Trong 29 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, có 17 mặt hàng xuất khẩu của DN FDI có tỷ trọng trong kim ngạch xuất khẩu về mặt hàng đó cao hơn tỷ trọng chung (58,7%), trong đó có 14 mặt hàng có tỷ trọng trên 60%. Ngoài các mặt hàng trên, một số mặt hàng khác có tỷ trọng thấp hơn, như hàng dệt may 59,2%, gỗ và sản phẩm gỗ 46,9% (riêng sản phẩm gỗ 58,2%), sắt thép các loại 36,1%, hoá chất 49,7%, chất dẻo nguyên liệu 56,5%, sản phẩm từ cao su 50,2%, hạt tiêu 33,1%, cà phê 23,7%...
Tỷ trọng một số mặt hàng xuất khẩu của DN FDI so với kim ngạch cả nước
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Từ biểu dồ trên, có thể thấy nhiều mặt hàng xuất khẩu được các DN FDI tập trung, đẩy mạnh sản xuất là những nhóm hàng có đầu vào còn rẻ như: hoá chất, sản phẩm hoá chất, chất dẻo nguyên liệu, sản phẩm từ chất dẻo, thủy tinh và sản phẩm từ thuỷ tinh, sắt thép các loại, kim loại thường…
Bên cạnh đó, những mặt hàng dệt may, giày dép các loại, túi xách, ví, va li, ô dù, sản phẩm gỗ,… cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh của các DN FDI nhằm khai thác lợi thế giá nhân công rẻ của Việt Nam.
Các mặt hàng liên quan đến nông, lâm - thuỷ sản (như hàng thuỷ sản, rau quả, cà phê, hạt tiêu, cao su…) có điểm mới là nhà đầu tư nước ngoài với lợi thế về vốn liếng, quảng bá tiếp thị, đẩy mạnh thu mua xuất khẩu, tạo ra sự sôi động trên thị trường, tạo ra phong thái chủ động điều chỉnh việc mua, bán, dự trữ của người sản xuất…, tạo cho người sản xuất tiếp cận với cơ chế thị trường…
Vấn đề đặt ra là đối với những mặt hàng có kỹ thuật - công nghệ cao (như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng…), người lao động làm trong các doanh nghiệp FDI cần tranh thủ tiếp thu trình độ kỹ thuật - công nghệ, trình độ quản lý, trình độ tay nghề, tác phong công nghiệp trong quá trình sản xuất; các doanh nghiệp trong nước thông qua công nghiệp phụ trợ để cung ứng phụ liệu, dụng cụ, phụ tùng và tiến tới việc tiếp thu, bàn giao.
Nguồn: Chinhphu.vn