Quy hoạch Công nghiệp địa phương
Cả thôn chỉ còn vài ba cơ sở sản xuất, vài lò gốm vắng người qua lại, người dân chẳng còn mặn mà với nghề… đó là những gì tôi được chứng kiến, được nghe tại làng gốm Quyết Thành làng nghề truyền thống nổi tiếng của tỉnh Hà Nam.


Tôi tìm về làng gốm Quyết Thành vào một ngày cuối tháng 8, khi ánh nắng vàng ruộm đã không còn gay gắt và lẩn khuất trong gió chút heo may lành lạnh đặc trưng của mùa thu. Vốn từ lâu đã được nghe danh về những sản phẩm “gốm son ” của làng gốm hơn 400 năm tuổi rằng: Đó là loại gốm lên màu tự nhiên thông qua kỹ thuật nung mà không cần tráng men như gốm Bát Tràng hay vẽ màu như gốm Phù lãng. Vẻ đẹp của gốm Quyết Thành là vẻ đẹp của sự mộc mạc, giản đơn và đặc biệt là màu nâu đỏ của gốm bền bỉ với thời gian… tôi đã háo hức tìm về.

 

Thế nhưng, khi đi dọc con đường nhỏ dẫn vào làng sự háo hức của tôi giảm dần, dẫu đã được cảnh báo rằng làng nghề đang gặp nhiều khó khăn nhưng tôi không nghĩ rằng nghề gốm ở Quyết Thành lại đìu hiu đến thế. Suốt gần 2km đường làng tôi chỉ gặp 3 cơ sở đang sản xuất và vài lò gốm vắng người qua lại. Và khi được ông Lại Văn Tiến, Trưởng thôn Quyết Thành dẫn đi một vòng quanh các lò gốm tôi mới nhận ra rằng gốm Quyết Thành có đẹp, có bền nhưng sản phẩm của làng nghề lại quá lạc hậu với: cối giã, ang, vò… những vật dụng phổ biến của 10 năm trước.

 

Thêm vào đó, khâu quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường của làng nghề cũng chưa được chú trọng mặc dù Quyết Thành có Hợp tác xã (HTX) gốm nhưng do thực hiện cơ chế khoán nên HTX đã để các chủ lò gốm “tự bơi” mà không hề có hoạt động quảng bá cũng như định hướng phát triển cho sản phẩm của làng nghề. Phương thức sản xuất và bán hàng chủ yếu của Quyết Thành vẫn là sản xuất sẵn sau đó chờ đợi khách đến mua dần.

 

Trầm ngâm hồi lâu trước thắc mắc của tôi rằng vì sao đến thời điểm này mà Quyết Thành vẫn còn sản xuất những sản phẩm và duy trì phương thức bán hàng lạc hậu đến thế, ông Tiến chia sẻ: điều đầu tiên có thể nói là do những người làm công tác quản lý không năng động, không có những giải pháp kịp thời đưa HTX thích ứng với sự thay đổi, tiếp đến là bản thân các chủ lò gốm của làng nghề chưa nhanh nhạy tiếp thu cái mới. Những năm về trước, ở Quyết Thành đã có người tiên phong đi học hỏi ở các làng nghề gốm khác như Bát Tràng, Phù Lãng và đã về áp dụng cho sản phẩm của làng nghề. Cũng đã có một thời gian sản phẩm gốm mỹ nghệ của Quyết Thành xuất khẩu được nhưng với giá trị không lớn và nay cũng đã mai một.

 

Quyết Thành giờ rất khó để đổi mới bởi tiêu thụ thì khó khăn, chi phí cho sản xuất ngày một tăng và nhất là người dân làm nghề còn rất ít mà tản mạn đi tìm việc làm ở các khu công nghiệp, đi xuất khẩu lao động. Số thợ làm việc tại 3 trong tổng số 5 lò gốm còn lại của Quyết Thành hiện nay chủ yếu là những người đã gắn bó với nghề từ thời bao cấp, tuổi tác không còn thích hợp để tìm việc làm mới nữa.

 

Riêng về điều này, tôi đã được ông Lại Văn Liên-một chủ lò, người đã hơn 40 năm gắn bó với nghề chia sẻ: Trong 20 thợ làm tại lò của tôi hiện nay người ít tuổi nhất là sinh năm 1971, nghĩa là đã hơn 40 tuổi số còn lại toàn là những người sinh năm 1960, 1965… lớp thanh niên của làng giờ chẳng còn ai nghĩ sẽ gắn bó với nghề cha ông để lại.

 

Bất chợt với giọng khá hồ hởi ông Tiến cho tôi biết: mới đây UBND tỉnh Hà Nam đã phê duyệt đề án hỗ trợ bảo tồn và phát triển sản phẩm nổi tiếng của tỉnh trong đó có sản phẩm gốm Quyết Thành, đây là sẽ cơ hội tốt cho làng gốm tiếp cận với phương thức sản xuất, sản phẩm mới nhằm thúc đẩy làng nghề phát triển. Hiện nay, UBND thị trấn Quế, HTX gốm Quyết Thành đang xây dựng kế hoạch cụ thể để đưa nguồn vốn hỗ trợ từ đề án về với làng gốm. Theo đó, Quyết Thành sẽ được hỗ trợ về đổi mới công nghệ sản xuất, thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, cập nhật thông tin mới về thị trường, đào tạo về mẫu mã mới cho lao động làng nghề, liên kết với các làng nghề gốm khác nhằm học hỏi và cải tiến sản phẩm…Hy vọng, với sự tích cực hỗ trợ của các cấp chính quyền sản phẩm “gốm son” Quyết Thành sẽ sớm lấy lại ánh hào quang vốn có.

 

N.VEN