Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ) bao gồm các nội dung, nhiệm vụ quan trọng thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW Hội nghị lần thứ 7 của BCH Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chương trình đặt ra những mục tiêu, nội dung và phương thức thực hiện cụ thể để giải quyết những khó khăn, bức xúc, đem lại lợi ích thiết thực cho người nông dân. Sau hơn một năm triển khai, Chương trình đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, trở thành phong trào của cả nước, được người dân hết sức quan tâm và kỳ vọng.
Theo Báo cáo của Ban chỉ đạo TW Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, đến nay cả nước đã hoàn thành việc đánh giá sơ bộ thực trạng NTM. Có một số ít xã đã đạt đủ cả 19 tiêu chí về nông thôn mới; 1,2% số xã đạt 15 – 18 tiêu chí; 3,3% số xã đạt từ 11 – 14 tiêu chí; 13% số xã đạt từ 7 – 10 tiêu chí; 82,5% số xã đạt dưới 7 tiêu chí (trong đó có 28,2% xã đạt dưới 3 tiêu chí). Qua công tác đánh giá này, các địa phương đã gắn việc lập đề án xây dựng NTM với công tác quy hoạch nhằm tăng tính khả thi thực hiện và xây dựng kế hoạch để huy động được sự tham gia của mọi nguồn lực xã hội vào xây dựng NTM. Đến hết năm 2011, có khoảng 52% số xã đang tiến hành lập đề án xây dựng NTM, trong đó có 2.820 xã (chiếm 31%) đã phê duyệt xong; 54,5% số xã hoàn thành việc phê duyệt quy hoạch chung về NTM, 200 xã hoàn thành quy hoạch chi tiết cho khu dân cư, trung tâm xã, khu sản xuất nông nghiệp, công nghiệp.
Thực hiện Chương trình, năm 2011, cả nước đã đào tạo nghề cho trên 350.000 lao động nông thôn, tỷ lệ có việc làm sau học nghề đạt khoảng 70%. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch tăng lên, khoảng 4%. Số trường mầm non đạt chuẩn quốc gia tăng 4,9% so với năm 2009, số trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia tăng 7,8% đạt 39,2% vào năm 2011. Năm 2011 tỷ lệ trường THCS đạt chuẩn quốc gia đạt 21,6% tăng hơn 2,3% so với năm 2010.
Các địa phương đã dành gần 112 tỷ đồng cho việc xây dựng các mô hình phát triển sản xuất hàng hóa nhằm tăng thu nhập cho người dân. Một số địa phương như Phú Thọ, Hà Tĩnh, Thái Bình, Bình Phước… đã bố trí hàng chục tỷ đồng hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống cho người dân…Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng đã bộc lộ cho thấy một số nội dung trong Bộ tiêu chí cần được nghiên cứu, điều chỉnh bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với thực tế của mỗi vùng khác nhau. Ban chỉ đạo Chương trình đã yêu cầu các Bộ, ngành nghiên cứu, điều chỉnh, sửa đổi một số tiêu chí cho phù hợp khi triển khai trên diện rộng, như sau:
Tiêu chí về thu nhập: Theo Quyết định số 491/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, thì mức thu nhập của người dân ở các xã NTM phải đạt mức bình quân 1,4 lần/năm so với mức bình quân chung của tỉnh. Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai cho thấy, đa số các xã không đạt được quy định này. Phương án đề xuất sửa đổi là đến năm 2015, bình quân thu nhập/người gấp 4 lần mức chuẩn nghèo hoặc đạt 18 triệu đồng/người/năm và phải đảm bảo mức tăng trưởng 10%/năm trong 3 năm liên tục trước đó.
Về chuyển dịch cơ cấu lao động: Đây là tiêu chí phụ thuộc nhiều vào tốc độ phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị hóa nên các địa phương, nhất là các xã vùng cao, vùng sâu, sản xuất nông nghiệp hàng hóa đều khó thực hiện. Phương án đề xuất sửa đổi là thay nội dung tiêu chí này bằng tiêu chí tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 80% hoặc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ xác định tỷ lệ cơ cấu lao động phù hợp cho từng vùng sinh thái.
Tiêu chí về thủy lợi: Do điều kiện rất khác biệt về yêu cầu thủy lợi giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng núi và Tây nguyên với các vùng khác, nên không phù hợp khi áp dụng cùng một tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương. Đề xuất là giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng tỷ lệ cứng hóa công trình thủy lợi phù hợp với chủng loại và đặc thù của các vùng hoặc Ban chỉ đạo các tỉnh, thành phố quy định tỷ lệ cứng hóa đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh của địa phương.
Về tiêu chí chợ nông thôn: Thực tế chợ được hình thành để phục vụ nhu cầu của người dân và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, việc hình thành chợ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí địa lý, giao thông, nhu cầu giao thương… Phương án đề xuất, giao Bộ Công Thương thực hiện xây dựng tiêu chí chợ nông thôn cho phù hợp với quá trình triển khai.
Tiêu chí về nhà ở dân cư: Theo quy định nhà đạt chuẩn của Bộ Xây dựng hiện nay là nhà 4 cứng (tường cứng, cột cứng, nền cứng, mái cứng). Tiêu chí này chưa phù hợp với các vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Giao Bộ Xây dựng xây dựng lại quy định này cho phù hợp với thực tế.Tiêu chí Hợp tác xã hoạt động có hiệu quả: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phải xây dựng chỉ số đánh giá cụ thể để đưa ra hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng cho các địa phương thực hiện.Việc điều chỉnh, bổ sung lại các tiêu chí sẽ sớm được hoàn tất, làm cơ sở nhằm định hướng và giúp cho các xã bổ sung, hoàn thiện đề án xây dựng NTM để thực hiện.
NVL.(AIP)