Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước và gắn với nhu cầu xã hội đang là một đòi hỏi đặt ra cho các trường, đặc biệt là các trường thuộc Bộ Công Thương.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

Trên diễn đàn của Quốc hội, nhiều ý kiến cho rằng công tác đào tạo chưa xứng tầm với việc nâng cấp các trường nói chung trên cả nước trong thời gian gần đây. Bộ Công Thương cũng có nhiều trường được nâng cấp, xin Thứ trưởng cho biết quan điểm về việc này?
- Bộ Công Thương hiện có 50 trường, trong đó có 1 trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, 5 trường đại học, 31 trường cao đẳng, 10 trường cao đẳng nghề, 2 trường trung cấp chuyên nghiệp và 1 trường trung cấp nghề. Trong đó, Bộ trực tiếp quản lý 32 trường; các tập đoàn, tổng công ty đang quản lý 18 trường.

Trong 10 năm qua, có một số trường trung cấp chuyên nghiệp được nâng lên cao đẳng, trường cao đẳng được nâng cấp lên đại học và một số trường trung cấp nghề được nâng cấp lên cao đẳng nghề. Việc nâng cấp các trường đã tạo điều kiện cho công tác tuyển sinh, trong đó có tuyển sinh đào tạo nghề thuận lợi hơn và công tác đào tạo của các trường đã đạt được những kết quả ngày càng tốt hơn.

Để có thể nâng cấp một trường trung cấp lên cao đẳng hoặc trường cao đẳng lên đại học cần rất nhiều điều kiện được Nhà nước quy định chặt chẽ, trong đó điều kiện về đội ngũ giảng viên là vô cùng quan trọng. Trên cơ sở qui hoạch mạng lưới các trường thuộc Bộ Công Thương, các trường đã tích cực, chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để có thể đảm bảo chất lượng đào tạo khi được nâng cấp, đồng thời các trường không ngừng thực hiện các giải pháp phát triển mạnh đội ngũ giảng viên về số lượng, chất lượng và các điều kiện khác nên các yếu tố đảm bảo chất lượng đào tạo ngày càng tốt hơn.

Việc đánh giá kết quả công tác đào tạo nhân lực của Bộ Công Thương không chỉ căn cứ vào báo cáo của các trường mà chủ yếu qua công tác thanh tra, kiểm tra, sự đánh giá của nhiều doanh nghiệp có sử dụng lao động qua đào tạo tại các trường và thông qua số lượng thí sinh đăng ký vào nhiều trường của Bộ Công Thương ngày càng lớn. Điều đó có thể nói chất lượng đào tạo phù hợp với việc nâng cấp các trường.

Đào tạo nhân lực gắn với nhu cầu xã hội đang là đòi hỏi cấp thiết đối với các trường. Xin Thứ trưởng cho biết những giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và gắn bó chặt chẽ công tác đào tạo với nhu cầu xã hội của Bộ Công Thương?

- Tại các hội nghị tổng kết công tác đào tạo và tập huấn về công tác đào tạo, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các trường tiếp tục tăng cường gắn kết giữa nhà trường với các doanh nghiệp trong lĩnh vực đào tạo và thực tập cho học sinh, sinh viên. Đồng thời các trường phải thực hiện công khai chuẩn chất lượng tốt nghiệp của học sinh, sinh viên để từng bước đạt chuẩn chất lượng, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Bộ đã thành lập Ban Chỉ đạo của Bộ về đào tạo theo nhu cầu xã hội giai đoạn 2009 - 2015 do 1 đồng chí Thứ trưởng làm trưởng ban.

