Tiềm năng và thế mạnh
VKTTĐMT gồm 5 tỉnh: Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, có khoảng cách đến các trung tâm kinh tế lớn của đất nước bằng đường hàng không chỉ khoảng 1 giờ bay với 4 sân bay, trong đó có 2 sân bay quốc tế; bằng đường bộ tối đa cũng chỉ khoảng 12 giờ với cả đường sắt, đường bộ và đường thủy. Hệ thống cảng: Chân Mây, Liên Chiểu, Tiên Sa, Kỳ Hà, Dung Quất, Quy Nhơn hầu hết đều có mực nước sâu, có khả năng tiếp cận các tàu có trọng tải lớn. Vùng còn có các hành lang kinh tế đông – tây nối với Tây Nguyên, Lào, đông bắc Campuchia, đông bắc Thái lan và Myanmar. Tất cả những điều đó khiến cho VKTTĐMT trở thành đầu mối giao lưu kinh tế quốc tế quan trọng. Vùng hiện có 21 khu công nghiệp (KCN) đã và đang được triển khai xây dựng và 3 khu kinh tế (KKT) đang hình thành phát triển là những điểm đột phá, những động lực phát triển của vùng. Nói như Nghiên cứu viên cao cấp - TS.Trương Đình Hiển: “VKTTĐMT được hình thành từ lĩnh vực kinh tế biển và đang trên đường trở thành một trục kinh tế biển hùng mạnh của miền Trung, Tây Nguyên và cả nước”.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh: |
Trong khoảng thời gian 20 năm qua, sự phát triển kinh tế, xã hội của khu vực này đã có những bước đột phá lớn. Từ chỗ vốn đầu tư vài chục triệu USD (năm 1990) nay đã lên đến vài chục tỷ USD (tăng 3.000 lần). Hệ thống các khu kinh tế đa ngành, trong đó “xương sống” là lĩnh vực công nghiệp nặng: hóa dầu, luyện cán thép, đóng tàu, chế tạo máy… Chỉ tính riêng KKT Dung Quất, dự kiến đến năm 2025, vốn đầu tư sẽ lên đến 30 tỷ USD, khu lọc hóa dầu sẽ được mở rộng với công suất 15 triệu tấn/năm, sản xuất thép 5 triệu tấn/năm…
Thiếu yếu tố liên kết
Theo TS Đặng Hữu Hòa - Trường Đại học kinh tế (Đại học Đà Nẵng): Hiện nay, các địa phương trong vùng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc thiết lập các mối quan hệ liên kết. Điều này thể hiện rất rõ qua thực trạng phát triển các KCN, KKT mở. Tình trạng cạnh tranh thu hút dự án đầu tư và thiếu quy hoạch tổng thể trong toàn vùng đang là bài toán nan giải. Từng tỉnh, thành có quy hoạch tổng thế phát triển KCN riêng, nhưng các tỉnh, thành trong vùng kinh tế lại không có quy hoạch chung, không có quy hoạch định hướng của vùng. Chính vì vậy, các địa phương “thả giàn” thu hút dự án mà không có định hướng tập trung rõ ràng. Các KCN gần như giống nhau, trong đó chủ yếu phát triển những ngành nghề truyền thống như chế biến nông lâm thủy sản, giày dép, dệt may…; còn những ngành có tính hiện đại hóa cao, mang tính tạo động lực cho sự phát triển kinh tế vùng thì không có hoặc có nhưng không đáng kể.
Tại nhiều địa phương, từ nhà máy cán thép đến nhà máy chế biến thực phẩm đều có thể nằm ngay cạnh nhau trong cùng một KCN. Đây là điều bất hợp lý lớn nhất đối với quy hoạch kinh tế vùng. Việc cung ứng các bán thành phẩm, vật liệu, chi tiết và nguyên liệu giữa các doanh nghiệp trên địa bàn VKTTĐMT còn rất hạn chế. Hầu hết các địa phương đều cố gắng tận dụng tất cả các nguồn tài nguyên hiện có để sản xuất tại chỗ, bất luận quy mô sản xuất như thế nào. Điều này dẫn đến việc, sản phẩm do các doanh nghiệp VKTTĐMT sản xuất ra chưa có tính cạnh tranh mạnh trên thị trường bởi quy mô sản xuất nhỏ lẻ, giá thành cao. Đặc biệt, số doanh nghiệp đầu tư vào miền Trung vẫn còn hạn chế, nhất là thiếu các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm nền tảng cho việc thiết lập hệ thống hóa trong kinh doanh.
Thực ra, các doanh nghiệp trong KCN không thể tự mình giải quyết được vấn đề liên kết mà cần phải có sự điều phối chung giữa các khu, các địa phương trong việc định hướng cho các nhà đầu tư một cách chủ động, có chiến lược lâu dài, nhằm tạo ra một hệ thống liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất tại nhiều địa phương trong vùng. Hiện nay, tất cả các địa phương đều sử dụng công cụ thu hút đầu tư tương tự nhau, đó là dựa vào ưu đãi thuế nhập khẩu các yếu tố đầu vào, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp với các mức độ khác nhau, miễn giảm thuê đất… Với những chính sách “bản sao” như vậy, chủ đích cũng chỉ lôi kéo được càng nhiều các dự án đầu tư về địa phương mình hoặc để “lấp đầy” các KCN. Đơn cử, KCN Phú Bài thành lập từ năm 1998 nhưng đến nay mới có 17 dự án đầu tư đi vào hoạt động với diện tích sử dụng 20%. KKT Dung Quất có tổng diện tích trên 10.000 ha (đến năm 2010), được thành lập từ năm 2000 nhưng đến nay cũng chỉ có 94 dự án đăng ký đầu tư (thực tế mới có 25 dự án), sử dụng chưa đến 1.000ha, chiếm dưới 10%.
