Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các cụm công nghiệp trong phạm vi cả nước, ngày 19 tháng 8 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số số 105/2009/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp. Đây là văn bản có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành khung pháp lý thống nhất từ trung ương đến địa phương đối với công tác quy hoạch; đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp; đầu tư sản xuất kinh doanh và dịch vụ trong cụm công nghiệp và quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp.

 

Để triển khai thực hiện tốt Quy chế Quản lý Cụm công nghiệp, ngày 19/3/2010, tại Nam Định, Cục Công nghiệp địa phương đã tổ chức Hội nghị Phổ biến Quy chế quản lý cụm công nghiệp. Đại biểu tham dự Hội nghị gồm: đại diện lãnh đạo Sở Công thương; đại diện phòng chuyên môn quản lý về cụm công nghiêp của Sở Công thương; đại diện phòng công thương, đơn vị quản lý nhà nước cấp huyện về cụm công nghiệp của các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Tham dự Hội nghị còn có đại diện một số doanh nghiệp/tổ chức đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp.

 

Hội nghị đã báo cáo các nội dung cơ bản của Quy chế Quản lý Cụm công nghiệp ban hành theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19 tháng 8 năm 2009 của của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 39/2009/TT-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2009 của Bộ Công Thương quy định thực hiện một số nội dung của Quy chế quản lý Cụm công nghiệp như: Vai trò quản lý nhà nước đối với việc quy hoạch và phát triển Cụm công nghiệp; Chức năng, nhiệm vụ của của Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trong việc quản lý và phát triển cụm công nghiệp; Chính sách ưu đãi hỗ trợ phát triển Cụm công nghiệp; Quy mô diện tích của Cụm công nghiệp…

 

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Đình Hoàng Long, Cục trưởng Cục CNĐP  nhấn mạnh tầm quan trọng của Quy chế Quản lý Cụm công nghiệp trong việc phát triển công nghiệp tại các địa phương. Để Qui chế triển khai được hiệu quả, ông Nguyễn Đình Hoàng Long yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố cần khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ cần thiết như: Thực hiện ngay việc củng cố, kiện toàn tổ chức, cán bộ và phân công nhiệm vụ cụ thể cho bộ phận theo dõi quản lý cụm công nghiệp. Bởi vì đây là bộ phận có vị trí, vai trò quan trọng thực hiện chức năng nhiệm vụ của Sở về quản lý, theo dõi và phát triển Cụm công nghiệp. Các Sở Công Thương cần sớm triển khai thực hiện việc xây dựng kế hoạch hành động, ban hành cơ chế phối hợp, quy chế quản lý Cụm công nghiệp tại tỉnh để khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao tại khoản 2, Điều 19 của Quy chế; thực hiện tốt chức năng là cơ quan đầu mối tham mưu giúp UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước trên địa bàn đối với cụm công nghiệp.

 

Đồng thời, các Sở Công Thương cần hệ thông, thống kê, điều tra đánh giá lại hiện trạng hoạt động của Cụm công nghiệp; Theo dõi định kỳ, thống kê các số liệu về phát triển Cụm công nghiệp trên địa bàn. Đây là việc làm hết sức quan trọng vì có được các số liệu chính xác sẽ đánh giá được hiệu quả hoạt động của các cụm công nghiệp từ đó mới xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp cho phù hợp.
 

Quang Lâm, Cục CNĐP