Văn Giáo là một xã có đông đồng bào Khmer của huyện Tịnh Biên. Toàn xã có 1.896 hộ với 8.880 nhân khẩu, trong đó có 1.431 hộ đồng bào Khmer với 6.552 nhân khẩu. Văn Giáo còn là cái nôi nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Khmer ở vùng Bảy Núi, An Giang.Sau một thời gian mai một nghề dệt, cuối năm 1998, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang được sự hỗ trợ của tổ chức Care (Australia) đã triển khai dự án “Khôi phục làng nghề dệt thổ cẩm Văn Giáo”. Đồng thời nhằm duy trì bền vững nghề dệt thổ cẩm truyền thống “Hợp tác xã dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo” được thành lập để có địa chỉ cố định cho các nghệ nhân dệt thổ cẩm vùng Bảy Núi.
Khi mới thành lập năm 2002, Hợp tác xã dệt thổ cẩm Văn Giáo chỉ có 84 xã viên và đến nay đã thu hút được hàng trăm hộ sản xuất. Với quyết tâm trụ vững, Hợp tác xã luôn chú trọng cải tiến kỹ thuật, mẫu mã, kết hợp truyền thống với hiện đại, để sản phẩm đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng và định hướng vươn ra thị trường quốc tế. Hằng năm, Hợp tác xã tổ chức từ 1 - 2 lớp dạy nghề dệt cho chị em phụ nữ đồng bào Khmer trên địa bàn về kỹ thuật nhuộm, chuyên môn hóa các công đoạn dệt, nhuộm tơ… Hợp tác xã còn tổ chức các lớp nâng cao tay nghề dệt thổ cẩm cho chị em phụ nữ nghèo về cách dệt thổ cẩm đạt yêu cầu về thẩm mỹ, chất lượng và thời gian dệt cũng như về kỹ thuật dệt trơn, dệt hoa văn; cách phối hợp màu sắc, đường hoa văn; kỹ thuật se chỉ và phối màu sợi dọc... do chính các giảng viên là những phụ nữ có tay nghề dệt thuần thạo trên địa bàn xã giảng dạy.
Theo Ông Trịnh Tấn Lực - phó Chủ tịch xã Văn Giáo, chính quyền địa phương cũng phối hợp với Trung tâm dạy nghề và Giáo dục thường xuyên huyện Tịnh Biên tổ chức các lớp dạy nghề tại xã. Nhất là nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Khmer, góp phần giúp bà con nâng cao tay nghề, tăng thu nhập. Do thực hiện tốt các chính sách về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo tại xã Văn Giáo đã giảm đáng kể so với những năm trước đây.
Chị Neang sa Mol ở ấp Srâykhốth, xã Văn Giáo cho biết, nhờ sự quan tâm của Nhà nước hỗ trợ cho khung dệt tốt hơn, hiện nay, mỗi tháng chị làm được từ 04 - 05 sản phẩm thay vì trước đây chỉ được 01 hoặc 02 sản phẩm/tháng, mỗi sản phẩm có giá từ 900.000 đồng đến hơn 01 triệu đồng tùy theo chất lượng, nhất là những sản phẩm có hoa văn đẹp. Ông Chau Mune - xã Văn Giáo cũng cho biết, trước đây các sản phẩm dệt ra chỉ để mặc trong các lễ hội và buôn bán chút ít. Được sự quan tâm hỗ trợ khôi phục lại nghề truyền thống như: hỗ trợ khung dệt, hỗ trợ vốn mua tơ tằm... sản phẩm làm ra đạt chất lượng tốt, đẹp hơn và cũng nhiều hơn.
Nhờ đó mà cuộc sống khấm khá hơn nhiều.Năm 2012, sản phẩm "Sà rông hình" của Làng nghề TTCN truyền thống dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực phía Nam đã được bình chọn là sản phẩm CNNTTB cấp khu vực. Đây là cơ hội rất lớn bên cạnh sự tôn vinh, công nhận mà qua đó đã tạo cơ hội cho sản phẩm của làng nghề được nhiều người biết đến và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Hy vọng rằng với sự quan tâm hỗ trợ đầu tư của của Đảng, Nhà nước, các nghệ nhân sẽ khéo léo, tỉ mỉ chăm chút cho từng sản phẩm, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của nhiều đối tượng; đồng thời tạo thu nhập tăng thêm cho từng hộ Khmer nghèo, giúp cho họ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo và góp phần xây dựng thôn mới ./.
Thanh Hòa