Căn cứ ý kiến chỉ đạo và kế hoạch hành động của Ban Chỉ đạo Quốc gia về đào tạo theo nhu cầu xã hội, trong thời gian tới Bộ Công Thương tiếp tục triển khai cụ thể các hoạt động đào tạo. Trong đó, tập trung chỉ đạo các trường thực hiện tốt công tác tuyển sinh, chú trọng phát triển đào tạo nghề. Việc phát triển quy mô, mở rộng ngành nghề đào tạo phải gắn liền với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo phù hợp hơn với nhu cầu xã hội. Tích cực thực hiện tự kiểm định chất lượng trong đào tạo theo quy định và hướng dẫn của Bộ Giáo dục Đào tạo và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Nhiều trường đã đề xuất đào tạo một số ngành nghề mới mà xã hội đang có yêu cầu.

Các trường cũng cần năng động hơn trong công tác liên kết với doanh nghiệp trong công tác đào tạo. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đã mời trường đến đào tạo tại chỗ. Ví như trường Đại học Công nghiệp Hà Nội liên kết với Tập đoàn Hồng Hải để đào tạo nguồn nhân lực cao. Đây là một việc làm rất thiết thực, có ý nghĩa, giúp cả hai bên chủ động được công tác đào tạo, đào tạo được đúng người, đúng việc và có hiệu quả.

Trong thời gian tới, để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa, sẽ có rất nhiều lĩnh vực mới cần đến nguồn nhân lực chất lượng cao như điện hạt nhân…, Bộ Công Thương thực hiện chiến lược đào tạo, nhất là với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thế nào, thưa Thứ trưởng?

- Mục tiêu cơ bản nhất của chiến lược đào tạo nhân lực của Bộ Công Thương là nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.

Để đào tạo nhân lực chất lượng cao, trước hết các trường cần đẩy mạnh công tác xây dựng đội ngũ giảng viên, nâng dần tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sỹ, có chức danh phó giáo sư, giáo sư. Đồng thời, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật của các trường.

Hoàn thiện và từng bước triển khai Đề án Quy hoạch sắp xếp mạng lưới các trường, xác định trường trọng điểm của các ngành kinh tế kỹ thuật để có kế hoạch ưu tiên đầu tư. Chỉ đạo một số trường đại học thuộc Bộ lựa chọn từ 1 đến 2 khoa của mỗi trường xây dựng đề án phát triển thành các khoa đào tạo đạt trình độ khu vực đến năm 2015...

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Diễn đàn các trường

Tiến sĩ Hoàng Văn Điện - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Liên kết với các doanh nghiệp để thực hiện đào tạo theo nhu cầu.

Đây là một trong những thế mạnh trong công tác đào tạo của trường những năm gần đây, thông qua hai kênh cơ bản là hợp tác quốc tế và liên kết với các cơ sở sản xuất. Cụ thể, trường đang thực hiện chương trình hợp tác với các trường đại học của Australia đào tạo trình độ Cao đẳng cho gần 3000 sinh viên, đã tốt nghiệp ra trường 1500 sinh viên. Hợp tác với tập đoàn giáo dục Aptech Ấn Độ đào tạo lập trình viên quốc tế ho hơn 200 học viên, hợp tác với công ty Toyota đào tạo kỹ thuật viên sửa chữa ô tô… Nhà trường cũng tiếp nhận tài trợ của tập đoàn BSE về trang thiết bị trị giá trên 50.000USD, tháng 12/2007 tập đoàn Hồng Hải (Đài Loan) tài trợ 5 triệu USD trang thiết bị cho trường phục vụ công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, công tác liên kết với các cơ sở sản xuất cũng được trường quan tâm với từng việc làm cụ thể: hàng năm, trường đưa học sinh đi thực tập tại các cơ sở sản xuất để tiếp cận với môi trường làm việc thực tế, rèn luyện tác phong công nghiệp, kỹ năng nghề nghiệp. Tổ chức kết hợp đào tạo với sản xuất ngay tại xưởng trường, ký các hợp đồng gia công chế tạo sản phẩm phù hợp với nội dung đào tạo của trình độ học sinh, sinh viên.

