Phương án phân bổ NSTW cơ bản phù hợp…
Trên cơ sở Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cũng như việc nắm tình hình thực tế qua hoạt động giám sát công tác phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2009, trong buổi thảo luận tại tổ sáng qua (23/10), các đại biểu quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, tập trung vào phương án phân bổ NSTW năm 2010.
Về cơ bản, các đại biểu Qốc hội đều thống nhất với Chính phủ về nguyên tắc phân bổ dự toán chi NSTW năm 2010. Theo đó, phân bổ dự toán chi NSTW năm 2010 dựa trên một số nguyên tắc chủ yếu sau: Phân bổ ngân sách năm 2010 cần theo đúng quy định của Luật NSNN, Nghị quyết Quốc hội, tuân thủ định mức phân bổ và các quy định trong thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước 2007-2010; Bảo đảm phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ, có tính đến yếu tố thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện chính sách kích thích “hậu suy thoái kinh tế”, giảm dần bội chi ngân sách nhà nước và đề phòng lạm phát; Trong điều kiện nguồn thu ngân sách hạn hẹp, nhu cầu chi bảo đảm an sinh xã hội và chi đầu tư phát triển rất lớn, việc phân bổ ngân sách trung ương năm 2010 tập trung ưu tiên tiếp tục thực hiện chính sách cải cách tiền lương, bảo đảm chi cho an sinh xã hội và các đối tượng chính sách xã hội; Bố trí tăng vốn đầu tư cho các vùng kinh tế động lực để có những bước đột phá nhanh tạo ra nguồn thu mới, bền vững; Ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm quan trọng, cấp bách, cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án ở các địa phương nghèo, không có khả năng cân đối ngân sách; Ưu tiên bố trí vốn ngân sách và các nguồn vốn khác để đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành TW Đảng lần thứ 7 (khóa X).
… nhưng còn nhiều khoản chi “khó hiểu” cần cân nhắc
Mặc dù các đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với phương án phân bổ NSTW năm 2010 của Chính phủ nhưng cũng có khá nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ làm rõ, rà soát lại một số khoản chi, như: Chi trợ giá mặt hàng chính sách (dự kiến tăng 31,7% so với năm 2009). Các ý kiến cho rằng, mức tăng này là quá cao. Chính phủ cần xem xét lại tính hiệu quả của khoản chi này, đồng thời có phương án thay đổi phương thức trợ cước, trợ giá các mặt hàng thiết yếu cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là trợ cước vận chuyển ấn phẩm văn hóa, sách báo... cho thiết thực, tránh lãng phí.
Bố trí vốn đầu tư cho các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước (dự kiến khoảng 5.038 tỷ đồng). Các đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ bố trí vốn cho một số nhiệm vụ mà Chính phủ giao cho các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thực hiện. Còn lại các nhiệm vụ chi khác, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phải tự bố trí kinh phí từ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, từ lợi nhuận sau thuế hàng năm được để lại tái đầu tư, kể cả việc bảo đảm phúc lợi xã hội cho một số lĩnh vực (như giáo dục, y tế) của tập đoàn, tổng công ty. Nhiều ý kiến đề nghị xem xét lại việc bố trí 3.500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế để lại cho Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam, đề nghị Chính phủ xem xét hiệu quả việc sử dụng nguồn bố trí này của các năm trước.
Chi các chương trình mục tiêu quốc gia (dự kiến bố trí vốn năm 2010 cho 12 chương trình). Các ý kiến tập trung đề nghị Chính phủ xem xét lại các chương trình mục tiêu quốc gia, đánh giá hiệu quả chương trình cũng như hiệu quả sử dụng NSTW, đồng thời đề nghị Chính phủ rà soát, tổng kết, đánh giá mặt được cũng như mặt chưa được của các chương trình này, từ đó sắp xếp và bố trí vốn cho hợp lý hơn để sớm kết thúc các chương trình này.
Có ý kiến cho rằng, hiện nay có quá nhiều chương trình mục tiêu. Một số chương trình mục tiêu quốc gia phân bổ quá dàn trải với mức vốn quá nhỏ, trùng lắp về nội dung, hiệu quả không cao. Do đó, đề nghị cần lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, phân bổ trực tiếp thông qua hoạt động của các ngành, các địa phương để tránh chồng chéo, phân tán nguồn vốn, khó quản lý, gây thất thoát, lãng phí và không mang lại hiệu quả thiết thực. Rà soát lại mục tiêu của một số chương trình, nhất là Chương trình 135 và Chương trình hỗ trợ 62 huyện nghèo, tránh trùng lắp giữa 2 chương trình này.
