Các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao vai trò, vị trí cũng như những tác động tích cực từ việc hình thành các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trong thời gian qua. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước đã góp phần định hướng nền kinh tế, tạo cơ sở vững chắc để Việt Nam bước trên con đường hội nhập.
Chỉ tính riêng trong năm 2008, khối doanh nghiệp nhà nước mà nòng cốt là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, đã đóng góp gần 40% giá trị GDP, tạo ra 39,5% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 50% kim ngạch xuất khẩu và 28,8% tổng thu nội địa (không kể thu từ dầu thô và thuế xuất nhập khẩu)
Các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cũng đi đầu trong thực hiện các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về giải quyết công ăn việc làm, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, đền ơn, đáp nghĩa và thực hiện nhiệm vụ xã hội. Phạm vi hoạt động của hầu hết các tập đoàn, tổng công ty được mở rộng đến các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có hạ tầng cơ sở còn yếu kém để thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội.
Nhưng các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước còn lãng phí lớn về lợi thế. Đó là lo ngại của các đại biểu Quốc hội về sự phát triển quá nhanh của các tập đoàn, tổng công ty cùng với đó là những hạn chế trong việc khai thác, tận dụng những lợi thế mà không phải doanh nghiệp nào cũng có được. Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cho rằng, trong 5 năm trở lại đây, sự hình thành và phát triển của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước quá nhanh đã vượt quá tầm quản lý của Nhà nước, vượt quá cơ sở pháp luật mà chúng ta đã xây dựng và cũng vượt quá chính khả năng điều hành của các đơn vị này. Điều này đe dọa đến sự ổn định của các doanh nghiệp và dẫn đến nhiều hệ lụy. "…nhiều người nói những tập đoàn, tổng công ty Nhà nước như là “người khổng lồ” hay những “cỗ máy khổng lồ” mà sau khi chế tạo người ta đã không thể kiểm soát được” đại biểu Xuân ví von.
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) phân tích: Các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, dù được sự quan tâm của Nhà nước, nhưng vẫn chưa phát huy được hết những lợi thế lớn của mình. Trong đó có 4 lợi thế quan trọng, trước hết là về vốn. Theo báo cáo giám sát của Quốc hội, tính đến hết năm 2008, 90 Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước đã nắm giữ đến 1.241.000 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng vốn của các doanh nghiệp toàn xã hội.
Thứ hai là lợi thế về đất đai, các doanh nghiệp Nhà nước nói chung và tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nói riêng được giao đến 3,6 tỉ m2 đất và mặt nước và nhiều nơi được giao cả đất “bờ xôi ruộng mật” Đây là yếu tố đầu vào hết sức thuận lợi mà các doanh nghiệp khác không hoặc khó có được.
Thứ ba là lợi thế cạnh tranh. Do có sự ưu đãi nhất định nên môi trường cạnh tranh của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thuận lợi, trong một số trường hợp gần như là độc quyền.
Lợi thế thứ tư là niềm tin xã hội. Đây là một lợi thế lớn mà trong Báo cáo của Chính phủ chưa đề cập mà cũng chưa có nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội phân tích. Bởi trong một thời gian rất dài, xã hội đã quen với việc sử dụng hàng hóa của các doanh nghiệp Nhà nước sản xuất và đã trở thành thói quen, niềm tin đặt vào các mặt hàng này.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã không tận dụng được những lợi thế này, thậm chí còn lãng phí. “Nếu lãng phí về đất đai, vốn thì đã là không tốt, nhưng lãng phí niềm tin của xã hội thì là vấn đề cần được xem xét một cách nghiêm túc” đại biểu Đỗ Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Hiệu quả sử dụng vốn và tài sản Nhà nước còn thấp
Nhiều đại biểu bày tỏ quan ngại về hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh, hiệu quả công tác quản, sử dụng vốn nhà nước của một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Theo Báo cáo giám sát của Quốc hội, lợi nhuận sau thuế của 8 tập đoàn kinh tế đến 31/12/2008 là 44 nghìn 153 tỷ đồng, chiếm 63,7% tổng lợi nhuận sau thuế của các tập đoàn, tổng công ty. Và lợi nhuận sau thuế của 18 tập đoàn, tổng công ty đặc biệt là 51 nghìn 317 tỷ đồng, chiếm 74% tổng lợi nhuận sau thuế của các tập đoàn, tổng công ty. Song, cũng có đến 25,2% số đơn vị báo cáo có mức lợi nhuận âm hoặc dưới 5% và 47,2% số đơn vị báo cáo có mức lợi nhuận dưới 10%. Qua đó cho thấy một tỷ lệ không nhỏ (45,05%) các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động hiệu quả thấp (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu dưới 10%), làm ảnh hưởng đến hiệu quả chung của khu vực kinh tế nhà nước.
