Theo đó, việc thực hiện Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được triển khai trên quan điểm chỉ đạo khoáng sản là tài nguyên không tái tạo, thuộc tài sản quan trọng của quốc gia phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển bền vững kinh tế - xã hội trước mắt, lâu dài và đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường.
Chiến lược khoáng sản:
Xác định ưu tiên đầu tư cho điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản cả phần đất liền và biển, hải đảo để làm rõ tiềm năng tài nguyên khoáng sản. Thăm dò, khai thác khoáng sản gắn với chế biến, sử dụng hiệu quả. Cân đối giữa khai thác với trữ lượng khoáng sản; phát triển bền vững công nghiệp khai khoáng gắn với bảo vệ môi trường và đảm bảo quốc phòng – an ninh.
Mục tiêu của Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030:
- Hoàn thành công tác lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1/50.000 trên diện tích lãnh thổ; hoàn thành công tác điều tra địa chất, khoáng sản biển tỷ lệ 1/500.000; đánh giá làm rõ tiềm năng tài nguyên khoáng sản phục vụ khai thác và dự trữ quốc gia;
- Thăm dò đáp ứng nhu cầu khai thác, chế biến đến năm 2050 đối với các khoáng sản: Than, urani, titan – zircon, đất hiếm, apatit, sắt, chì – kẽm, đồng, thiếc, mangan, cromit, bauxit, cát thủy tinh và một số khoáng sản khác;
- Khai thác khoáng sản phải gắn với chế biến, tạo sản phẩm có giá trị kinh tế cao; đến năm 2020 chấm dứt các cơ sở chế biến khoáng sản manh mún, công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp;
- Chỉ xuất khẩu sản phẩm sau chế biến có giá trị cao đối với khoáng sản quy mô lớn;
- Khuyến khích hợp tác điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến một số loại khoáng sản ở nước ngoài, ưu tiên các khoáng sản ở Việt Nam có nhu cầu sử dụng.
Chính sách:
Việc thực hiện Chiến lược được xác định rõ ràng phải gắn liền với các chính sách về (1) Đầu tư (ưu tiên đầu tư nhằm đẩy nhanh công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản…);(2) Bảo vệ, sử dụng và dự trữ tài nguyên khoáng sản; (3) Chính sách khoa học và công nghệ…
Đồng thời xác định ưu tiên hợp tác quốc tế, đầu tư ra nước ngoài trong điều tra, thăm dò, khai thác than, quặng sắt, thạch cao, muối mỏ và các loại khoáng sản khác ở nước ngoài. Đẩy mạnh hợp tác với các nước phát triển để tiếp thu công nghệ tiên tiến trong điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản và trong khai thác, chế biến quặng đất hiếm, titan – zircon, liti…
Ngoài ra, Quyết định số 2427/QĐ-TTg cũng đã quy định một cách trực tiếp, cụ thể về chiến lược khoáng sản cũng như xác định những mục tiêu lâu dài, đồng bộ đối với từng loại khoáng sản ở từng địa phương, từng vùng có trữ lượng khoáng sản.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chi tiết Quyết định xem tại đây.
Vụ Pháp chế