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Lành - Hiệu trưởng trường Cao đẳng công nghiệp xây lắp điện: Gắn đào tạo với sản xuất cần phải có cơ chế
Những năm qua, trường đã thực hiện liên kết đào tạo theo địa chỉ cho nhiều trung tâm như Quảng Nam, Thái Nguyên, Hà Nội, Nghệ An… Liên kết với điện lực các tỉnh phía Bắc và các doanh nghiệp xây lắp điện thực hiện gắn đào tạo với thực tập tay nghề sản xuất cho học sinh và tạo việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, qua thực tế đào tạo, trường đã rút ra một số kinh nghiệm sau: Thứ nhất, đã là trường kỹ thuật, cần phải có địa điểm cho học sinh thực tập, sản xuất, thời gian thực tập phải chiếm 35-45% cơ cấu thời gian đào tạo bậc trung học chuyên nghiệp. Thứ hai, nhà trường phải có một trung tâm thực nghiệm và chuyển giao công nghệ hoặc một công ty cạnh trường để tổ chức nhiệm vụ trên như một đơn vị sản xuất có hoạch toán (phụ thuộc trường) và làm dịch vụ giới thiệu việc làm. Thứ ba, việc gắn đào tạo với sản xuất muốn làm được phải có cơ chế. Cụ thể, doanh nghiệp tạo điều kiện cho Nhà trường một số công trình vừa và nhỏ phù hợp với năng lực tổ chức thi công của Nhà trường, ngược lại Nhà trường phải có chính sách thu hút người học từ doanh nghiệp trên tinh thần lợi ích của cả hai bên.

Ông Nguyễn Văn Hoàn - Hiệu trưởng trường Cao đẳng công nghiệp Dệt may thời trang Hà Nội: Hiệu quả lớn từ mô hình công ty trong trường

Luôn xác định đào tạo phải gắn liền với sản xuất kinh doanh nên Trường đã tham gia sáng lập 2 công ty cổ phần trong trường. Hai công ty cổ phần này hiện có 600 công nhân làm việc liên tục và mang sứ mệnh quan trọng: Thứ nhất, tiến hành sản xuất kinh doanh đảm bảo có lãi để hỗ trợ một phần kinh tế cho đào tạo. Thứ hai, phục vụ cho sinh viên của trường ra thực tập cuối khóa. Đây là một việc làm rất thiết thực, minh họa bằng những con số: năm 2008, kim ngạch xuất khẩu của hai công ty trên đạt trên 300 tỷ đồng, mỗi năm có tới 2000 sinh viên tham gia thực tập cuối khóa tại tất cả các bộ phận của công ty như: điều hành sản xuất, xuất nhập khẩu, kế toán, phòng kỹ thuật, dây chuyền sản xuất… Nhờ đó, sinh viên nắm bắt được các khâu thực tiễn sản xuất, đảm bảo sau khi ra trường có thể nhanh chóng hòa nhập với thực tiễn sản xuất tại các doanh nghiệp.

Bà Trương Thị Thanh Hà - Tổng giám đốc công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông Xuân: Kỹ sư cũng phải đứng xưởng để cập nhật kiến thức

Một thực tế chính tại doanh nghiệp chúng tôi là nhiều kỹ sư ra trường còn chưa được cập nhật kiến thức thực tế và chưa thông thạo vận hành máy móc. Chính vì thế, chúng tôi thường bố trí kỹ sư mới ra trường cũng phải xuống xưởng đứng máy cùng công nhân để tìm hiểu thực tế sản xuất và cập nhật những kiến thức về trang thiết bị mới (nhiều doanh nghiệp có hệ thống trang thiết bị mới mà các trường chưa kịp cập nhật để đào tạo). Trong thời gian tới, một việc làm cần thiết là các trường và doanh nghiệp phải kết hợp với nhau để xây dựng bộ giáo án chung, để các doanh nghiệp có thể tự đào tạo cho các lao động phổ thông ngay tại chỗ. Các trường cũng mạnh dạn hơn nữa trong công tác ký hợp đồng với các cơ sở đào tạo và luôn cập nhật hệ thống giáo án để đào tạo cho phù hợp.

Nguyễn Duyên. Báo CT (thực hiện)