Trước ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, một số doanh nghiệp của tỉnh Đồng Nai đang thực hiện các biện pháp nhằm khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động
Ông Nguyễn Thái Học, Tổng giám đốc công ty chế biến xuất nhập khẩu thực phẩm Đồng Nai (Donafoods) cho biết: Mục tiêu chủ yếu của Tổ hợp Donafoods là đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại mở thêm thị trường ở Nam Phi và Trung Đông..., cố gắng ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm cho công nhân. Trong lúc giá xuất khẩu và thị trường tiêu thụ sụt giảm, Donafoods đầu tư chế biến các sản phẩm từ nhân điều và các loại hạt ăn liền trên dây chuyền thiết bị công nghệ cao liên kết với các thương hiệu mạnh của Mỹ, Ca-na-da để tăng xuất khẩu và tiêu thụ tại thị trường nội địa. Donafoods tiếp tục đầu tư cho việc bình tuyển giống điều cao sản trong 8 dòng điều hiện nay để sản xuất cây giống mới và đầu tư cho một số mô hình thâm canh và sản xuất an toàn đạt 3 tấn/ha... Ông Nguyễn Thái Học đề nghị Chính Phủ hỗ trợ 100% lãi suất cho DN mua nguyên liệu dự trữ sản xuất chế biến hạt điều xuất khẩu cho năm 2010, đồng thời Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo cho các ngân hàng thương mại điều chỉnh mức lãi suất mà các doanh nghiệp vay đầu tư mới.
Ông Lê Hữu Tịnh, Phó Tổng Giám đốc công ty Tín Nghĩa cho biết: Do ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính toàn cầu, kim ngạch xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm 2009 của công ty chỉ đạt 4,6 triệu USD, giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm 2008. Sản lượng sản phẩm vật liệu xây dựng như gạch, đá granite... cũng giảm 35%. Công ty đang tập trung đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm, thu hồi nhanh vốn, điều chỉnh giảm giá bán các mặt hàng cho phù hợp với thị trường. Trong công tác tài chính doanh nghiệp, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ dòng tiền để đảm bảo khả năng thanh toán, duy trì phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong toàn hệ thống công ty mẹ - công ty con. Tín Nghĩa vẫn thực hiện thủ tục đầu tư hoặc triển khai thi công các dự án quan trọng như Khu đô thị Đông Sài Gòn, khu dân cư Tam Phước ở huyện Long Thành, khu chung cư cao cấp Quang Vinh ở thành phố Biên Hòa, Cảng xăng dầu, KCN Ông Kèo, KCN Nhơn Trạch 6, KCN An Phước, Khu dịch vụ - du lịch Tân Vạn, đầu tư mở rộng mạng lưới các trạm xăng dầu v.v...
Còn công ty cổ phần cà phê Biên Hòa (Vinacafé Biên Hòa) đẩy mạnh quảng cáo thương hiệu để giữ vững thị phần trong nước. Ông Phạm Quang Vũ, Phó tổng giám đốc Vinacafé Biên Hòa cho biết: Trong khi các doanh nghiệp FDI cắt giảm chi phí quảng cáo thì Vinacafé Biên Hòa với 85% sản phẩm tiêu thụ trong nước vẫn đẩy mạnh hoạt động quảng bá và xây dựng thương hiệu. Công ty xem các đại lý phân phối trong toàn quốc như các thành viên trong một đại gia đình và thực hiện phương châm đồng hành, chia sẻ khó khăn với họ như hỗ trợ thanh toán, san sẻ phần lợi nhuận, đồng thời tập trung đầu tư cho nghiên cứu phát triển để ứng dụng vào sản xuất kinh doanh, tiết kiệm chi phí và giảm giá thành sản phẩm. Năm 2009, Vinacafé vẫn giữ vững mục tiêu tăng trưởng bằng năm 2008 (khoảng 20%).
Trên tinh thần đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, Cục Hải quan Đồng Nai đề nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan chỉ áp dụng thu 1 loại phí thay cho hiện nay có tới 6 loại phí hải quan nhằm giảm các khoản thu của DN, đồng thời đề nghị Bộ Công thương bãi bỏ cấp phép tự động thời hạn từ 5-10 ngày vì không còn phù hợp. Nhiều DN ở Đồng Nai cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cho DN đang gặp khó khăn được hỗ trợ 4% lãi suất cho các hợp đồng vay vốn trước ngày 1/2/2009./.
Minh Hưng
Tin đã đăng