Giữ tốc độ tăng GDP 13,2%
Chủ tịch UBND tỉnh Trương Tấn Thiệu cho biết, trong 5 năm qua, Đảng bộ, các cấp chính quyền và đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân năm đạt 13,2%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 ước đạt 1.028 USD, gấp 1,8 lần mục tiêu đề ra (năm 2005 đạt 470 USD); giá trị sản xuất công nghiệp tăng 21%, cơ cấu kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,9% năm 2006 xuống còn 4%.
Nông nghiệp tăng trưởng khá cao và ổn định, với tốc độ tăng bình quân hằng năm đạt 9,1%; so với năm 2005, năm 2010 diện tích cao su tăng 1,5 lần đạt 147 nghìn ha; diện tích điều gần 157 nghìn ha.
Cây cà phê được bố trí phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, nguồn nước và giống nên diện tích vườn cà phê ổn định, giữ ở mức 10 - 11 ngàn ha, sản lượng hàng năm đạt 10 - 12 ngàn tấn nhân. Chăn nuôi từng bước chuyển sang tập trung, quy mô lớn. So với năm 2005, năm 2009 đàn bò tăng 1,4 lần, đàn lợn tăng 1,2 lần, gia cầm tăng 2,3 lần.
Chú trọng tiềm năng, lợi thế
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn công tác Chính phủ ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của Đảng bộ, các cấp chính quyền phấn đấu, khắc phục khó khăn vươn lên. Với điểm xuất phát thấp, nhưng tỉnh đã đạt thành tích khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, cơ cấu kinh tế tỉnh chuyển dịch còn chậm, tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm còn cao (hơn 47%); tăng trưởng kinh tế chưa đi vào chiều sâu; song tỉnh cần tranh thủ đà tăng trưởng cao, cùng với các tiềm năng, thế mạnh để đưa Bình Phước phát triển nhanh hơn, mạnh hơn.
Từ nay đến cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, tỉnh cần tập trung và thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra, đồng thời chuẩn bị tốt Đại hội Đảng các cấp. Trong báo cáo chính trị và các văn kiện phục vụ Đại hội cần đề ra các mục tiêu, tiêu chí thiết thực, cụ thể, mang tính khả thi cao, Thủ tướng lưu ý.
Là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng kinh tế phát triển năng động nhất nước, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tỉnh cần khai thác tốt tiềm năng lợi thế về đất đai để phát triển nông, lâm nghiệp; tài nguyên khoáng sản đa dạng phong phú nhất là đá vôi, đá xây dựng, cao lanh, bauxit. Trên địa bàn tỉnh có 3 dòng sông (sông Bé, sông Sài Gòn, sông Đồng Nai) nên rất có tiềm năng để phát triển thủy điện.
Phát triển nhanh hơn, mạnh hơn
Để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao (13 -14%/năm) và đưa thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 1.900 – 2.000 USD như tỉnh đề ra, Thủ tướng cho rằng, về công nghiệp, tỉnh cần đẩy nhanh đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu; ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, nhất là công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng, cát, đá xây dựng, cao lanh…). Đây là tiềm năng lợi thế lớn của tỉnh so với các tỉnh phía Nam.
Tỉnh cũng cần chú trọng tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, chú trọng các dự án đầu tư có hàm lượng khoa học – công nghệ, giá trị gia tăng cao; kết nối chặt chẽ với khu công nghiệp Đồng Nai và hệ thống cảng nước sâu Thị Vải – Cái Mép. Mỗi khu công nghiệp phải gắn với quy hoạch khu đô thị.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng khuyến khích tỉnh tiếp tục hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh phù hợp với lợi thế của tỉnh; mở rộng diện tích cây cao su, hồ tiêu, ca cao, điều, cây ăn quả ở những vùng đất thích hợp; phát triển rừng kinh tế. Ưu tiên phát triển chăn nuôi công nghiệp hiện đại quy mô lớn.
Bình Phước, với 240 km đường biên giới với Campuchia, cũng nên thu hút vốn đầu tư vào du lịch, hoàn thành đưa vào khai thác các tuyến du lịch trọng điểm; khai thác tốt tuyến du lịch Việt Nam – Campuchia – Lào – Thái Lan; mở rộng hợp tác đầu tư, thông thương hàng hóa với các tỉnh thuộc Campuchia.
Thủ tướng nhắc nhở tỉnh quan tâm đến công tác quy hoạch công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ tương xứng với vị thế một tỉnh nằm trong vùng kinh tế năng động, trọng điểm phía Nam; đầu tư phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, lao động có tay nghề, chuyển nhanh một bộ phận lao động trong nông nghiệp sang lao động trong công nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước.
Thủ tướng và các thành viên Đoàn công tác Chính phủ đã xem xét, giải quyết một số kiến nghị của tỉnh về việc bổ sung Khu liên hợp công nghiệp, dân cư, dịch vụ Đồng Phú; nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13, 14; phát triển lưới điện; đầu tư các công trình văn hóa…
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, dư địa để tăng tốc độ phát triển GDP của tỉnh còn rất lớn, Bình Phước có thể phát huy nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh và mạnh hơn nữa.
Theo CP.vn