Vừa qua, Cục Công nghiệp địa phương (CNĐP) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2011 và triển khai kế hoạch năm 2012. Tham dự Hội nghị có Q. Cục trưởng Đỗ Xuân Hạ, các Phó Cục trưởng Phan Văn Bản, Ngô Quang Trung, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của Cục Công nghiệp địa phương.Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng tới dự và chỉ đạo Hội nghị.


Năm 2011, bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, nghiêm túc thực hiện theo Chương trình hành động của Bộ Công Thương, Cục CNĐP đã cơ bản hoàn thành được các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.

Trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Cục đã hoàn thành Thông tư liên tịch giữa Bộ Công Thương và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, ban hành vào tháng 4/2011 (Thông tư liên tịch số 16 /2011/TTLT-BCT-BNV ngày 05/4/2011). Hoàn thành Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày 09/6/2004 của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, đã trình Chính phủ xem xét để ban hành. Ngoài ra, Cục đã hướng dẫn các địa phương, đơn vị đánh giá, tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 23/2005/QĐ-BCN về Đề án “Phát triển các ngành công nghiệp đến năm 2010, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn”.

 

Về nhiệm vụ phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, Cục đã thực hiện tốt là đầu mối giúp việc Lãnh đạo Bộ trong công tác phối hợp của Bộ Công Thương thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ; các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Tổ chức thành công 05 Hội nghị vùng của ngành Công Thương nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tại các địa phương; Tham gia thẩm định, đóng góp ý kiến cho 42 đề án quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành, lĩnh vực cho các tỉnh, thành phố, vùng kinh tế; Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các Sở Công Thương nắm vững tình hình sản xuất công nghiệp, để tham mưu giúp Lãnh đạo Bộ trong công tác chỉ đạo, điều hành, kịp thời giúp đỡ và tháo gỡ những khó khăn về sản xuất công nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh ở các địa phương...

Công tác khuyến công cũng cũng đạt được các kết quả khích lệ. Năm 2011 triển khai 241 đề án trên 54 tỉnh/thành phố cả nước, với nguồn kinh phí giao là 62,584 tỷ đồng, ước thực hiện được 55,661 tỷ đồng, đạt 88,94%. Hầu hết các chương trình, đề án khuyến công đã có tác động tích cực đến phát triển công nghiệp của địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân.

 

Trong công tác quản lý khu - cụm - điểm công nghiệp, Cục tổ chức kiểm tra, khảo sát tình hình triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng CCN và chấp hành các quy định quản lý CCN tại các địa phương nhằm kịp thời xử lý, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cũng như tiếp thu những ý kiến phản ánh, kiến nghị và nắm tình hình thực tế tại địa phương để thống nhất chấn chỉnh và rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, tham gia ý kiến về quy hoạch phát triển cụm công nghiệp, về xử lý các CCN đã hình thành trước Quy chế quản lý cụm công nghiệp,... của các địa phương trên cả nước...;

Cục cũng đã làm tốt nhiệm vụ là đầu mối thực hiện nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) về xây dựng nông thôn mới (NTM) của Bộ Công Thương. Xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện tiêu chí số 4 (điện nông thôn) và tiêu chí số 7 (chợ nông thôn); Hướng dẫn thực hiện tiêu chí số 4 về điện nông thôn... ; Phối hợp với tổ chức JICA (Nhật Bản) tổ chức các lớp khởi sự doanh nghiệp và quản trị doanh nghiệp cho các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa. Phối hợp, dự thảo biên bản ghi nhớ giữa Cục và Tập đoàn các Khu công nghiệp của Hàn Quốc về Hợp tác phát triển công nghiệp.