Từ những nhận định, dự báo xu thế kinh tế năm 2010 như trên, các địa biểu quốc hội đề nghị xây dựng dự toán NSNN năm 2010 cần dựa trên một số điều chỉnh trong chính sách tài khóa như sau: Việc tiếp tục thực hiện một số chính sách kích thích kinh tế trong giai đoạn phục hồi kinh tế là cần thiết, song cần điều chỉnh theo hướng: Không thực hiện kích thích kinh tế mang tính dàn đều, bình quân như hiện nay mà nên chuyển sang kích thích có trọng tâm, trọng điểm, tập trung nguồn lực để cơ cấu lại nền kinh tế; đưa nền kinh tế phát triển theo chiều sâu và bền vững hơn. Dừng các chính sách miễn, giảm thuế; thực hiện giãn thời hạn nộp thuế một quý đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.
Bên cạnh đó, không thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất ngắn hạn, chuyển sang việc hỗ trợ lãi suất cho vay trung và dài hạn đối với một số đối tượng để cơ cấu lại nền kinh tế; chỉ thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất ngắn hạn đối với việc mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn, nhưng cần đổi mới cơ chế, bảo đảm cho nông dân tiếp cận được với nguồn vốn này.
Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần cơ cấu lại đầu tư khu vực công theo hướng xác định thứ tự, mục tiêu ưu tiên đầu tư; giảm tỷ trọng vốn đầu tư từ NSNN vào các lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác có thể tham gia.
Và cuối cùng, các đại biểu kiến nghị việc xây dựng dự toán NSNN năm 2010 cần bảo đảm tỷ lệ động viên NSNN ở mức hợp lý. Phấn đấu bội chi ngân sách năm 2010 thấp hơn năm 2009 (không quá 6% GDP) và phấn đấu thực hiện giảm dần bội chi ngân sách trong vòng 5 năm (2009-2013) bình quân còn 5% GDP như báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.
Dưới đây là một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội
Đại biểu Phạm Thị Loan
* Theo quy định, hàng năm NSNN chi cho lĩnh vực khoa học chiếm 2% tổng số chi nhưng chưa năm nào chúng ta hoàn thành chỉ tiêu này. Trong khi nhiều ý kiến từ các nhà khoa học cho rằng, họ đang rất thiếu vốn để chi cho các công trình nghiên cứu của mình. Đó là chưa kể đến tình trạng “Hoàn thiện thủ tục thành quyết toán kinh phí trong các công trình, dự án nghiên cứu khoa học còn khó hơn cả việc nghiên cứu”. Vì vậy, một mặt không nên “chốt cứng 2%” mà nên chi theo thực tế các công trình, dự án khoa học có chất lượng, có thể đưa vào ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, mặt khác, cần có cơ chế, chính sách thông thoáng, cụ thể để khuyến khích giới khoa học tập trung nghiên cứu.
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường
* Trong phân bổ dự toán chi NSTW năm 2010, mục chi thường xuyên (chi quản lý hành chính) quá cao trong khi tổng chi cho phát triển kinh tế cả nước lại chưa tương xứng. Có thể thấy, phần chi thường xuyên khá lớn, thể hiện bộ máy quản lý còn cồng kềnh, lãng phí.
* Chỉ tiêu chi cho gióa dục, đào tạo đại học và đào tạo nghề có dự toán lên đến 76.475 tỉ đồng, trong khi 3 chỉ tiêu cơ bản là tạo việc làm mới, đổi mới đào tạo trung cấp, trung cấp nghề và đại học trong năm qua đều không đạt. Điều này phản ánh hiệu quả sử dụng vốn thấp, lãng phí ngân sách. Chính phủ cần xem xét lại khoản chi này.
* Chính phủ dự toán khoản trích thưởng (1.500 tỷ đồng) cho các địa phương thu ngân sách năm 2009 vượt dự toán giao là chưa hợp lý. Bởi trên thực tế có khá nhiều địa phương xây dựng dự toán thu ngân sách thấp hơn nhiều khả năng thực tế - do chất lượng dự báo thiếu chính xác, xong cũng không ít địa phương chủ động xây dựng “dự toán non” để dễ hoàn thành và được thưởng. Điều bất hợp lý ở đây là, trong tình hình khó khăn về nguồn thu ngân sách, Chính phủ cần xem xét lại tính chính xác của dự toán thu tại các địa phương, xem xét lại khoản trích thưởng 1.500 tỷ đồng từ ngân sách TW này, đồng thời kiểm tra, rà soát lại việc sử dụng khoản trích thưởng này của các năm trước.
Đại biểu Chu Sơn Hà
* Chính phủ cần xem xét, đánh giá lại hiệu quả sử dụng vốn ngân sách tại các công trình đã và đang đầu tư, nhất là các công trình trọng điểm quốc gia. Thực tế, có khá nhiều công trình có số vốn đầu tư lớn, đã hoàn thành đưa vào sử dụng, thậm chí đã đến thời điểm bảo dưỡng mà vẫn chưa thanh quyết toán dứt điểm, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả đồng vốn ngân sách đã đầu tư cũng như ảnh hưởng đến dự toán đầu tư của các công trình khác.
Nguồn: Báo Công Thương