Phân tích sâu hơn về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Đình Xuân nói, không có một đơn vị kinh tế nào khi vay vốn lại dễ dàng như các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước vì đằng sau đó là ngân sách Nhà nước bảo trợ. Thậm chí Nhà nước đi vay và cho các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước vay lại hàng tỷ đô la. Thế nhưng, khi lợi nhuận đạt được của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước ở mức trên dưới 15% chúng ta đã cho là cao.
“Tôi nghĩ là không cao vì trước hết, tỉ lệ lãi đó chỉ tương đương với lãi suất ngân hàng hoặc tỉ lệ trượt giá hàng năm mà thôi. Chỉ cần đem tiền gửi ngân hàng cũng có được tỉ lệ lãi đó. Nếu phân tích sâu hơn sẽ thấy, chỉ có 35/91 đơn vị, chiếm 38,4% số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có tỉ suất lợi nhuận cao trên 15%. Ngay ở mức 15% chúng ta cũng cần lưu ý rằng, vốn của họ chỉ là 1, vốn vay khác gấp khoảng 10 lần” đại biểu Xuân phân tích.
Cùng quan điểm này, đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP.Hải Phòng) nói: “Nếu so sánh giữa các loại hình doanh nghiệp, thì hiệu quả sử dụng vốn và tài sản Nhà nước của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước còn rất thấp. Chưa tương xứng với quy mô, nguồn lực tài chính và các chính sách ưu đãi của Nhà nước, chưa khẳng định vững chắc vị trí, vai trò trong nền kinh tế”
Đầu tư ngoài ngành không hiệu quả
Về việc các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thực hiện đầu tư ngoài ngành, nhiều đại biểu cho rằng, việc đầu tư này là cần thiết và ít nhiều làm tăng tỉ lệ bổ sung vốn cho các đơn vị. Tuy nhiên, rất nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã “thất bại” trên “chiến trường” này mà hệ lụy là thất thoát, thậm chí làm mất vốn Nhà nước.
Theo Báo cáo giám sát của Quốc hội, có tất cả 47 tập đoàn, tổng công ty tham gia đầu tư vào lĩnh tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, góp vốn quỹ đầu tư) với tổng số vốn đầu tư vào cuối năm 2006 là 6 nghìn 434 tỷ đồng; cuối năm 2007 là 16 nghìn 190 tỷ đồng và vào cuối năm 2008 là 21 nghìn 164 tỷ đồng.
Trong đó, tính đến cuối năm 2008, có 34 tập đoàn, tổng công ty đầu tư vào tổ chức tín dụng với tổng số vốn đầu tư là 14 nghìn 263 tỷ đồng; 18 tập đoàn, tổng Công ty đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm với tổng số vốn là 3 nghìn 098 tỷ đồng; 34 Tập đoàn, tổng công ty đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán với tổng số vốn là 2 nghìn 039 tỷ đồng và 17 Tập đoàn, tổng tông ty góp vốn vào quỹ đầu tư với tổng số vốn là 1 nghìn 762 tỷ đồng.
Thế nhưng hiệu suất đầu tư (lợi nhuận trên vốn đầu tư) tính gộp chung của 47 tập đoàn, tổng công ty vào lĩnh vực tài chính năm 2006 chỉ là 7,41%; năm 2007 là 9,24% và năm 2008 là 4,78%, thấp hơn so với đầu tư vào ngành kinh doanh chính của các đơn vị này.
Đặc biệt năm 2008, khi thị trường chứng khoán Việt Nam suy giảm mạnh, các quỹ đầu tư đều có giá trị tài sản ròng giảm phổ biến từ 40 đến 60%, các loại chứng khoán và các khoản đầu tư góp vốn trong danh mục đầu tư của một số đơn vị bị ảnh hưởng, phải thực hiện đánh giá lại và trích lập dự phòng rủi ro. Hầu hết các tập đoàn, tổng công ty bị lỗ hoặc không phát sinh lợi nhuận trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán và góp vốn vào quỹ đầu tư.
Xung quanh vấn đề này, đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) phát biểu, năm 2007, trừ đi yếu tố trượt giá và lạm phát thì hiệu qủa hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đạt khoảng 3% lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu. Năm 2008 chỉ đạt âm (-) 11%. Tỉ lệ nợ vay rất cao, có đơn vị lên đến 21 lần so với vốn chủ sở hữu và tỉ lệ nợ quá hạn cũng rất cao, có đơn vị lên đến 60%. Trong khi đó, phần bổ sung vốn, mặc dù có cao song lại chủ yếu từ nguồn đầu tư không bền vững như đầu tư bất động sản, chứng khoán…
“Chúng ta có nên tự hào hay phải xem xét lại cơ cấu vốn của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước”. Các tập đoàn, tổng Công ty Nhà nước đã đầu tư chiếm 1/3 tổng đầu tư toàn xã hội. Trong khi, họ đang được coi là “bánh lái” của nền kinh tế. Với định hướng đầu tư như vừa qua đã dẫn đến tình trạng đầu tư xã hội mất cân đối, lệch lạc” đại biểu Loan phân vân.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) nói, nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thực hiện đầu tư ngoài ngành, đầu tư không hiệu quả dẫn đến thua lỗ, mất vốn. Nhưng theo quy luật, đồng vốn không mất đi mà nó chuyển từ đơn vị này sang đơn vị khác.
