Ông Đỗ Thế Anh- Giám đốc Công ty CP thương mại Sao Khuê - cho biết: Gạo nếp cái hoa vàng Quý Hương là sản vật xứ Thanh, dùng để tiến Vua nay được phục hồi nguồn gen đưa vào sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn với diện tích 200ha.
Gạo nếp cái hoa vàng Quý Hương: Chất lượng làm nên thương hiệu: Do kén thổ nhưỡng, giống lúa đặc sản này hiện chỉ mới được canh tác tại xã miền núi Hà Long (huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) và gieo trồng được một vụ mỗi năm. Gạo nếp cái hoa vàng Quý Hương có đặc điểm hạt bầu, màu trắng đục, khi nấu lên có mùi thơm rất đặc biệt, cơm ngọt, không bị dính tay và giữ được dộ dẻo trong một thời gian dài.
“Trước khi đưa giống lúa nếp đặc sản này vào gieo trồng với diện tích lớn, chúng tôi đã tìm hiểu, nghiên cứu rất nhiều giống lúa nếp khác nhau, cho sản lượng lớn nhưng không thể so sánh về chất lượng với giống lúa nếp cái hoa vàng. Từ khi manh nha tìm hiểu đến nay, gạo nếp cái hoa vàng Quý Hương đã 6 năm có mặt trên thị trường”- ông Đỗ Thế Anh cho biết và chia sẻ, do sản lượng chưa nhiều, khoảng 600-700 tấn/năm, gạo nếp cái hoa vàng Quý Hương hiện mới được tiêu thụ tại Thanh Hóa và một số tỉnh lân cận.
Ông Đỗ Thế Anh cũng chia sẻ, năm 2021, sản xuất lúa gạo nhìn chung được mùa nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, tiêu thụ khó khăn, nguồn cung dư thừa, giá sản phẩm xuống thấp. Tuy nhiên, gạo nếp cái hoa vàng Quý Hương là ngoại lệ, bởi chất lượng tốt, định vị phục vụ phân khúc người tiêu dùng có thu nhập cao nên tiêu thụ rất tốt, giá ổn định và cung hiện không đủ cầu.
Do có lợi thế về thị trường, doanh nghiệp đang tiến hành khảo nghiệm, mở rộng diện tích gieo trồng nhằm tăng sản lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Định hướng trong dài hạn, doanh nghiệp sẽ nghiên cứu một số thị trường xuất khẩu đích về nhu cầu tiêu dùng, tập quán sử dụng sản phẩm, các tiêu chuẩn chất lượng để có kế hoạch đầu tư cho vùng nguyên liệu, chế biến, quy cách đóng gói sản phẩm phù hợp.
Chia sẻ về kế hoạch khảo nghiệm vùng trồng, ông Đỗ Thế Anh cho hay, công ty dự kiến khảo nghiệm tại 6 địa phương có thổ nhưỡng tương tự như Hà Long với diện tích gieo trồng thử nghiệm khoảng 30ha. Diện tích khảo nghiệm không thể lớn bởi phải theo dõi chi tiết từng giai đoạn phát triển của giống cây trồng. Năm 2022, doanh nghiệp bắt đầu khảo nghiệm, sau khi thu hoạch, đánh giá chất lượng sản phẩm, nếu đủ điều kiện sẽ đưa vào gieo trồng đại trà từ năm 2023. “Bản chất giống lúa này dễ trồng nên về canh tác không có gì đặc biệt, việc khảo nghiệm chủ yếu đánh giá sự phù hợp của đất đai, thổ nhưỡng”, ông Đỗ Thế Anh nói và cho biết, vì gạo nếp cái hoa vàng Quý Hương được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, Bộ Công Thương có thêm chính sách hỗ trợ, nhất là về kinh phí cho doanh nghiệp đầu tư máy móc tiến tiến vào sản xuất, giúp gia tăng hơn nữa chất lượng sản phẩm đã được chứng nhận.
“Nguồn kinh phí hỗ trợ dù eo hẹp nhưng với cách làm phù hợp và ứng dụng công nghệ thông tin chúng ta vẫn có thể phát huy hiệu quả công tác khuyến công, xúc tiến thương mại”- ông Đỗ Thế Anh nói.
Gạo nếp cái hoa vàng Quý Hương là sản vật xứ Thanh, dùng để tiến Vua nay được phục hồi nguồn gen đưa vào sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn; năm 2021, được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.
Nguồn: Congthuongonline