Những khó khăn, thách thức
Hiện nay, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề mới đạt 18,7%, còn rất thấp so với bình quân chung của cả nước là 25%; Thực tế, lao động nông thôn qua đào tạo nghề có sự chênh lệch lớn giữa các vùng kinh tế (vùng Đồng bằng Sông Hồng 19,4%, đồng bằng Sông Cửu Long 17,9%; trong khi đó vùng Tây Bắc chỉ có 8,3%). Nguyên nhân là công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong một thời gian dài chưa được coi trọng đúng mức. Nhiều Bộ, ngành, địa phương, cán bộ, đảng viên… nhận thức chưa đầy đủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, coi đào tạo nghề chỉ là cứu cánh có tính thời điểm, không phải là vấn đề quan tâm thường xuyên, liên tục và có hệ thống. Mạng lưới dạy nghề tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị. Tại khu vực miền núi, nông thôn, vùng sâu, vùng xa số lượng cơ sở dạy nghề rất ít, quy mô dạy nghề nhỏ chưa đáp ứng được nhu cầu học nghề của lao động nông thôn. Nhiều cơ sở dạy nghề có diện tích đất đai, quy mô nhà xưởng chưa phù hợp với quy mô đào tạo, thiếu xưởng thực hành, ký túc xá, trang thiết bị dạy nghề lại thiếu về chủng loại, số lượng và lạc hậu về công nghệ. Theo báo cáo của Tổng cục Dạy nghề, đến nay chúng ta vẫn còn 253 huyện trên cả nước chưa có trung tâm dạy nghề, khoảng 31% phòng học và 20,7% số nhà xưởng thực hành của các cơ sở dạy nghề là nhà cấp 4, nhà tạm. Số lượng nhà này chủ yếu tập trung ở các cơ sở đào tạo do địa phương quản lý, các tỉnh khó khăn, huyện nghèo.
Bên cạnh đó, cơ cấu trình độ, cơ cấu nghề đào tạo chưa phù hợp, chưa bổ sung kịp thời các nghề mới theo yêu cầu của thị trường lao động. Số lượng chương trình khung và chương trình dạy nghề đã lạc hậu. Nhìn chung, các cơ sở dạy nghề chưa chú trọng đầu tư xây dựng chương trình, giáo trình bằng các nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia được Nhà nước cung cấp hàng năm, mà chủ yếu dùng số tiền này mua sắm trang thiết bị và đồ dùng thực hành, thực tập và giảng dạy lý thuyết. Đội ngũ giáo viên dạy nghề cũng là một vấn đề lớn, thiếu về số lượng, cơ cấu ngành nghề đào tạo lại chưa phù hợp và hạn chế về chất lượng. Phương pháp dạy nghề chủ yếu là dạy chay, học chay. Cán bộ quản lý dạy nghề ở một số cơ sở dạy nghề chưa đạt chuẩn về trình độ chuyên môn và thiếu kinh nghiệm quản lý (nhất là giám độc trung tâm dạy nghề huyện). Nhiều giám đốc trung tâm dạy nghề huyện là cán bộ kiêm nghiệm, năng lực và trình độ không phù hợp. Ở cấp huyện không có cán bộ chuyên trách về dạy nghề.
Hậu đào tạo nghề: quan trọng nhất là giải quyết việc làm
Theo Bộ NN&PTNT, hiện nước ta có trên 2000 làng nghề với trên 11 triệu lao động tham gia sản xuất và có nguồn thu nhập chính từ nghề thủ công (chiếm gần 30 phần trăm tổng số lao động tại các làng nghề). Một số làng nghề thu hút tới 60 phần trăm tổng số lao động địa phương vào các hoạt động phi nông nghiệp. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất hiện nay là chất lượng nguồn nhân lực tại các làng nghề còn rất yếu. Vì vậy, các làng nghề có nhu cầu đào tạo nghề hàng năm khoảng 350.000 – 400.000 người; lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác có nhu cầu học nghề khoảng 50.000 người.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng, đào tạo một thợ thủ công giỏi phải mất nhiều thời gian; thậm chí có những nghề, một thầy đào tạo một trò phải mất cả chục năm mới có trò giỏi. Cũng theo ông Hùng, đào tạo nghệ nhân yêu cầu công phu và tốn thời gian nhiều hơn cả đào tạo giáo sư. Bởi lẽ, để thành nghệ nhân không chỉ là học kiến thức mà còn phải có năng khiếu. Trong khi đó, thời gian qua, tình trạng người dân mất nhiều thời gian, công sức để theo học nhưng không được làm nghề khá phổ biến. Có huyện miền núi được ưu tiên phát triển nghề mây tre giang đan với hàng trăm triệu đồng dành cho việc đào tạo nghề, mua máy móc, thiết bị, nhà xưởng, tư vấn thiết kế và thành lập doanh nghiệp. Bà con học nghề xong rồi mới vỡ lẽ là nguyên liệu tại chỗ không đủ cung cấp. Nếu phải mua nguyên liệu từ xa về thì giá thành sản phẩm cao, không hấp dẫn khách hàng. Thậm chí, gặp hợp đồng lớn là không xoay xở kịp nguồn nguyên liệu. Hầu hết các cơ sở ở miền xuôi khó khăn về mặt bằng sản xuất, khu vực miền núi thì không thuận lợi giao thông, thời gian đào tạo ngắn (3-6 tháng) nên tay nghề người lao động chưa cao, không đáp ứng yêu cầu hàng xuất khẩu. Cũng có DN lại khó ở khâu tìm thị trường tiêu thụ đành xuất khẩu qua trung gian nên lợi nhuận chẳng còn được bao nhiêu. Kết quả là tiền công NLĐ thấp nên nhiều người bỏ nghề.
