chương trình bình ổn giá do vậy có thể liên kết để đưa doanh nghiệp tỉnh bạn vào tham gia.
Thỏa thuận phối hợp đưa hàng Việt về địa phương
Trong khuôn khổ Hội nghị Ngành Công Thương 14 tỉnh đồng bằng Sông Hồng và Bắc Trung Bộ, nhằm tăng cường triển khai thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", trên cơ sở nhu cầu phối hợp công tác giữa Sở Công Thương các tỉnh, thành và các tập đoàn, tổng công ty; doanh nghiệp ngành Công Thương đã ký thỏa thuận phối hợp đưa hàng Việt về địa phương. Theo đó, các bên hỗ trợ nhau trong việc tổ chức đưa hàng Việt về bán ở nông thôn, các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn 14 tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, giúp người tiêu dùng tiếp cận hàng Việt chất lượng đảm bảo. Thỏa thuận cũng giúp các doanh nghiệp trong ngành tìm hiểu, tăng cường hệ thống phân phối bán lẻ, nhất là các vùng sâu, vùng xa, nông thôn qua việc tổ chức các đợt bán hàng lưu động và từng bước thiết lập các điểm phân phối hàng Việt Nam tại địa phương.
Doanh Chính (Công thương điện tử)