Đại biểu Xuân đặt câu hỏi làm day dứt nhiều người: “Chúng ta cần làm rõ số vốn mất đi này của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã đi đâu? Tôi e rằng, có một số Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước giải thích rằng, họ đã đầu tư vào những lĩnh vực đó là để đảm bảo kinh tế, chính trị, xã hội… nên không đề cao hiệu quả kinh doanh là không thỏa đáng. Cần phải làm rõ xem, số tiền mất đi đó có “chạy” vào túi các nhà đầu tư nước ngoài, những công ty đối tác” công ty “sân trước, sân sau” công ty “con, cháu” hay không? Xem họ có được hưởng lợi từ phần vốn “lỗ” của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước hay không?”
Kiên quyết xóa bỏ những tập đoàn, tổng công ty Nhà nước làm thất thoát nguồn vốn của Nhà nước
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của tập đoàn, tổng công ty, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra các kiến nghị, cụ thể: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo hướng xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về vốn và tài sản tại tập đoàn, tổng công ty trên cơ sở hoàn thiện cơ chế phân cấp thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước theo nguyên tắc phải có một đầu mối chịu trách nhiệm chính theo dõi việc sử dụng vốn, tài sản nhà nước và phân tích, đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, kể cả các tập đoàn, tổng công ty đặc biệt.
Bên cạnh đó, là các kiến nghị cần thực hiện triệt để hơn tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng thực hiện các quyền chủ sở hữu; tách biệt thực hiện quyền chủ sở hữu đối với quyền chủ động kinh doanh của doanh nghiệp; Tổ chức rà soát đánh giá hoạt động của tập đoàn, tổng công ty để có biện pháp chấn chỉnh, củng cố các tập đoàn, tổng công ty gặp khó khăn hoặc hoạt động kém hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ sắp xếp đổi mới doanh nghiệp; Xây dựng hệ thống kiểm tra, giám sát đủ năng lực và điều kiện về quản lý vốn, tài sản tại các tập đoàn, tổng công ty song song với việc tăng tính trách nhiệm của cơ quan quản lý; Quy định rõ trách nhiệm của Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc về hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và cuối cùng Ủy Ban thường vụ Quốc hội kiến nghị cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức và mô hình hoạt động của tập đoàn kinh tế, xây dựng thị trường kinh doanh lành mạnh theo nguyên tắc trước mắt giảm tối đa tính độc quyền của tập đoàn, tổng công ty.
Tuy nhiên, theo các đại biểu Quốc hội, những kiến nghị trên là cần thiết nhưng chưa đủ để đảm bảo hoạt động sản xuất – kinh doanh cũng như công tác quản lý, sử dụng vốn tại các tập đoàn, tổng công ty có hiệu quả.
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đề xuất thêm: “Cần quan tâm hơn nữa đến công tác xây dựng đội ngũ lao động, đặc biệt là cán bộ chuyên môn, kỹ thuật, cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp Nhà nước, nhất là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Phải coi đây là một phần quan trọng trong việc xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6. Thứ hai, cần có quy định rõ hơn về cơ chế công khai hóa hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội và cử tri giám sát chặt chẽ hơn hoạt động của các đơn vị này”
Đóng góp thêm về vấn đề này, đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP. Hải Phòng) kiến nghị: “Cần kiên quyết xóa bỏ những tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có khó khăn về tài chính trong nhiều năm mà không khắc phục được, đặc biệt là các đơn vị kinh doanh, sản xuất yếu kém, làm thất thoát nguồn vốn lớn của Nhà nước”
Cũng với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) kiên quyết: “Nhiều đơn vị “đã chết hoặc xem như là đã chết” nhưng chưa làm thủ tục phá sản, giải thể như Luật Phá sản hiện hành. Nếu cứ để tình trạng này càng lâu, tài sản của Nhà nước càng thất thoát lớn, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, của các công ty đối tác… trong khi trách nhiệm của những người gây ra sự thua lỗ này cứ ngày một mờ nhạt, và nhiều người đã về hưu “hạ cánh an toàn””
Ông Xuân nói thêm: “Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và những nhà lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước chịu trách nhiệm gì về tình trạng hoạt động kém hiệu quả của nhiều Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước hiện nay. Nếu là vốn của cá nhân họ thì họ có đầu tư theo kiểu này hay không?”.
Nguồn: Báo CT