Những giải pháp hiện nay
Thời gian qua, nhiều địa phương đã có những bước cải tiến, đổi mới trong việc đào tạo nghề. Tỉnh Hưng Yên đã triển khai dạy nghề miễn phí cho lao động nông thôn dưới nhiều hình thức: dạy nghề ngắn hạn, nghề truyền thống, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ... Nội dung đào tạo gồm: điện dân dụng, hàn, cơ khí, điện tử, may công nghiệp, sửa chữa ôtô, xe máy, chăn nuôi thuỷ sản, mây tre, thêu xuất khẩu, may... Nhờ đó, người nông dân có cơ hội lựa chọn các ngành học phù hợp với trình độ văn hoá và nguyện vọng để tìm việc làm mới hoặc nâng cao trình độ kỹ thuật trong sản xuất đem lại thu nhập ổn định. Nhiều tỉnh miền núi rất nhiều khó khăn như Sơn La, Điện Biên cũng đã mở khá nhiều lớp đào tạo các nghề mây giang đan, đan cót từ tre, đan chổi chít, dệt thổ cẩm, nghề rèn, đúc, sửa chữa cơ khí, sản xuất nông cụ cầm tay và các nghề thủ công mỹ nghệ… đồng thời tìm việc làm phù hợp và hướng bao tiêu sản phẩm cho nông dân nên bà con rất sự tin tưởng khi tham gia học nghề, tạo tiền đề phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp trong những năm tiếp theo. Nhiều tỉnh như Đồng Nai, Bắc Ninh, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… cũng rất chú trọng đào tạo nghề gắn với cơ sở sản xuất nên đạt hiệu quả khá cao trong việc sử dụng lao động, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho các học viên sau đào tạo. Tuy nhiên, vẫn còn không ít nơi đào tạo theo phong trào dẫn đến tình trạng các lớp đào tạo nghề, chuyển giao công nghệ chưa có điều kiện áp dụng được vào thực tế. Các Trung tâm dạy nghề hầu hết chỉ dạy các nghề phổ thông: cắt may, điện gia dụng, sửa chữa máy nổ, tin học, ngoại ngữ, lái xe mô tô… ngành nghề đào tạo còn đơn điệu, số lượng đào tạo hạn chế do mục tiêu đào tạo chưa gắn với thị trường lao động, gắn với nhu cầu xã hội nên hiệu quả không cao. Các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng là sau khi học nghề, người lao động có thể tự tìm việc làm để cải thiện đời sống, nông dân vùng đô thị hóa có thể chuyển đổi nghề nghiệp, lao động nông thôn có thêm việc làm trong lúc nông nhàn. Để làm được điều này, các cơ sở dạy nghề cần liên kết, nắm bắt nhu cầu của các doanh nghiệp để lựa chọn ngành nghề đào tạo phù hợp.