Tình trạng chung của các KCN trong vùng hiện nay là “đói” dự án, dẫn đến tình trạng chung là tìm mọi cách để thu hút đầu tư. Chính do vậy nên các chính sách thường cũng chỉ là các giải pháp ngắn hạn, chưa đi vào giải quyết những vấn đề cốt lõi, giúp nhà đầu tư tìm ra một chi phí sản xuất hợp lý nhất, đảm bảo đầu vào ổn định, chất lượng cao. Nhiều doanh nghiệp đang hoạt động có hiệu quả tại các KCN, KKT lớn cũng gặp phải những vướng mắc ngay từ bản thân doanh nghiệp của họ. Ông Cho Bong Jin – Tổng giám đốc Công ty Doosan Vina – doanh nghiệp có quy mô vượt trội tại khu kinh tế Dung Quất với tổng diện tích 110ha và vốn đầu tư đến 300 triệu USD - cũng thẳng thắn thừa nhận: Bên cạnh những thế mạnh, bản thân chúng tôi cũng có những mặt hạn chế: cơ sở hạ tầng chưa hoàn hảo, thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật cao trong ngành công nghiệp nặng, năng suất sản xuất thấp, rào cản ngôn ngữ...
Đánh giá về việc thiếu yếu tố liên kết, ông Đinh Văn Thu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - chia sẻ: Đến nay, còn thiếu một cơ chế đặc biệt để huy động đầu tư từ các nguồn vốn ngoài ngân sách, gây hạn chế cho sự hình thành đồng bộ hệ thống hạ tầng chất lượng cao của VKTTĐMT. Điều này có thể thấy rõ qua các công trình do nhà nước đầu tư trên địa bàn phần lớn đều triển khai chậm, như: sân bay quốc tế Đà Nẵng, nhà máy lọc dầu Dung Quất, đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, các đường trục kết nối hành lang kinh tế đông-tây… Ông Cho Bong Jin cho biết thêm: Trong lĩnh vực công nghiệp nặng còn thiếu các doanh nghiệp phụ trợ trong việc liên kết cung cấp nguyên vật liệu quy mô nhỏ hay tham gia sản xuất, gia công các chi tiết phụ, các công đoạn trung gian cho các doanh nghiệp lớn. Để giải quyết vấn đề này, bản thân Doosan Vina đang phải gửi các sản phẩm đến các nhà máy khu vực lân cận ở TP. Hồ Chí Minh hoặc gửi trở lại Hàn Quốc ở trạng thái như vật liệu thô ban đầu, gây ảnh hưởng đến năng suất lao động và lãng phí.
Một vài giải pháp
Đa số tham luận của các chuyên gia kinh tế tại diễn đàn đều đi tới thống nhất, để có điều kiện phát triển và phát huy vai trò động lực của mình, điều cần thiết là phải nghiên cứu các giải pháp và khả năng liên kết giữa các tỉnh trong VKTTĐMT; đồng thời xem xét, tìm kiếm các giải pháp liên kết giữa VKTTĐMT với các vùng trong nước và trên thế giới.
T.S Nguyễn Văn Lạng – Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ - khẳng định: Cần kết nối VKTTĐMT với toàn bộ vùng Tây Nguyên và các tỉnh còn lại của miền Trung. Nên lựa chọn một thành phố hoặc tỉnh có điều kiện phát triển thành trung tâm của vùng để đầu tư cơ sở khoa học, đào tạo, thành hạt nhân cho phát triển lâu dài. Để phát triển với tốc độ nhanh, bền vững, cần “đi tắt đón đầu”, lựa chọn công nghệ sạch, thân thiện với môi trường…
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển – TS. Nguyễn Bá Ân – phân tích: Nếu không xây dựng và phát triển được ngành công nghiệp phụ trợ thì các ngành sản xuất công nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn và chậm phát triển. Do đó, cần thiết sự phối hợp giữa cảng Chân Mây và cảng Đà Nẵng có thể hình thành một trung tâm chế biến thương mại và thương mại quốc tế đối với các nước tiểu vùng sông Mê Kông và khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Giữa Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam nên liên kết thành khu du lịch, dịch vụ lớn của miền Trung và cả nước trên cơ sở triển khai con đường di sản cùng Hải Vân – Chân Mây – Lăng Cô – Bạch Mã. Sự liên kết giữa Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội sẽ được hình thành trên cơ sở liên kết cụm ngành. Với sự thành công và đi trước một bước, Dung Quất có thể tạo mối liên kết về lọc hóa dầu, vật liệu xây dựng, luyện thép với Nghi Sơn, Vũng Áng, Hòn La.
Chuyên gia cao cấp Lê Đăng Doanh đưa ra giải pháp: Nên thành lập hiệp hội hành nghề theo ngành trong vùng như “chuỗi giá trị thủy sản”, dệt may… Hiệp hội các tỉnh sẽ xây dựng đề án, chương trình hành động với lộ trình, biện pháp cụ thể. Thêm vào đó là hình thành các sản phẩm du lịch theo vùng, kết nối công ty lữ hành du lịch các tỉnh, thành để làm “trọn gói” các tour trong vùng… Liên kết tổ chức tốt các loại hình dịch vụ cho vận tải dọc hành lang kinh tế đông-tây ở miền Trung (xăng dầu, nghỉ dưỡng, bán hàng, bốc xếp, sửa chữa…).
Nguồn: Báo Công Thương