Vừa qua, tại Sóc Trăng đã diễn ra Hội nghị ngành công thương đồng bằng sông Cửu Long lần thứ XIII năm 2010 do Bộ công Thương tổ chức, với sự tham dự của hơn 200 đại biểu đến từ 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.


Dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, hội nghị đánh giá lại những kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2006- 2010 và bàn những giải pháp để thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ trong giai đoạn 2011- 2015.

Trong những năm vừa qua, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thử thách như nắng hạn đe dọa, giá một số vật tư chủ yếu phục vụ sản xuất biến động tăng cao, đặc biệt là ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, tuy nhiên bằng sự nỗ lực của mình cũng như sự quan tâm hỗ trợ từ phía Chính phủ, ngành công thương các tỉnh đã đạt được những kết quả đáng kể. Giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2010 ước đạt 119.928 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006- 2010 ước đạt 18,58%/năm, cao hơn so với cả nước (13,38%/năm). Năm 2010, tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực này ước chiếm 15,37% so với cả nước. Trong đó một số tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao như Đồng Tháp 30,97%, Tiền Giang 26,99%, Long An 23,99%, Vĩnh Long 23,48%...

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của khu vực này năm 2010 ước đạt 274.958 tỷ đồng, chiếm khoảng 18,81% so với cả nước. Trong đó, tổng mức bán lẻ của kinh tế cá thể và kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng cao khoảng 95,57%.

Kim ngạch xuất khẩu có những bước tăng trưởng đáng kể, nếu như năm 2005 chỉ đạt trên 2,9 tỷ USD, chiếm hơn 9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, thì đến năm 2010, ước đạt trên 6,4 tỷ USD, chiếm hơn 10,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Các ngành sản xuất được xem là thế mạnh của vùng như sản xuất lúa gạo năm 2010 ước đạt 3,214 triệu tấn, chiếm 53,57% tổng sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước; chế biến thủy, hải sản ước đạt 947,357 tấn chiếm 23,68% cả nước…

Về đầu tư hạ tầng công nghiệp và thương mại, đồng bằng sông Cửu Long hiện có 74 khu công nghiệp đã được phê duyệt với diện tích khoảng 23.901 ha, trong đó có 43 khu công nghiệp đã đầu tư kết cấu hạ tầng, với diện tích khoảng 9.507 ha. Theo số liệu của Cục Công nghiệp địa phương, đến nay Đồng bằng sông Cửu Long có 214 cụm công nghiệp đã có quyết định phê duyệt quy hoạch với diện tích 18.658 ha, tuy nhiện hiện nay chỉ có 119 cụm công nghiệp được thành lập với diện tích 12.913 ha và hiện chỉ có 41 cụm đã xây dựng kết cấu hạ tầng . Toàn vùng hiện có 1.813 chợ (chiếm tỷ trọng 21,34% tổng số chợ cả nước), 64 siêu thị và trung tâm thương mại chiếm 12,21% so với cả nước.

Công tác xúc tiến thương mại cũng được các tỉnh trong khu vực chú trọng phát triển. Bên cạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước như lễ hội Oóc-om-bóc (Sóc Trăng), Hội chợ biên giới Tịnh Biên- An Giang, Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, Hội chợ festival lúa gạo Việt Nam, hội chợ thủy sản, hội chợ trái cây… thì hoạt động xúc tiến thương mại ngoài nước cũng không ngừng phát triển. Một số tỉnh còn tổ chức đoàn xúc tiến đến Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc, Thái Lan, Nga…. qua đó giúp các doanh nghiệp thiết lập mối quan hệ cũng như ký kết các hợp đồng kinh tế.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành công thương các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn và thách thức cần được tháo gỡ. Trong đó nổi bật nhất là những yếu kém về chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nơi đây vẫn nặng về nông nghiệp (chiếm khoảng 38%) cao hơn rất nhiều so với cả nước, trong khi công nghiệp chiếm 28,6% thấp hơn so với cả nước. Chính vì vậy, để đồng bằng sông Cửu Long phát triển theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, cần phải tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài cũng như quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trong vùng.

Ông Cao Văn Trọng- Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre- cho biết, mặc dù Chính phủ đã phê duyệt phát triển 74 dự án khu công nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long nhưng mới chỉ quy hoạch 43 khu công nghiệp, như vậy còn rất khiêm tốn. Vì vậy, theo ông Trọng, cần phải loại bỏ những dự án nào không khả thi, đồng thời đẩy nhanh tiến độ các dự án đã triển khai xây dựng, có như vậy mới hy vọng phát triển công nghiệp của đồng bằng sông Cửu Long.

Cũng liên quan đến việc thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, ông Nguyễn Văn Phòng- Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang- cho rằng, việc thu hút đầu tư nước ngoài của khu vực vẫn còn hạn chế mà nguyên nhân chủ yếu là do cơ sở hạ tầng yếu kém. Ngoài ra, các doanh nghiệp vẫn còn e ngại khi đầu tư vào đây do nguồn nhân lực còn thiếu và yếu. Vì vậy, các tỉnh cần phải đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao để có thể đáp ứng tốt cho doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn- Phó chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ: Chính cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông đường thủy yếu kém là nguyên nhân làm cho kinh tế đồng bằng sông Cửu Long chậm phát triển. Hiện có rất ít tàu trọng tải lớn có thể vào đây được, vì vậy việc vận chuyển chủ yếu thông qua cảng ở TP.HCM và Đông Nam Bộ. Do vậy, cần phải có chiến lược cụ thể để quy hoạch phát triển hệ thống cảng trong thời gian tới.

Bên cạnh đó là những hạn chế cần khắc phục như tình trạng thiếu điện, mạng lưới hạ tầng thông tin, quá trình liên kết, hợp tác phát triển kinh tế giữa các vùng và doanh nghiệp, công tác quản lý thị trường…

Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cũng đồng tình với các ý kiến của đại biểu khi cho rằng, ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế xã hội của đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là đẩy mạnh phát triển công nghiệp. Bên cạnh các khu công nghiệp đã quy hoạch và đưa vào sử dụng thì khu vực cũng cần phải tận dụng các vị trí thuận lợi để mở rộng thêm các khu công nghiệp mới. Ngoài ra, cần xây dựng cơ sở hạ tầng đủ mạnh nhằm thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài để nâng dần giá trị tỷ trọng công nghiệp.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, khu vực cũng cần phải phát tận dụng lĩnh vực thế mạnh sẵn có để phát triển về nông lâm thủy hải sản, mà hiện nay xuất khẩu cá tra, cá basa đạt giá trị rất cao, đặc biệt xuất khẩu gạo trong năm 2010 đã có được những thành công ngoài mong đợi.

 



Nguồn: Báo Công Thương điện tử