Hiện Bộ LĐ-TB&XH đang huy động các cơ sở dạy nghề, các trường cao đẳng, đại học có đào tạo nghề chuyển xu hướng đào tạo nhắm đến đáp ứng nhu cầu của sản xuất, kinh doanh, trong đó, các tài liệu và chương trình đảm bảo phù hợp với các cơ sở sản xuất. “Sẽ không có một mô hình đào tạo chung mà tuỳ theo yêu cầu thực tế sẽ đào tạo đáp ứng. Việc đào tạo sẽ rất đa dạng, linh hoạt để gắn kết người học với việc làm”
Xã hội hóa công tác đào tạo: giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo nghề
Một trong những nhiệm vụ chủ yếu của hoạt động khuyến công từ nay đến 2012 là tập trung đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề. Tuy nhiên, thực tế đáng lo ngại nhất trong công tác đào tạo nghề hiện nay là đội ngũ giáo viên dạy nghề thiếu hụt cả số lượng và chất lượng. Ở các làng nghề, việc đào tạo nghề chủ yếu dựa vào các nghệ nhân truyền nghề theo kinh nghiệm mà không có giáo trình bài bản hay phương pháp sư phạm tốt nên chất lượng dạy nghề còn hạn chế. Còn giáo viên trường nghề có nghiệp vụ sư phạm nhưng lại thiếu các ngón nghề gia truyền, kỹ năng kỹ xảo thực hành. Đó là chưa kể với định mức thù lao cho thầy dạy còn thấp nên việc thuê tìm thầy dạy là rất khó. Vì vậy, một trong những việc cần làm ngay là phải tích cực chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy nghề, bởi vì không thể có đội ngũ thợ giỏi khi không có thầy giỏi. Đồng thời, nhanh chóng có chính sách khuyến khích các nghệ nhân tích cực tham gia công tác truyền nghề. Hiện nay, các trung tâm khuyến công ở các địa phương rất tích cực phối hợp với các đơn vị đào tạo cải tiến đa dạng hoá hình thức, nội dung đào tạo như đào tạo dài hạn, ngắn hạn, kèm cặp, truyền nghề tại gia đình, tại các cơ sở sản xuất ở các làng nghề, đào tạo lại, đào tạo tại chỗ, lưu động, chú trọng những nghề mũi nhọn ở địa phương, đào tạo nghề phục vụ xuất khẩu lao động, tìm kiếm thông tin nhằm hướng dẫn, giải quyết việc làm cho học viên. Điểm yếu lớn nhất của người lao động hiện nay là ngoại ngữ, khả năng giao tiếp, làm việc trong môi trường công nghiệp. Vì vậy, các chương trình dạy nghề cần phải đưa nội dung đào tạo về ngoại ngữ và tác phong công nghiệp, kiến thức về ứng xử văn hóa nơi công sở. Các cơ quan quản lý cũng cần tăng cường điều tra, nắm thông tin về nhu cầu học nghề, tìm kiếm việc làm của lao động nông thôn. Đồng thời phối hợp với các tổ chức xã hội tuyên truyền vận động chính sách, chú trọng phát triển vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ... Nếu thực hiện việc xã hội hoá công tác đào tạo, thu hút mọi thành phần kinh tế, xã hội cùng tham gia đào tạo thì chắc chắn hiệu quả công tác đào tạo sẽ tốt hơn nhiều. Thêm vào đó, cần cải tiến cơ chế chính sách quản lý, thủ tục sử dụng kinh phí. Tăng mức kinh phí hỗ trợ và thời gian đào tạo cho người lao động để đáp ứng yêu cầu làm hàng xuất khẩu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa có nhiều khó khăn. Đặc biệt, việc hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lao động đang là hướng đi có nhiều triển vọng.
Thời gian gần đây, rất nhiều Trung tâm Khuyến công đã thực hiện phối hợp với các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo điều kiện vay vốn, đào tạo nghề. Nhiều người cho rằng, các cơ sở, doanh nghiệp tự đào tạo vẫn có hiệu quả hơn bởi vì họ chỉ được hỗ trợ một phần kinh phí, phần còn lại họ phải tự bỏ ra nên họ chỉ làm khi thực sự có nhu cầu, vì vậy 100 % học viên được sắp xếp bố trí việc làm và có thu nhập ổn định. Họ cũng rất quan tâm đến chất lượng của các học viên vì đây chính là những người công nhân sẽ làm việc trong các cơ sở sản xuất của họ. Trong khi các dự án đào tạo do trung tâm khuyến công tổ chức thì phải hợp đồng thuê giáo viên hoặc nghệ nhân đào tạo truyền nghề. Người dân học xong chưa chắc có việc làm ổn định nếu không có doanh nghiệp nào tuyển dụng. Rõ ràng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lao động phục vụ cho nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp thực sự là một hướng đi đúng đắn và đã mang lại hiệu quả thiết thực. Hiện nay đang có 2 đề án rất được xã hội quan tâm là “Đề án đổi mới và phát triển dạy nghề đến năm 2020” nhằm chuyển đổi dạy nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội và “đề án phát triển giáo viên dạy nghề giai đoạn 2009 – 2015”. Đặc biệt, đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” đặt mục tiêu bình quân hàng năm đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn, trong đó đào tạo, bồi dưỡng 100.000 lượt cán bộ, công chức cấp xã. Lao động nông thôn học nghề sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo từ 2 đến 3 triệu đồng. Một số đối tượng thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi còn được hỗ trợ tiền ăn (15.000đ/ngày), hỗ trợ tiền đi lại...Sau khi học nghề sẽ có 70-80% số học viên tốt nghiệp tìm được việc làm. Tổng kinh phí thực hiện đề án được lấy từ nguồn ngân sách, dự kiến là trên 32.000 tỉ đồng. Hy vọng đây sẽ là bước đột phá giúp cho công tác đào tạo nghề vùng nông thôn đạt hiệu quả cao hơn.
CTV. Hữu Minh