Sau tết Kỷ Sửu, làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm của đồng bào Khơ me xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên (An Giang) lại tiếp tục sôi động, cho ra mắt nhiều sản phẩm độc đáo phục vụ khách du lịch tới tham dự mùa lễ hội Vía bà Chúa Xứ Núi Sam.
Bà Neáng Nhây 69 tuổi ở ấp Sraysa Koth, một nghệ nhân giàu kinh nghiệm dệt thổ cẩm ở vùng Bảy Núi cho biết: Văn Giáo là cái nôi sản sinh ra nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Khơ me, nhưng đã có lúc nghề bị mai một. Sau này, nhiều phụ nữ Khơ me tâm huyết muốn khôi phục nghề và được nhiều gia đình hưởng ứng nên đến tháng 1/2001, chính quyền xã đã thành lập hợp tác xã dệt thổ cẩm Văn Giáo để làm địa chỉ cho các nghệ nhân dệt thổ cẩm vùng Bảy Núi tìm về và để địa phương có cơ sở hỗ trợ sau này. Buổi đầu, HTX thu hút 84 xã viên và được địa phương hỗ trợ vốn ban đầu 116,42 triệu đồng, Tổ chức Care (Ô-xtrây-lia) triển khai dự án “Dệt thổ cẩm”, hỗ trợ toàn bộ chi phí mua thuốc nhuộm, mở lớp nâng cao kỹ thuật nhuộm tơ, xử lý nước thải, trang bị 57 khung dệt, khung bắt chỉ, 17 nồi nhuộm, lượt dệt...nên đã tạo đà cho nghề dệt thổ cẩm của vùng Bảy Núi phát triển.
Với quyết tâm trụ vững để phát triển, HTX luôn chú trọng cải tiến kỹ thuật, mẫu mã, kết hợp truyền thống với hiện đại để sản phẩm đáp ứng được với thị hiếu người tiêu dùng. HTX tranh thủ các kỳ hội chợ trong nước, hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao...để thăm dò thị hiếu người tiêu dùng, mở rộng tìm kiếm thị trường, tạo cơ hội vươn ra thị trường quốc tế. Ngay từ đầu năm 2009, HTX đã củng cố lại thị trường, chuyên môn hóa các công đoạn dệt, nhuộm tơ, tiến tới khép kín khâu trồng dâu, ươm tơ, se, dệt... Đồng thời, HTX đã tổ chức lớp dạy nghề cho 40 học viên và còn đầu tư 52 triệu đồng trang bị cho mỗi học viên 1 khung dệt thực tập, sau khóa học tặng cho học viên. Trong những ngày này, xã viên hợp tác xã tranh thủ dệt để có nhiều sản phẩm phục vụ du khách và chuẩn bị để đầu tháng 3/2009 chính thức khánh thành “Trung tâm cộng đồng làng nghề dệt” trên diện tích 0,8 ha, được ngân sách tỉnh đầu tư 325 triệu đồng. Ngay cạnh trung tâm, tỉnh tiếp tục đầu tư 130 triệu đồng xây dựng nhà trưng bày sản phẩm dệt của các xã viên, có tổng diện tích là 32 m2, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động vào cuối năm 2009.
Theo đánh giá của du khách, sản phẩm dệt thổ cẩm của đồng bào Khơ me Bảy Núi không thua kém hàng dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Chăm trên quê lụa Tân Châu. Sản phẩm vừa chắc, đẹp, bền, họa tiết hoa văn sắc sảo được thể hiện trên 39 mặt hàng túi xách, nón, khăn tay, ví, áo gối, khăn trải bàn..., trong đó có 2 mặt hàng chính thống là khăn choàng và vải xà rông. Các xã viên cũng tạo được 50 hoa văn họa tiết có nội dung dựa trên các truyện cổ tích, dân gian của đồng bào dân tộc, khắc họa lại lịch sử truyền thống, sinh hoạt đời thường của đồng Khơ me trên đất Việt như hình Phật Thích Ca, hoa văn lồng đèn, bông ớt, bông dâu, hình vẩy rồng, hình voi, tranh hình tượng trên lụa... mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt, năm nay HTX cho ra đời mặt hàng mới là tranh lụa đóng khung. Tất cả được làm bằng loại tằm đặc biệt mua về từ Bảo Lộc, Lâm Đồng qua bàn tay của các nghệ nhân xã viên tạo ra những sản phẩm độc đáo mềm mại, óng ả, rất bắt mắt du khách, nhất là khách quốc tế. Sản phẩm thổ cẩm cùa đồng bào Khơ me Bảy Núi giá không cao, thấp nhất là 450.000 đồng đến cao nhất là 2,5 triệu đồng/sản phẩm.
Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Khơ me vùng Bảy Núi là nghề lao động nhẹ nhàng và hiện rất thuận lợi vì đang được “ăn theo” mùa lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam. Tỉnh cũng phát triển mô hình du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư trên địa bàn xã nên thu hút được du khách, khách hàng đến với làng dệt. Bên cạnh đó, sản phẩm còn được bán ký gửi tại Bảo tàng Dân tộc học, các nhà hàng, khách sạn khu du lịch tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Nha Trang... và vươn ra thị trường nước ngoài như Hoa Kỳ, Đức và Campuchia. Hiện nay, HTX dệt thổ cẩm Văn Giáo thu hút 136 xã viên có thu nhập từ 700.000 đồng đến trên 1 triệu đồng/người/tháng, góp thêm cho nguồn thu nhập và giúp phụ nữ Khơ me xã biên giới Văn Giáo thoát nghèo, có việc làm ổn định. Thông qua việc làm của mình, xã viên HTX dệt thổ cẩm Văn Giáo đã góp phần giữ gìn được bản sắc văn hóa của dân tộc Khơ me./.
Thu Trang