Thực trạng phát triển các vùng kinh tế trọng điểm
Với chức năng là các vùng động lực, đầu tàu định hướng và thúc đẩy sự phát triển của các vùng khác trên phạm vi cả nước, các vùng kinh tế trọng điểm đã phát triển khá toàn diện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011 - 2013 đạt 8,8%, cao hơn bình quân cả nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt 64,78 triệu đồng, gấp 1,53 lần so với bình quân cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năm 2013, tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng chiếm 47,6%, dịch vụ chiếm 42,2%, nông – lâm - thủy sản chiếm 10,2%. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 249,2 tỷ USD, trong đó tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 127,3 tỷ USD chiếm 90,9% so với cả nước; tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu đạt 121,9% tỷ USD chiếm 93,7% so với cả nước. Tổng thu ngân sách đạt 800.448 tỷ đồng chiếm 89,1% cả nước. Tổng vốn đầu tư xã hội đạt 1054,2 nghìn tỷ đồng chiếm 34,67% tổng GDP của vùng, trong đó vốn ngân sách nhà nước chiếm 15,8%, vốn FDI chiếm 16,2%.
Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và mạng lưới kết cấu hạ tầng liên vùng được tăng cường đầu tư cả về số lượng, chất lượng, đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển. Đây là nơi tập trung các đầu mối giao thông vận tải biển và hàng không lớn của cả nước với các cụm cảng biển quan trọng: Hải Phòng, Cái Lân, Chân Mây, Đà Nẵng, Thị Vải - Cái Mép, Hiệp Phước, Cát Lái và các sân bay quốc tế như Nội Bài, Phú Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Hải Phòng.
Các vùng kinh tế trọng điểm có 157 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích 57.000 ha chiếm 60% số lượng và 80% diện tích các khu công nghiệp của cả nước và 8/15 khu kinh tế ven biển với tổng diện tích 382.281 ha, chiếm gần 60% tổng diện tích các khu kinh tế ven biển cả nước.
Các hoạt động liên kết đã được thực hiện trong thời gian qua là liên kết để di dời những cơ sở sản xuất công nghiệp từ thành phố sang các khu, cụm công nghiệp của các tỉnh trong vùng; khai thác các tiềm năng thế mạnh về du lịch liên tỉnh; tham quan học tập trao đổi kinh nghiệm; liên kết phát triển nguồn nhân lực; liên kết giữa hoạt động sản xuất công nghiệp với vùng nguyên liệu; liên kết trong phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ logicstic hay tiện ích công cộng như giao thông (đường quốc lộ, đường sắt, hàng không, cảng biển, nhà ga, bến tàu, điện, nước), viễn thông, xử lý ô nhiễm môi trường…
Tuy có sự phát triển kinh tế năng động, đi đầu trong nhiều lĩnh vực quan trọng nhưng hiện nay các vùng kinh tế trọng điểm của nước ta phát triển vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra, chưa có nhiều sản phẩm mang hàm lượng công nghệ cao. Các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu chế xuất tỷ lệ lấp đầy thấp, đầu tư công nghệ hiện đại chưa cao; di dân ồ ạt từ các vùng kém phát triển đến các vùng phát triển, nạn thất nghiệp, ô nhiễm môi trường gia tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển bền vững của vùng.
Xây dựng mối liên kết trung tâm
Để các vùng kinh tế trọng điểm thực sự trở thành các động lực tăng trưởng kinh tế, gánh vác trọng trách tạo ra sự lan tỏa tích cực về kinh tế đối với cả nước thì trước hết cần phải coi phát triển các vùng kinh tế trọng điểm là mắt xích quan trọng nhất với vai trò lấy liên kết kinh tế làm trung tâm và đây chính là cơ sở cho việc hình thành phát triển các nội dung liên kết phối hợp khác.
Trên cơ sở đó xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy điều phối vùng kinh tế trọng điểm gồm hai cấp Trung ương và địa phương. Cấp Trung ương gồm Ban Chỉ đạo Trung ương về điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm và các Tổ điều phối của các Bộ, ngành. Cấp địa phương gồm Ban Điều phối phát triển của các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam, miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long và Tổ điều phối của các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong các vùng kinh tế trọng điểm phải đảm bảo nguyên tắc đồng thuận trong phối hợp xây dựng và thực hiện các nội dung như: Phát triển kết cấu hạ tầng; kết nối hệ thống giao thông; hạ tầng thông tin; hệ thống cung cấp và sử dụng nguồn nước; xử lý nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại; sản xuất sản phẩm chủ yếu; hệ thống logistic; phát triển nguồn nhân lực; cơ sở dạy nghề, đào tạo, nghiên cứu khoa học; các cơ sở y tế và hệ thống đô thị.
Lê Mai Hương