 

Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền cũng đã được củng cố và đẩy mạnh. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho mạng lưới cộng tác viên của các địa phương cung cấp thông tin về hoạt động khuyến công, phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp từ các địa phương. Đồng thời các thông tin, dữ liệu, phổ biến các cơ chế chính sách trên trang web của Cục luôn được duy trì và cập nhật thường xuyên.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn có những tồn tại như công tác theo dõi, thống kê, phân tích, đánh giá tình hình liên quan đến các lĩnh vực quản lý vẫn còn tình trạng thiếu, không đầy đủ thông tin hoặc chưa chính xác…; hoạt động khuyến công tại các địa phương, các đơn vị, mặc dù đã được quan tâm, hướng dẫn sát sao nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công còn nhiều lúng túng trong triển khai nhiệm vụ dẫn đến quá trình thực hiện còn nhiều nhiệm vụ phải xử lý, thay đổi, gây ảnh hưởng đến tiến độ, kế hoạch.

 

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đã đánh giá cao các kết quả đạt được của Cục CNĐP trong năm 2011, nhất là tổng hợp, tham mưu giúp lãnh đạo Bộ đưa ra những chủ trương, định hướng thúc đẩy công nghiệp địa phương phát triển; công tác khuyến công đã có những mô hình, đề án sản xuất thay đổi ngành nghề, cải thiện đời sống, tăng thu nhập người lao động, đạt hiệu quả cao cho các mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới. Về nhiệm vụ công tác năm 2012, Thứ trưởng nhấn mạnh, Cục CNĐP cần hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra. Đây cũng chính là những tiền đề cơ bản để Cục phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Theo đó, năm 2012, Cục cần phải tập trung nguồn lực để thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:Rà soát, cập nhật văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng cơ chế, chính sách hiệu quả cho khuyến khích phát triển công nghiệp địa phương. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng, là cơ sở pháp lý cần thiết cho các hoạt động của Cục. Nhất là cần nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện nghị định mới về công tác khuyến công ngay khi được Chính phủ thông qua. Tập trung nguồn lực để thực hiện công tác khuyến công năm 2012, với kinh phí được giao trên 80 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2011, khối lượng công việc tăng cao, cần xây dựng các giải pháp, cách thức để triển khai thực hiện đạt chất lượng, hiệu quả cao.Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, đặc biệt là các cán bộ làm công tác khuyến công. Cục CNĐP không chỉ là đơn vị đầu mối thông qua các đề án khuyến công mà cần phải thông tin, tuyên truyền về các mô hình sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập, chuyển đổi ngành nghề tới các địa phương, đặc biệt chú trọng các địa bàn di dân, khu kinh tế mới… Cần tích cực, chủ động theo dõi, phối hợp với địa phương trong phát triển công nghiệp, xây dựng quy hoạch cụm công nghiệp…; làm cầu nối giữa địa phương với các đơn vị quản lý Nhà nước để kịp thời điều chỉnh, xử lý, tháo gỡ những khó khăn đồng thời xây dựng được các cơ chế, chính sách có tác dụng thúc đẩy sản xuất kinh doanh ở các địa phương... Tích cực chủ động trong thông tin, tuyên truyền về hoạt động khuyến khích phát triển công nghiệp địa phương, hợp tác quốc tế…

 

Thay mặt cán bộ, công chức, viên chức Cục CNĐP, Q. Cục trưởng Đỗ Xuân Hạ đã cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công Thương dành cho Cục CNĐP. Đồng thời cũng hứa với Thứ trưởng, tập thể Cục CNĐP sẽ tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng cùng đoàn kết, nỗ lực để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự phát triển của ngành công nghiệp và ngành Công Thương.Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch Công đoàn Nguyễn Hồng Phong đã phát động phong trào thi đua trong toàn Cục với chủ đề: “Đoàn kết, tích cực, chủ động, sáng tạo phát huy tinh thần nội lực thi đua hoàn thành thắng lợi kế hoạch công tác năm 2012, theo chức năng, nhiệm vụ được giao” nhằm hướng tới thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, nâng cao hiệu quả công tác, tự giác chấp hành kỷ luật lao động, nội quy, quy định; thực hành tiết kiệm; đoàn kết nhất trí tập trung hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch năm 2012 đặt ra.

 

TT-ĐT (AIP)